|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

SoftBank tắc khoản vay 3 tỉ USD giải cứu WeWork

20:19 | 23/12/2019
Chia sẻ
Tập đoàn công nghệ SoftBank (Nhật Bản) mắc kẹt khi đàm phán với 3 ngân hàng lớn nhất nước này về khoản vay 3 tỉ USD do vướng trần cho vay áp dụng riêng với tập đoàn này.
SoftBank tắc khoản vay 3 tỉ USD giải cứu WeWork - Ảnh 1.

Bế tắc tìm khoản vay trong nước, SoftBank được cho là xoay sang nguồn vốn ngoại. Ảnh: AFP

Điều này càng làm khó SoftBank trong việc thu xếp gói cứu trợ 9,5 tỷ USD cho startup dịch vụ chia sẻ không gian văn phòng WeWork, nguồn tin của Reuters cho biết.

SoftBank có thể bước vào năm mới 2020 mà không có gói cứu trợ nào cho WeWork bởi các ngân hàng Nhật Bản rất lo ngại khi bung vốn cứu startup này.

Dẫu biết rủi ro trước mắt, 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, gồm Mizuho Financial Group, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) và Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) đang tìm cách cấp vốn cho SoftBank, nguồn tin giấu tên cho biết.

SoftBank chưa phản hồi về thông tin trên, còn 3 “ông lớn” Mizuho, MUFG và SMFG đều từ chối bình luận.

Nguồn tin cho biết thêm, hiện có 1 lựa chọn có thể xem xét là dùng một phần trong số 26% cổ phần của SoftBank tại tập đoàn thương mại điện tử Alibaba làm tài sản thế chấp.

Một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng cho biết: “SoftBank là khách hàng quan trọng do vậy chúng tôi muốn làm hết sức để hỗ trợ tập đoàn này, tuy nhiên chúng tôi cần phải xem xét kỹ các rủi ro”.

SoftBank là đối tác doanh nghiệp “béo bở” của ngành ngân hàng tại Nhật Bản. Nhiều ngân hàng cho vay ở mức lãi suất rất thấp trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản ghi nhận tình trạng giảm phát nhiều năm qua.

Các khoản nợ gia tăng và những bất ổn từ canh bạc đầu tư của SoftBank vào WeWork càng làm dấy lên những rủi ro cho vay đối với SoftBank.

“Riêng với SoftBank, các ngân hàng không thể nới tiêu chuẩn tín dụng”, Ryoji Yoshizawa, giám đốc cấp cao của công ty dịch vụ tài chính S&P Global Ratings.

Để lách được rủi ro đối với SoftBank, các ngân hàng cần tính đến chuyện cho vay hợp vốn, nhưng đây là giải pháp rất tốn thời gian và vẫn khả năng đổ bể, chuyên gia Yoshizawa nhận định.

Tháng 10/2019, SoftBank cho biết sẽ cấp gói cứu trợ 9,5 tỷ USD cho WeWork sau khi startup này hủy kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) do nhà đầu tư lo ngại vấn đề quản trị của WeWork và phong cách “ham vui” của nhà đồng sáng lập startup Adam Neumann.

Chủ tịch SoftBank Son Masayoshi thừa nhận mình đã làm ngơ với cách quản lý của Adam Neumann.

Bế tắc khi tìm kiếm khoản vay trong nước đã khiến SoftBank tìm đến dòng tiền 1,75 tỷ USD từ tập đoàn đầu tư tài chính Goldman Sachs, nguồn tin Reuters tiết lộ. Tuy nhiên, Goldman Sachs từ chối bình luận thông tin này.

SoftBank huy động được 5.500 tỷ yên (tức 50,28 tỷ USD) từ phát hành trái phiếu và đang gánh khoản vay ngân hàng lên tới 4.000 tỷ yên, theo số liệu của nhà cung cấp dữ liệu và cơ sở hạ tầng tài chính Refinitiv.

Chí phí sử dụng vốn vay bình quân của SoftBank là 3,7% - đứng thứ 7 trong số các công ty niêm yết trong rổ Nikkei 225. Theo tính toán của Moody’s, hệ số khả năng thanh toán lãi vay của SoftBank là 1,3, đồng nghĩa tập đoàn này đủ khả năng trả nợ và vẫn có dư.

Lê Quân

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.