|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sự bùng phát dịch ASF đang 'giúp' Trung Quốc tránh rủi ro thiếu hụt đậu nành vào đầu 2019

20:00 | 27/11/2018
Chia sẻ
Nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc dự báo sẽ giảm vì sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi (ASF) ảnh hưởng tới đàn heo khổng lồ của quốc gia này và làm suy yếu nhu cầu đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi động vật.

Điều này giúp các nhà nhập khẩu dễ dàng tránh các lô hàng từ Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng leo thang.

Dịch ASF, gây tử vong tại heo nhưng không ảnh hưởng tới con người, đã lan rộng trên khắp Trung Quốc, với hơn 70 trường hợp được báo cáo xuất hiện tại các trang trại kề từ đầu tháng 8.

Dịch bệnh và lượng đậu nành tồn kho lớn đã giảm nhu cầu của nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại, theo các nhà giao dịch và chuyên gia phân tích. Điều này nghĩa là người mua có thể không cần sớm quay lại nhập khẩu đậu nành Mỹ.

"Nếu không vì dịch ASF, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với việc thiếu đậu nành vào đầu năm tới", một giám đốc điều hành tại công ty thương mại quốc tế cho biết.

"Hiện, có vẻ như các nhà chế biến đậu nành có thể hoạt động mà không cần đậu nành Mỹ", ông nói thêm.

Washington và Bắc Kinh đã vướng vào một cuộc chiến thương mại, mà đậu nành trở thành mặt hàng nằm trong trung tâm của cuộc tranh chấp.

su bung phat dich asf dang giup trung quoc tranh rui ro thieu hut dau nanh vao dau 2019
Ảnh: Reuters.

Brazil cũng "dính đòn"

Sau khi áp thuế quan trả đũa đối với đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc chủ yếu tiêu thụ đậu nành Brazil, đe dọa tới lượng đậu lớn nằm trong kho chứa tại Mỹ sau thu hoạch hoặc bị hỏng trên các cánh đồng.

Tuy nhiên, vì tổng nhu cầu đậu nành của Trung Quốc đang chậm lại, giá đậu nành Brazil cũng đang chịu thiệt hại, giảm còn 85 US cent/giạ đối với hợp đồng giao tháng 1/2019 trên sàn Chicago từ đỉnh 2,75 USD được ghi nhận trong tháng 10.

"Trung Quốc đã không thu mua đậu nành Mỹ trong nhiều tháng và hiện nhu cầu với cả đậu Brazil cũng giảm đáng kể", một nhà giao dịch tại Singapore cho biết.

Lượng tồn kho nội địa lớn cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm nhu cầu đậu nành.

Dự trữ đậu nành của Trung Quốc đạt 7,45 triệu tấn, mức cao nhất ở thời điểm hiện tại của năm trong vòng một thập kỉ qua.

Nhập khẩu tháng 12 dự báo giảm gần 40%

Theo các nguồn tin thương mại ước tính, sản lượng đậu nành nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 12 dự kiến giảm 37% xuống còn 6 triệu tấn từ gần 9,6 triệu tấn một năm.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mua 6,92 triệu tấn đậu nành trong tháng 10, với 94% khối lượng đến từ Brazil.

Theo một nhà giao dịch khác, lượng đậu nành cập cảng Trung Quốc trong quí I/2019 ước đạt 11 - 12 triệu tấn, giảm từ mức 19,6 triệu tấn trong quí I năm nay.

Mặc dù, không phải toàn bộ nguồn tin trong ngành nhận định dịch ASF sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới nhu cầu đậu nành vì lệnh hạn chế vận chuyển heo sống đang khiến người chăn nuôi tại một số khu vực gặp khó khăn trong việc chở heo tới các lò giết mổ.

Trong khi đó, các thị trường đậu nành toàn cầu đang tập trung vào hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra trong tuần này tại Argentina, với nhiều người chờ đợi bất kì tín hiệu nào về cuộc chiến thương mại, có thể kết thúc hay tiếp tục leo thang.

Lyly Cao