|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đột biến trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng cuối năm

11:52 | 13/01/2020
Chia sẻ
Trong tháng 12/2019, lượng trái phiếu thuộc loại hình doanh nghiệp "khác" bất ngờ vượt qua nhóm ngân hàng và bất động sản để dẫn đầu về giá trị phát hành.

Báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tháng 12 cho thấy, giá trị trái phiếu phát hành trong tháng 12 đã tăng đột biến so với tháng 11 và so với bình quân 11 tháng.

Cụ thể, trong tháng 12, đã có 154 doanh nghiệp phát hành thành công lượng trái phiếu 54.856 tỉ đồng; gấp đôi so với con số 26.716 tỉ đồng thực hiện trong tháng 11 và gấp 2,5 lần so với con số thực hiện bình quân trong 11 tháng trước đó.

Đột biến trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng cuối năm - Ảnh 1.

Nguồn: HNX

Điều khá kì lạ là trong tháng 12, lượng trái phiếu thuộc loại hình doanh nghiệp "khác" lại bất ngờ vượt qua nhóm ngân hàng và bất động sản (BĐS) để dẫn đầu về giá trị phát hành. 

Trong khi đó, tháng 12 cũng xuất hiện nhiều trường hợp các doanh nghiệp mới thành lập không lâu nhưng lại huy động được số vốn rất lớn, mỗi doanh nghiệp từ vài trăm đến vài nghìn tỉ đồng nhưng không rõ được xếp nằm trong loại hình nào.

Chẳng hạn như trường hợp của Công ty TNHH Hải Dương Giang Biên, một công ty được thành lập vào tháng 6/2018. Đây là đơn vị mà theo CTCK SSI xếp loại thì đây là một loại hình doanh nghiệp bất động sản. 

Chỉ trong hai ngày cuối năm 2019, Hải Dương Giang Biên đã phát hành liên tiếp ba lô trái phiếu có tổng giá trị lên đến 3.600 tỉ đồng với tài sản thế chấp được đảm bảo bởi một bên thứ ba.

Đột biến trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng cuối năm - Ảnh 2.

Nguồn: HNX

Đầu mối đứng ra thu xếp cho đợt phát hành của Hải Dương Giang Biên là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Cặp đôi này cũng đứng ra thu xếp vốn cho một loạt các đơn vị kinh doanh bất động sản mới thành lập không lâu.

Nói về TCBS, báo cáo về thị trường trái phiếu năm 2019 của CTCK SSI cho thấy có đến 58,5% (khoảng 30 nghìn tỉ đồng) trên tổng giá trị thu xếp phát hành thành công của TCBS đến từ các trái phiếu BĐS của các doanh nghiệp có liên quan đến Vingroup, Vinametric, NewCo,…

Cũng như TCBS, "cặp đôi" Công ty chứng khoán và ngân hàng khác là CTCK VPS và Ngân hàng VPBank đang đứng thứ hai về thị phần thu xếp vốn TPDN năm 2019. Năm vừa qua, VPS đã tư vấn cho khá nhiều các tổ chức phát hành là khách hàng tín dụng của VPBank.

SSI Research cho biết, lượng mua TPDN thực tế trong năm vừa qua của các NHTM và CTCK có thể lớn hơn nhiều các thông tin HNX cung cấp do thông tin bên mua của những đợt phát hành riêng lẻ chỉ ghi chung chung là "tổ chức trong nước".

Những đối tượng "tổ chức trong nước" này đã mua tức trên 150 nghìn tỉ năm 2018, điều đó cho thấy, dường như thị trường đang tồn tại một mối liên hệ rất mật thiết giữa các đơn vị phát hành TPDN với các ngân hàng.

Đột biến trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng cuối năm - Ảnh 3.

BĐS và Ngân hàng chiếm 80% giá trị trái phiếu phát hành năm 2019 theo báo cáo của CTCK SSI

Bình luận về điều này, một số nhà quan sát cho rằng rất có khả năng các ngân hàng đang thực hiện cơ cấu nợ tại các doanh nghiệp BĐS, bao gồm cả các khoản vay cũ và vay mới nhằm đáp ứng các qui định về an toàn vốn của Thông tư 22/NHNN. 

Trong rất nhiều trường hợp, các tổ chức phát hành dù là doanh nghiệp niêm yết cũng rất khó thành công trong việc huy động vốn thực tế trên thị trường trái phiếu. Có thể kể đến những cái tên như Tập đoàn Đất Xanh hay CTCP Đạt Phương đều chỉ thu được một lượng vốn rất nhỏ so với số vốn trái phiếu cần huy động.

Huy Nguyên