|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông chủ Thái Lan thâu tóm hơn chục dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam và tham vọng nghìn tỉ

07:00 | 17/04/2020
Chia sẻ
Ròng rã từ giữa năm 2018, công ty Thái Lan - Super Energy Corporation thực hiện mua lại cổ phần và đầu tư vào 14 dự án điện tái tạo tại Việt Nam (bao gồm cả điện mặt trời và điện gió), một trong những quốc gia có điều kiện tự nhiên thuận lợi và Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển loại hình năng lượng này.

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, công ty Thái Lan - Super Energy Corporation (SUPER) đang muốn đầu tư vào 4 dự án điện năng lượng mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3, 4 tại Bình Phước với công suất lắp đặt tối đa lên tới 750 MW.

Kế hoạch thực hiện như sau: đầu tiên, công ty con 100% vốn của SUPER là SST góp thêm vốn vào 4 doanh nghiệp gồm SSEVN1, SSELN2, SSEBP3 và New Hold Co 4 (lần lượt là các đơn vị sở hữu dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3, 4) để năng sở hữu lên 51%. 

Tiếp đó, SST sẽ mua lại 49% cổ phần còn lại từ hai cổ đông hiện tại của 4 công ty này là ông Tạ Xuân Thắng và bà Châu Mộng Như. 

Báo cáo thương vụ đầu tư lên Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET), SUPER cho biết giá trị của việc góp vốn và mua cổ phần sẽ không vượt quá 72,9 triệu USD, khoảng hơn 1.700 tỉ đồng. Theo kế hoạch, quá trình giải ngân góp vốn từng đợt sẽ được kéo dài đến tháng 3/2021.

Giá trị đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời công suất lớn nói trên có thể lên tới 457 triệu USD, bao gồm cả tiền chi cho xây dựng, phát triển dự án. 

Cùng với mức đầu tư lớn, công ty Thái Lan cũng tỏ ra hết sức kì vọng vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, tính toán tỉ suất hoàn vốn (EIRR) từ 16,59% - 17,4% (tạm tính giá bán điện 7,09 UScents/kWh). Các dự án sẽ được cấp phép khai thác thương mại trong vòng 20 năm.

Ông Jormsup Lochaya - Chủ tịch Super Energy Corporation.

Ông Jormsup Lochaya - Chủ tịch Super Energy Corporation. Ảnh: The Nation Thailand

Theo tìm hiểu, SUPER là doanh nghiệp rất ưa thích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam trong những năm gần đây.  

Từ tháng 5/2018, SUPER đã đầu tư nắm giữ 51% CTCP Super Wind Energy Công Lý 1 (Super Wind), cổ đông sở hữu 49% còn lại là Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (thường được truyền thông gọi với cái tên “ông trùm” điện gió Bạc Liêu). Nhiệm vụ của Super Wind là đảm nhiệm phát triển các dự án đầu tư điện gió của SUPER tại Việt Nam. 

Tháng 11/2018, SUPER bắt đầu công bố thương vụ đầu tư vào ba dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, tổng công suất 137 MW; bao gồm: dự án Phan Lâm 1 (37 MW), dự án Bình An (50 MW) và dự án Sinenergy Ninh Thuận (50 MW). 

Sau đó một tháng, SUPER công bố tiếp thương vụ thâu tóm hai dự án điện mặt trời là Văn Giáo 1 (50 MW) và Văn Giáo 2 (50 MW), từ cùng một nhóm nhà đầu tư. 

Tháng 2/2019, SUPER mua lại hai dự án điện gió gồm HBRE Gia Lai (50 MW) và HBRE Phú Yên (200 MW) từ nhóm cổ đông HBRE Group, ông Hồ Tá Tín. Cuối tháng 11/2019, công ty Thái Lan góp vốn, tăng sở hữu tới 99% tại hai dự án là điện gió Công Lý Sóc Trăng (30 MW) và điện gió Công Lý Bạc Liêu (142 MW). 

Tháng 1/2020, SUPER công bố thêm thương vụ đầu tư vào dự án điện mặt trời Thịnh Long Phú Yên (50 MW). Sau đó, có kế hoạch đầu tư thêm vào 4 dự án tại Bình Phước như đã nêu ở đầu bài viết. 

