|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sự chi phối của các NĐT ẩn danh và nguyên nhân TCBS, VPS dẫn đầu về thu xếp phát hành trái phiếu doanh nghiệp

12:53 | 11/01/2020
Chia sẻ
Năm 2019 là năm mà thị trường TPDN được Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá là "Sơ khởi và Ngổn ngang". Bên cạnh những biểu hiện tích cực, song vẫn đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững.

"Tổ chức trong nước" - Nhà đầu tư ẩn danh chi phối thị trường trái phiếu

Theo thống kê công bố từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và từ các doanh nghiệp được SSI Research tổng hợp, tổng số trái phiếu phát hành cả năm là 280.141 tỉ đồng, tương đương 93,2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018.

Trong đó, các NHTM phát hành 115.422 tỉ đồng trái phiếu, chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,2%) trong tổng lượng TPDN phát hành 2019. Kế đến là các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 106.531 tỉ đồng trái phiếu, đứng thứ 2 với tỉ trọng 38%.  

Sự chi phối của các NĐT ẩn danh và nguyên nhân TCBS, VPS dẫn đầu về thu xếp phát hành trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Cơ cấu phát hành năm 2019 (Nguồn: HNX, SSI)

Cơ cấu phát hành năm 2019 (Nguồn: HNX, SSI)Theo quan sát của SSI Research, trong tổng số 211 doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng thì có 129 doanh nghiệp chưa niêm yết. Vì vậy, chất lượng thông tin và trách nhiệm công bố thông tin vì vậy còn tương đối hạn chế.

Trong khi đó, thị trường lại ghi nhận sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư cá nhân. Trong năm 2019, các NĐT cá nhân, chủ yếu là nhà đầu tư trong nước đã mua 26.492 tỉ đồng TPDN trên sơ cấp, tương đương 9,64% tổng lượng phát hành toàn thị trường.

SSI Research cho rằng giá trị đầu tư mà các NĐT cá nhân tham gia vào thị trường TPDN thực tế sẽ lớn hơn do có một số trái phiếu được phát hành riêng lẻ sơ cấp sau đó được phân phối lại cho NĐT cá nhân trên thị trường thứ cấp.

"Mặc dù tham gia ngày một nhiều, các nhà đầu tư cá nhân thường bị hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin cũng như kinh nghiệm đầu tư. Đây là một rủi ro cho không chỉ người tham gia đầu tư mà cho cả sự ổn định của thị trường", các nhà phân tích SSI Research tỏ ra lo ngại.

Trong khi các NĐT nước ngoài chỉ mua tổng cộng 14,8 nghìn tỉ đồng, tương đương 5.4% tổng lượng trái phiếu phát hành trong năm 2019. Các NĐT tổ chức trong nước chính là những người dẫn dắt "cuộc chơi" trái phiếu với tổng lượng mua là 219,2 nghìn tỉ đồng, tương đương gần 80% lượng phát hành.

Sự chi phối của các NĐT ẩn danh và nguyên nhân TCBS, VPS dẫn đầu về thu xếp phát hành trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 2.

"Tổ chức trong nước" này đã mua tới 56% TPDN (nguồn: SSI)

Trong đó, các ngân hàng thương mại mua 25,5 nghìn tỉ đồng, tập trung vào các trái phiếu bất động sản; các công ty chứng khoán mua 38,6 nghìn tỉ đồng, tập trung vào trái phiếu do ngân hàng phát hành.

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng giá trị đầu tư TPDN thực tế của các NHTM và CTCK có thể lớn hơn do thông tin bên mua của những đợt phát hành riêng lẻ càng về cuối năm càng trở nên chung chung, chỉ còn ghi "tổ chức trong nước". Những đối tượng "tổ chức trong nước" này đã mua tới 56% lượng TPDN phát hành, tức trên 150 nghìn tỉ.

