|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sonadezi lo chi phí đầu tư dự án tăng

08:28 | 17/04/2020
Chia sẻ
Từ những rủi ro có thể xảy ra, bao gồm tác động của COVID-19 và công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc thay đổi đơn giá đất của Nhà nước, dẫn đến chi phí đầu tư dự án tăng. Sonadezi đã đưa ra kế hoạch kinh doanh 2020 với kịch bản thận trọng.

Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi - Mã: SNZ) vừa công bố Báo cáo thường niên 2019, qua đó hé lộ kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Sonadezi cho biết sẽ tập trung phát triển ngành nghề kinh doanh chính tại cả công ty mẹ và các công ty thành viên, bao gồm bất động sản công nghiệp, bất động sản dân dụng và các dịch vụ hỗ trợ.

Bên cạnh việc kinh doanh và vận hành các dự án hiện hữu, công ty sẽ tìm kiếm và phát triển các dự án mới.

Cụ thể về tình hình hoạt động đầu tư, Sonadezi dự kiến triển khai xây dựng và đưa dự án Đầu tư kinh doanh mặt bằng công nghiệp tại Khu công nghiệp Châu Đức đi vào hoạt động trong năm nay.

Bên cạnh đó, công ty cũng kì vọng sản lượng tiêu thụ tại mỏ đá Xuân Hòa tăng khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có kế hoạch triển khai trong năm nay.

Về dự án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Sonadezi sẽ tiếp tục triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai.

Còn các dự án khác như Mỏ đá Thiện Tân 6 - Vĩnh Cửu, Đường 319 nối dài và Khu công nghiệp Tân Đức vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lí.

Đối với dự án Khu xử lí chất thải Quang Trung, công ty liên kết là CTCP Dịch vụ Sonadezi sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án đầu tư hệ thống lò đốt rác thải phát điện có công suất 150 tấn mỗi ngày, sau đó trình xin ý kiến chủ trương đầu tư dự án.

Ngoài ra, đối với các đơn vị thành viên không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, có qui mô nhỏ và không hiệu quả, Sonadezi sẽ tiến hành thoái vốn trong năm nay. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Sonadezi có 7 công ty con và 10 công ty liên kết.Sonadezi cho rằng, những tác động của dịch COVID-19 cũng sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của công ty.

Rủi ro từ COVID-19 và giải phóng mặt bằng, Sonadezi dự kiến lãi giảm 21% về 915 tỉ đồng  - Ảnh 2.

Danh sách công ty con (trái) và công ty liên kết (phải). Nguồn: Sonadezi.

Đồng thời, công tác bồi thường mặt bằng là các hoạt động thường xuyên của công ty nhưng luôn gặp khó khăn từ tiến độ bồi thường chậm, việc thay đổi đơn giá đất của Nhà nước, dẫn đến chi phí đầu tư dự án tăng.

Từ những rủi ro có thể xảy ra như trên, Sonadezi cho biết công ty cần đề ra phương án kinh doanh phù hợp, mang tính chủ động và linh hoạt nhằm giảm thiểu thấp nhất tổn thất nếu có.

Theo đó, Sonadezi đưa ra mục tiêu doanh thu gần 4.584 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 915 tỉ đồng, lần lượt giảm 17% và 21% so với kết quả đạt được trong năm 2019.

Rủi ro từ COVID-19 và giải phóng mặt bằng, Sonadezi dự kiến lãi giảm 21% về 915 tỉ đồng  - Ảnh 3.

Nguồn: Sonadezi.

Rủi ro từ COVID-19 và giải phóng mặt bằng, Sonadezi dự kiến lãi giảm 21% về 915 tỉ đồng  - Ảnh 4.

Nguồn: Sonadezi.

Trong năm 2019, Sonadezi đã thoái vốn ở hai đơn vị (CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An, CTCP Bến Xe và Dịch vụ Vận tải Đồng Nai) và thu về 110 tỉ đồng.

Đồng thời, công ty đã giảm tỉ lệ sở hữu tại ba đơn vị khác (CTCP Sonadezi Long Bình, CTCP Kinh doanh Nhà Đồng Nai), thu về trên 266 tỉ đồng.

Riêng tại CTCP Cấp nước Đồng Nai, công tác thoái vốn tạm dừng do gặp vướng mắc trong hồ sơ miễn giảm tiền thuê 11 khu đất và công tác quyết toán các dự án hệ thống cấp nước sử dụng nguồn vốn ODA chưa hoàn tất.

Về hoạt động đầu tư, trong năm 2019, Sonadezi đã thu hút được 42 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng kí hơn 329 triệu USD và gần 1.010 tỉ đồng.

Lũy kế đến nay, 10 khu công nghiệp của Sonadezi đã thu hút 803 dự án đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm 583 dự án FDI và 220 dự án DDI với tổng vốn đăng kí hơn 10 tỉ USD và 16.546 tỉ đồng.

Nguyên Ngọc