Như vậy, nếu thương vụ đầu tư vào Lộc Ninh thành công, SUPER sẽ có quyền đầu tư vào tổng cộng 14 dự án năng lượng tái tạo bao gồm cả điện gió và điện mặt trời. 

Công suất các dự án điện mặt trời của SUPER tại Thái Lan là rất nhỏ nếu đem so với các dự án tại Việt Nam.

Công suất các dự án điện mặt trời của SUPER tại Thái Lan là rất nhỏ nếu đem so với các dự án tại Việt Nam. Nguồn: SUPER

6 dự án điện mặt trời đang vận hành thương mại của SUPER.

6 dự án điện mặt trời đang vận hành thương mại của SUPER. Nguồn: SUPER

Tính đến thời điểm hiện tại, SUPER đã đưa vào vận thành thương mại được 6 dự án điện mặt trời tại Việt Nam với tổng công suất phát gần 287 MW, bao gồm: Văn Giáo 1, Văn Giáo 2, Phan Lâm 1, Bình An, Thịnh Long và mới nhất là Sinenergy Ninh Thuận. 

Các dự án này đều được khai thác thương mại trong năm 2019, trong thời gian ngắn đem về cho SUPER doanh thu gần 400 triệu Baht, tương ứng 286 tỉ đồng, chiếm 6,4% trong cơ cấu doanh thu của công ty Thái Lan. 

Tại thời điểm 31/12/2019, giá trị tài sản dài hạn của các dự án mà SUPER sở hữu tại Việt Nam được ghi nhận trên 4.055 tỉ đồng. 

Để tài trợ cho các dự án đầu tư mới tại Việt Nam, cuối tháng 1/2020, SUPER kí một thỏa thuận vay giá trị hơn 187 triệu USD; các dự án đã đầu tư cũng đều sử dụng nợ vay cao. 

Về SUPER, đây là doanh nghiệp chuyên đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nước sạch và công nghệ thông tin của Thái Lan, vươn lên mạnh mẽ trong những năm gần đây. 

Tại thời điểm cuối năm 2019, công ty này vận hành tới 100 dự án điện mặt trời trên toàn Thái Lan (tổng công suất 560 MW), tuy nhiên đây đều là các dự án công suất nhỏ nếu đem so với các dự án tại Việt Nam. 

Trong năm vừa qua, SUPER đạt tổng doanh thu 6,33 tỉ Baht, tương ứng hơn 4.500 tỉ đồng; biên lợi nhuận gộp ấn tượng đạt tới 52%; lợi nhuận ròng gần 1.000 tỉ đồng, tương ứng tỉ suất khoảng 22%. 

Về cơ cấu, 91% doanh thu của SUPER đến từ điện mặt trời; khoảng 6,5% từ điện sinh khối, còn lại là các nguồn khác. 

Ông chủ Thái Lan thâu tóm hơn chục dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam và tham vọng nghìn tỉ - Ảnh 4.

Triển vọng đầu tư của 4 dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3, 4 theo SUPER. Nguồn: SUPER

Các dự án điện gió dự kiến vận hành thương mại từ quí IV/2021.

Các dự án điện gió dự kiến vận hành thương mại từ quí IV/2021. Nguồn: SUPER

Trong tương lai, SUPER kì vọng vào 4 dự án điện gió tại Việt Nam, bao gồm Công Lý Sóc Trăng, Công Lý Bạc Liêu, HBRE Phú Yên và HBRE Gia Lai (tổng công suất 421 MW) dự kiến vận hành thương mại từ quí IV/2020 có thể đem về doanh thu 3,88 tỉ Baht mỗi năm, tương ứng khoảng 2.780 tỉ đồng. 

Bên cạnh đó, 4 dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3, 4 tổng công suất 750 MW dự kiến vận hành thương mại trước khi kết thúc năm 2020 có thể đem về doanh thu 1.550 tỉ đồng. Tuy nhiên, các dự án này sẽ được công ty Thái Lan sử dụng đòn bẩy tương đối lớn với 3 phần nợ, một phần vốn chủ.

Bạch Mộc