TCBS và VPS dẫn đầu về tư vấn phát hành trái phiếu

SSI Research cho biết, có tổng cộng 244,5 nghìn tỉ đồng TPDN được thu xếp phát hành thông qua trung gian là CTCK, tương đương 87,3% tổng lượng phát hành trong năm 2019.

Với qui mô tăng nhanh trong 2 năm trở lại đây, TPDN trở thành thị trường rất hấp dẫn với các CTCK để gia tăng doanh thu và lợi nhuận, không chỉ từ phí thu xếp phát hành mà còn từ hoạt động phân phối trên thị trường thứ cấp.

Điều khá bất ngờ là những cái tên dẫn đầu thị phần tư vấn phát hành không hề có tên những công ty chứng khoán top đầu như SSI, HSC, MBS. Thay vào đó, nhóm 3 CTCK thu xếp phát hành TPDN nhiều nhất là TCBS, VPS và VND với thị phần tương ứng là 21.6%, 13.9% và 12.4%. Riêng nhóm này chiếm tới gần 50% tổng lượng phát hành TPDN thông qua trung gian là CTCK.

Với TCBS, thống kê của SSI Research cho thấy có đến 58,5% (khoảng 30 nghìn tỉ đồng) trên tổng giá trị thu xếp phát hành thành công của TCBS lại là các trái phiếu BĐS của các doanh nghiệp có liên quan đến Vingroup, Vinametric, NewCo…

Sự chi phối của các NĐT ẩn danh và nguyên nhân TCBS, VPS dẫn đầu về thu xếp phát hành trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 3.

Thị phần thu xếp phát hành TPDN của các CTCK (Nguồn: HNX, SSI)

Trong khi đó, thị phần VPS có được phần nhiều đến từ VPBank. Riêng ngân hàng này phát hành hơn 18 nghìn tỉ đồng trái phiếu trong năm 2019, trong đó hơn 17 nghìn tỉ đồng là thông qua VPS. Ngoài VPB, VPS không thu xếp phát hành cho ngân hàng nào khác.

"Phần còn lại VPS tư vấn bao gồm khá nhiều các tổ chức phát hành cũng là khách hàng tín dụng của VPBank", SSI Research cho hay.

Lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi từ 3-4%/năm

Tính bình quân gia quiền theo giá trị phát hành năm 2019, lãi suất trái phiếu trung bình toàn thị trường là 8,8%/năm và hạn trái phiếu bình quân là 4,04 năm. Lãi suất và hạn đều nhích tăng trong quí cuối năm phần nhiều do các NHTM gia tăng phát hành trái phiếu hạn dài và lãi suất cũng cao hơn.

Theo SSI Research, nhóm trái phiếu ngân hàng có lãi suất bình quân thấp nhất (7,4%/năm), nhóm có lãi suất bình quân cao nhất là BĐS (10,3%/năm). Nhóm các doanh nghiệp khác có lãi suất bình quân cao ngang bằng nhóm BĐS chủ yếu là do lô phát hành 1.402 tỉ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất 20% của CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng. Nếu loại trừ khoản này, lãi suất bình quân của nhóm các doanh nghiệp khác chỉ là 9,86%/năm.

Ngoài lô trái phiếu lãi suất cao bất thường kể trên, có 3 lô phát hành của BĐS Phát Đạt (PDR) và 2 lô phát hành của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Gia Cư có lãi suất trên 13%/năm – đều là các doanh nghiệp BĐS.

Ngoài ra, Công ty Đầu tư Kinh doanh BĐS Star Beach chào bán 150 tỉ đồng trái phiếu 24 tháng, lãi suất tới 18%/năm nhưng không có bên nào mua cho thấy thị trường cũng có chọn lọc, không hẳn chỉ nhìn vào lãi suất.

Ngoại trừ nhóm trái phiếu ngân hàng, hầu hết các trái phiếu nằm trong khoảng lãi suất 10-11%/năm, tức là cao hơn lãi suất tiền gửi từ 3-4%/năm. Mức này cũng ngang bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn đang là 9-11%/năm (theo thông tin từ NHNN).

Huy Nguyên