|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai đảng đều phản đối đề xuất cứu trợ 1.800 tỉ USD của ông Trump

08:45 | 12/10/2020
Chia sẻ
Đảng Dân chủ ở Hạ viện và Đảng Cộng hòa ở Thượng viện đều tỏ ra không hài lòng với đề xuất gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.800 tỉ USD mà Tổng thống Trump đưa ra cuối tuần trước. Quan chức Nhà Trắng thì kêu gọi quốc hội bỏ phiếu riêng về một dự luật cho vay doanh nghiệp nhỏ nếu không thể thống nhất một dự luật toàn diện.

Quá ít với Đảng Dân chủ, quá nhiều với Đảng Cộng hòa

Theo CNBC, đề xuất 1.800 tỉ USD mà chính quyền Donald Trump đưa ra cao gần gấp đôi so với đề xuất ban đầu của Đảng Cộng hòa nhưng vẫn ít hơn khoảng 400 tỉ USD so với dự luật mà Đảng Dân chủ chiếm đa số Hạ viện đã thông qua. Kết quả là cả hai đảng Dân chủ - Cộng hòa đều cảm thấy không hài lòng.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gửi thư tới các thành viên Hạ viện ngày 10/10: "Đề xuất của chính quyền Donald Trump giống như tiến một bước rồi lại lùi hai bước".

"Khi ông Trump nói về việc muốn một gói giải cứu qui mô lớn hơn, đề xuất của ông ta dường như chỉ muốn có nhiều tiền hơn để tùy ý ban phát chứ không phải đồng ý về thông điệp vinh danh những người lao động của nước Mỹ, tiêu diệt virus và hỗ trợ tài chính cho người lao động".

Hôm 7/10, bà Pelosi cũng đã đưa ra lời chỉ trích tương tự: "Tất cả những gì ông Trump muốn từ trước đến nay là gửi ra một tấm séc có in tên ông ta. Quên đại dịch, quên hết những người hùng của đất nước, quên luôn con cái chúng ta và mong muốn đến trường an toàn của chúng. Ông Trump chỉ đang cố sửa chữa một sai lầm khủng khiếp mà ông ta phạm phải trước kia".

Dự luật hỗ trợ cũ đã hết hạn từ cuối tháng 7 nhưng hai đảng vẫn chưa thể thống nhất được một giải pháp thay thế.

Theo NBC News, đề xuất trị giá 1.800 tỉ USD mới đây của chính quyền Donald Trump gồm các khoản sau:

* Hỗ trợ chính quyền bang và địa phương: 300 tỉ USD

* Trợ cấp thất nghiệp bổ sung: 400 USD/tuần, tác dụng hồi tố từ ngày 12/9 đến hết tuần thứ 3 của tháng 1/2021.

* Bảo vệ trách nhiệm pháp lí cho doanh nghiệp

* Phát tiền trực tiếp cho người dân: 1.200 USD/người lớn, 1.000 USD/trẻ em

* Hỗ trợ ngành hàng không: 20 tỉ USD

* Hỗ trợ doanh nghiệp trả lương người lao động: 330 tỉ USD

* Cho vay nhóm người thiểu số: 10 tỉ USD

* Xét nghiệm, truy vết, vắc xin COVID-19, hỗ trợ nhân viên y tế: 175 tỉ USD

* Giáo dục: 150 tỉ USD

* Xóa nợ sinh viên: 25 tỉ USD

* Hỗ trợ thực phẩm: 15 tỉ USD

* Chăm sóc trẻ em: 25 tỉ USD

* Dịch vụ bưu điện: 10 tỉ USD

* Hỗ trợ thuế người lao động: 91 tỉ USD

* Ngành khách sạn: 20 tỉ USD

* Dịch vụ băng thông rộng: 15 tỉ USD

Bà Pelosi cho rằng đề xuất của chính phủ Donald Trump vẫn còn thiếu một kế hoạch mang tính chiến lược để kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19 và nguồn vốn dành cho chính quyền bang, địa phương cũng như hỗ trợ các hộ gia đình còn quá ít.

Bà Pelosi kêu gọi áp dụng lại chương trình trợ cấp thất nghiệp bổ sung 600 USD/tuần (thay vì chỉ 400 USD như đề xuất của Nhà Trắng) và yêu cầu bổ sung thêm nhiều nguồn vốn hơn cho dịch vụ chăm sóc trẻ em.

Nguồn tin của NBC News cho biết: Trong cuộc họp với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, Đảng Cộng hòa ở Thượng viện cũng tỏ ra không hài lòng với đề xuất 1.800 tỉ USD nói trên.

Đảng Cộng hòa cho rằng con số trên quá cao và một số khoản tiền được dùng vào mục đích không hợp lí, đặc biệt là trợ cấp y tế tối đa cho những người tham gia chương trình Obamacare.

Thông qua từng phần thay cho cả gói?

Trong thư gửi tới quốc hội ngày 11/10, Bộ trưởng Mnuchin và Chánh văn phòng Meadows cho biết Đảng Dân chủ Hạ viện và Đảng Cộng hòa Thượng viện vẫn chưa thể thống nhất về dự luật kích thích mới. Vì vậy ông Mnuchin và Meadows kêu gọi một cuộc bỏ phiếu riêng rẽ nhằm thông qua Chương trình Bảo vệ Tiền lương và xóa nợ cho doanh nghiệp nhỏ.

"Cách tiếp cận kiểu thông qua tất cả hoặc không có gì là không thể chấp nhận được đối với người dân Mỹ", lá thư của hai ông viết.

Hai đảng đều phản đối đề xuất cứu trợ 1.800 tỉ USD của ông Trump - Ảnh 2.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (phải). (Ảnh: Reuters)

Ngày bầu cử 3/11 đang đến gần và hiện không rõ liệu Đảng Dân chủ Cộng hòa có thể kịp thống nhất một dự luật cứu trợ trong những tuần còn lại hay không, đặc biệt là khi Thượng viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số đang bận chuẩn bị phê duyệt đề cử bà Amy Coney Barrett vào ghế Thẩm phán Tòa án Tối cao.

Thứ Sáu tuần trước (9/10), Lãnh đạo phe đa số của Thượng viện Mitch McConnell nhận định chương trình giải cứu sẽ "khó có thể được thông qua trong ba tuần tới".

Ngày 11/10, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng Đảng Cộng hòa ở Thượng viện cuối cùng cũng sẽ thống nhất với đề xuất của chính quyền Donald Trump nếu Đảng Dân chủ đồng ý.

Ông Kudlow cũng nhận xét rằng quá trình hồi phục kinh tế Mỹ không phụ thuộc vào việc thông qua một gói kích thích mới.

Quan điểm này của ông Kudlow trái ngược với nhận định của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vài ngày trước rằng "nếu hỗ trợ quá ít ỏi, quá trình hồi phục sẽ suy yếu, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ phải chịu đựng nhiều khổ sở không cần thiết".

Đức Quyền

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.