|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguyên nhân nào dẫn tới sự thiếu đồng thuận trong APEC

06:44 | 28/11/2018
Chia sẻ
Lần đầu tiên kể từ năm 1993 hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) kết thúc mà không ra được tuyên bố chung.
nguyen nhan nao dan toi su thieu dong thuan trong apec
Toàn cảnh một phiên họp tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Port Moresby, Papua New Guinea. Ảnh: TTXVN phát

Các chuyên gia từ nhiều nước khác nhau lập tức bắt đầu tìm kiếm "tội nhân". Người thì cho rằng đây là lỗi của chính quyền Papua New Guinea, vốn chủ trì cuộc gặp và trên lý thuyết phải chịu trách nhiệm về kết quả hội nghị. Những người khác thì đổ lỗi cho phái đoàn Mỹ và Trung Quốc, bởi những người đứng đầu hai nền kinh tế này đã không hề ngại ngần tung ra những lời tố cáo chống lại nhau tại hội nghị này.

Hiển nhiên, cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến cho APEC khó tìm được sự đồng thuận. Chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung vào chủ nghĩa bảo hộ, tương phản gay gắt với mục tiêu chiến lược của APEC là tạo ra trong khu vực một hệ thống thương mại tự do và cởi mở.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói thì ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, APEC hầu như không có chuyển động nào tiến tới tạo lập khu vực thương mại tự do chung, mặc dù điều đó được nói lên ở mọi hội nghị cấp cao của APEC kể từ năm 1994.

APEC liên kết những nền kinh tế và chế độ chính trị rất khác nhau, do đó, rất khó tìm ra được quan điểm chung khách quan về bất kỳ vấn đề nào. Có lẽ vì thế mà phần lớn các nhà lãnh đạo đến tham dự các cuộc họp APEC chỉ là để có cơ hội giao lưu với các đối tác của họ bên lề hội nghị, chứ không hy vọng thông qua được văn kiện chung nào đó.

Ví dụ, ngay trong bối cảnh cuộc khủng hoảng quan hệ Nga-Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn có thể gặp gỡ và trao đổi với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Lima năm 2016 và với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng năm 2017.

Lần này, cả Tổng thống Nga Putin lẫn Tổng thống Mỹ Trump đều không ai đến dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Papua New Guinea, và điều đó cũng giống như biểu hiện triệu chứng.

Một chỉ báo về tính chất thiếu hiệu quả của APEC có thể là sự phản ánh các hoạt động của diễn đàn này trong giới truyền thông. Mỗi năm, vào mùa Thu, các nhà lãnh đạo của hơn hai chục quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều tổ chức cuộc gặp trọng thể tại một trong những địa điểm trong khu vực.

Thực trạng khủng hoảng của APEC cũng đã bộc lộ trong cuộc họp tại Đà Nẵng (Việt Nam) cách đây 1 năm. Trên thực tế, sự kiện quan trọng nhất đối với khu vực trong quá trình diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng lại là cuộc gặp bên lề, bàn về số phận của mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, cho thấy diễn đàn APEC định dạng cũ đã không mấy hấp dẫn đối với các nền kinh tế trong khu vực.

Ngay sau cuộc họp ở Đà Nẵng đã bắt đầu quá trình tái xây dựng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và hiện nay, TPP-11 đang trở thành một hiện thực liên kết-hội nhập mới. Theo lối tiếp cận này còn thêm một liên kết mới, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cần tập hợp các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Nhìn chung, những cấu trúc đó sẽ thích ứng nhiều hơn với thực tế mới.

Có thể, còn quá sớm để nói lời chia tay với APEC, nhưng những gì diễn ra ở thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea chắc chắn không phải là sự ngẫu nhiên.

Theo báo mạng vzglyad.ru, cuộc xung đột giữa “Trung Quốc mở cửa cho thế giới” và “Toàn cầu hóa kiểu Mỹ” đã khiến APEC trở thành chiến trường dành riêng cho Bắc Kinh và Washington. Cuộc xung đột này là khó tránh bởi APEC là một trong những diễn đàn để Mỹ và Trung Quốc "đụng độ", nơi hai bên đã liên tục đưa ra các chỉ trích lẫn nhau về vấn đề “chính sách thương mại không trung thực”.

Đại diện Trung Quốc tại APEC nhắc lại rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng mức thuế bổ sung 250 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc. Còn đại diện của Mỹ thì nhắc đến các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã và sẽ áp đặt đối với Trung Quốc. Kết quả là, cuộc “khẩu chiến” giữa Mỹ và Trung Quốc không đáng vui nhưng không hề bất ngờ.

Lãnh đạo Australia và Canada cố gắng “thêm đường vào thuốc”. Thủ tướng Australia Scott Morrison nói: “Chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến hơn so với những gì cá nhân tôi mong đợi", còn Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh rằng "tôi không nghĩ việc chúng ta có tầm nhìn khác nhau là điều quá bất ngờ".

Tuy nhiên, các nhà quan sát kết luận rằng Washington và Bắc Kinh đã thể hiện “tầm nhìn khác nhau” đến mức sự tồn tại tiếp theo của định dạng APEC đang mất dần ý nghĩa. “Tất cả đều quy về sự không chấp nhận lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc”, chuyên gia người Australia Rory Metcalfe nói.

Fedor Lukianov, Giám đốc khoa học Quỹ phát triển và ủng hộ của Câu lạc bộ Valdai nói với vzglyad.ru: “Những gì diễn ra tại Hội nghị APEC lần này nói lên rằng đối với Mỹ, giá trị của tổ chức đa phương đã suy giảm mạnh, một phần do nước chủ nhà. Việc chọn địa điểm tổ chức tại một nền kinh tế không có bất kỳ thông số nào thích hợp đã kết thúc bằng một thất bại”.

Ông Lukianov muốn nói đến trách nhiệm thực hiện "ngoại giao con thoi" của nước chủ nhà để đảm bảo cho văn kiện tổng kết được các bên tham gia hội nghị ký kết. Nếu như tổ chức Hội nghị là một nền kinh tế “nặng ký hơn” và quan tâm nhiều hơn đến chính trị thế giới thì hẳn đã có được được một tuyên bố chung mà trong đó lời lẽ, ngôn từ có thể ngụy trang được các xung đột và đối đầu thực tế.

Ông Lukianov nhận định: “Xung đột đã nảy sinh từ lâu trong nội bộ cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương. APEC là sản phẩm của thời kỳ khi tất cả các nền kinh tế thành viên còn tin tưởng vào toàn cầu hóa, trước hết là Trung Quốc. Song định dạng khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Mỹ tung ra sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc giờ đây lại bị chính Mỹ coi là 'không thích hợp'".