'Trái phiếu DN bất động sản có thể tăng đến 90% năm 2020'
Trái phiếu sẽ tiếp tục bùng nổ vào 2020
Đây là một trong những nhận định của ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng đại diện UBCK TP HCM đưa ra tại Hội thảo chuyên đề: Dòng tiền cho bất động sản năm 2020 sáng ngày 7/1.
Theo ông Năng, trong năm 2019 mặc dù thị trường chứng khoán không đạt như ý muốn nhưng VNIndex vẫn tăng gần 8%, qui mô thị trường tăng lên 10% chủ yếu tăng ở thị trường trái phiếu.
Bên cạnh đó, dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán đạt mức 27 tỉ USD, chiếm 30% vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán có 1.664 mã trong đó 120 mã bất động sản có vốn hóa chiếm 102% GDP.
Về thị trường trái phiếu, theo số liệu thống kê tính đến tháng 12, tổng vốn huy động cho lĩnh vực bất động sản bằng trái phiếu khoảng 90.000 tỉ đồng với lãi suất bình quân từ 11%- 15%, gấp đôi so với lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Theo ông Năng, đây là vấn đề đáng suy nghĩ.
Dự báo cho năm 2020, ông Năng cho biết chính sách tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và buộc phải tìm kiếm nguồn vốn khác để thay thế bằng cách việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp hoặc hợp tác với các đối tác nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải minh bạch hơn về thông tin cũng như cải thiện năng lực phát triển dự án.
Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục là kênh huy động chính và được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ vào 2020. Giá trị trái phiếu phát hành có thể tăng 80-90% lên 200.000 tỉ đồng. Đồng thời, theo lộ trình của Chính phủ, thị trường trái phiếu sẽ chiếm khoảng 45% GDP trong 2020 và 65% GDP vào 2030.
Vẫn chưa có tổ chức xếp hạng rủi ro cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Tuy nhiên, ông Năng lưu ý rằng vấn đề đặt ra là chưa có tổ chức xếp hạng đánh giá mức độ rủi ro của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đây là rào cản lớn khi phần lớn các cuộc phát hành chủ yếu là phát hành riêng lẻ và các tổ chức mua là ngân hàng, công ty chứng khoán.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho rằng để minh bạch việc phát hành trái phiếu cần phải đánh giá, thẩm định năng lực tài chính của doanh phát hành trái phiếu.
Vấn đề tiếp theo là lãi suất trái phiếu khá cao, gấp đôi lãi suất huy động ngân hàng. Tuy nhiên ông Trung lưu ý rằng trái phiếu là nguồn vốn trung dài hạn nghĩa là bao gồm rủi ro trong tương lai.
Liên quan đến cấu trúc vốn an toàn khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp và vay nợ ngân hàng, theo ông Tùng, đây là là mối tương quan giữa lợi nhuận và rủi ro. Ngân hàng không đánh giá mức độ vay mà sẽ thẩm định tài sản doanh nghiệp dùng làm bảo đảm cho trả nợ.
Để ngân hàng phê duyệt khoản vay thì phục thuộc vào ba yếu tố là thủ tục pháp lí, tính minh bạch của doanh nghiệp và năng lực triển khai dự án.
Dòng vốn vào bất động sản không phải vấn đề quá khó khăn trong 2020
Bên cạnh đó, tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng năm 2020, dòng vốn vào bất động sản không phải vấn đề quá khó khăn với tốc độ tăng trưởng GDP hơn 7% đồng thời vốn FDI đổ vào bất động sản rất lớn.
Doanh nghiệp cần có cách nhìn lạc quan vào thị trường bất động sản. Tuy có lúc thị trường trầm lắng nhưng theo Phó Tổng Giám đốc HDBank thì thị trường bất động sản vẫn rất quan trọng của nền kinh tế, đứng thứ hai sau thị trường chứng khoán.
Nhận định về thông tư 22 tác động đến doanh nghiệp bất động sản, ông Trung cho biết Ngân hàng không phải là nơi tập trung nguồn vốn trung dài hạn mà chủ yếu là vốn lưu động và dịch vụ. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có lộ trình để áp dụng thông tư này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cũng cho biết tỉ trọng huy động vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là vốn tiết kiệm ngắn hạn.
Theo đó, việc sử dụng vốn tiết kiệm ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn thì tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các ngân hàng thương mại và cả nền kinh tế.
Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước tác động tích cực và lành mạnh bởi nó giúp các doanh nghiệp bất động sản chủ động nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế.