SoftBank, GIC đã hoàn tất khoản đầu tư vào công ty mẹ của VNPAY
Ông Trần Trí Mạnh - Chủ tịch Tập đoàn VNLIFE (công ty mẹ của VNPAY) (Ảnh: CafeF).
Vào đầu tuần DealStreetAsia đã đưa tin Vision Fund cam kết đầu tư 200 triệu USD vào VNPAY, trong khi GIC đề xuất khoản đầu tư 100 triệu USD cho công ty này.
Theo DealStreetAsia, ông Trần Trí Mạnh cho hay với trang tin CafeF rằng VNLIFE thực tế đã nhận được vốn đầu tư từ hai quĩ trên. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về số tiền nhận được.
VNLIFE được xem là khoản đầu tư đầu tiên vào Việt Nam của Vision Fund, quĩ đầu tư thuộc sở hữu của "ông trùm" Nhật Bản Masayoshi Son.
Cùng lúc đó, một tài liệu đăng kí kinh doanh cho thấy Ardolis Investment Pte, một công ty con của quĩ đầu tư GIC, hiện đang nắm giữ 15,7% cổ phần tại VNLIFE.
DealStreetAsia đã liên hệ với Chủ tịch VNLIFE và người phát ngôn của công ty này. Email gửi đến GIC chưa nhận được phản hồi tại thời điểm xuất bản thông tin, trong khi SoftBank từ chối đưa ra bình luận.
Ảnh: Getty Images
VNPAY là công ty tiên phong trong lĩnh vực thanh toán bằng mã QR tại Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng đang vận hành một ví điện tử, dịch vụ thanh toán hóa đơn và đặt vé cũng như các cổng thanh toán khác.
VNPAY do ông ông Mai Thanh Bình đồng sáng lập. Được biết, ông Bình từng là người đồng sáng lập Garena Việt Nam (chi nhánh Việt Nam của Sea Ltd). Ngoài ra, ôngcũng thành lập công ty đầu tư mạo hiểm Teko Ventures, hiện đầu tư vào 10 start-up, trong đó có VNPAY.
VNLIFE được thành lập vào tháng 11/2018 với tư cách là công ty nắm giữ cổ phần của VNPAY và một số đơn vị hoạt động trong ngành du lịch, logistics, thương mại và quản lí doanh nghiệp khác.
Các nhà đầu tư đang ngày càng chứng tỏ mối quan tâm đến thị trường Việt Nam. Tháng trước, Vision Fund đã tham gia Hội nghị Quĩ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019.
Đây là sự kiện nhằm quảng bá cơ hội đầu tư từ lĩnh vực công nghệ Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tổ chức cùng công ty Golden Gate Ventures (có trụ sở tại Singapore).
GIC chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống tại Việt Nam như hàng không, ngân hàng và hàng tiêu dùng. Danh mục đầu tư của công ty này ở Việt Nam bao gồm Tập đoàn FPT và VNG.