|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shark Hưng khuyên các doanh nghiệp 'ngủ đông', cắt giảm chi phí mùa dịch COVID-19

15:38 | 19/03/2020
Chia sẻ
Ông Phạm Thanh Hưng nói rằng, với doanh nghiệp, ngủ đông là tạm đóng băng hoạt động kinh doanh, cắt giảm tối đa chi phí, hoặc thậm chí bỏ tiền cứu khi giá cổ phiếu công ty liên tục giảm.

Số liệu thống kê từ Chi cục thuế Hà Nội cho thấy 2 tháng đầu năm đã có 9.000 doanh nghiệp buộc phải giải thế, và 1/3 số đó ngừng kinh doanh vì dịch COVID-19.

Mặc dù một số ít ngành nghề hưởng lợi từ mùa dịch (thương mại điện tử, giao hàng...) phần lớn nhiều ngành nghề đều chịu tác động tiêu cực, như hàng không, du lịch và dịch vụ.

Shark Hưng khuyên các doanh nghiệp 'ngủ đông', cắt giảm chi phí mùa dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp phải giải thế, ngừng hoạt động kinh doanh vì dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Lê Quý.

Mới đây trên nhóm cộng đồng của người hâm mộ, ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) đã đăng bài viết về giải pháp và cơ hội kinh doanh trong mùa dịch COVID-19.

"Trong nguy có cơ, nói đúng hơn, chúng ta phải tìm ra những cách thức, giải pháp, và sản phẩm, dịch vụ mới để vượt qua lúc khủng hoảng", ông Hưng chia sẻ. 

Cũng trong bài viết, ông Hưng cho rằng việc "ngủ đông" cũng là một trong các giải pháp đáng cân nhắc với các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại.

Ngủ đông là trạng thái hạ thân nhiệt có điều hòa ở động vật để giảm mức trao đổi chất, tiết kiệm năng lượng. Các hoạt động cơ thể, bao gồm thở, nhịp tim, thân nhiệt và quá trình trao đổi chất đều giảm xuống.

Hiện tượng ngủ đông xảy ra trong vài ngày hoặc hàng tuần giúp cho động vật tiết kiệm năng lượng trong mùa đông, hoặc qua đêm băng giá trên núi cao. Nó là tập tính những loài động vật như gấu. Máy tính xách tay (laptop) cũng có chế độ ngủ (Sleep) ngưng mọi hoạt động và tiết kiệm năng lượng (pin). 

Với doanh nghiệp, ngủ đông là tạm đóng băng hoạt động kinh doanh, cắt giảm tối đa chi phí, hoặc thậm chí bỏ tiền cứu khi giá cổ phiếu công ty liên tục giảm.

Lí giải rõ hơn, ông Hưng đưa ra những lí do như doanh thu sụt giảm hoặc không có, trong khi chi phí cố định vẫn tiếp tục phát sinh, thậm chí có lúc phải sử dụng quĩ dự phòng để bù vào. 

Shark Hưng khuyên các doanh nghiệp 'ngủ đông', cắt giảm chi phí mùa dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Shark Hưng khuyên các doanh nghiệp lựa chọn giải pháp ngủ đông, cắt giảm chi phí. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

"Doanh nghiệp cần tồn tại qua khủng hoảng. Mất thanh khoản, mất vốn là mất hết. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng. Thiếu nguồn lực thì mất cơ hội", ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng nhận định doanh nghiệp có thể cân nhắc một số chi phí có thể cắt giảm, như chi phí nhân sự, chi phí điện nước, văn phòng phẩm, chi phí tiếp thị, thuế…

Để giảm chi phí nhân sự, với các nhân sự chủ chốt, lãnh đạo, công ty có thể vận động tạm dừng nhận lương và phụ cấp trong một khoảng thời gian và sẽ nhận sau khủng hoảng. 

Nhóm trực tiếp tạo ra doanh thu có thể tạm dừng nhận 50% lương và phụ cấp, giữ ở mức duy trì cơ bản cuộc sống. Doanh nghiệp nên giảm ngay nhóm gián tiếp tạo ra doanh thu hoặc có thể tuyển lại người mới sau khủng hoảng

Về chi phí điện nước, công ty có  thể khuyến khích các nhân viên làm việc tại nhà. Trong khi đó các khoản chi phí thuế, công ty có thể xin miễn giảm và hoãn nộp tất cả các loại thuế, phí (BHXH, phí Công đoàn, thuế VAT….) đến khi kết thúc khủng hoảng và phục hồi kinh doanh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng không nên lạm dụng khoản vay ngân hàng để tạo thanh khoản trong thời kì khủng hoảng.

"Đối với doanh nghiệp, tối kỵ sử dụng các khoản vay ngân hàng để duy trì thanh khoản và dòng tiền trong lúc khủng hoảng. Doanh nghiệp nên dùng khoản vay để phục hồi kinh doanh sau khi khủng hoảng kết thúc", ông Hưng kết luận.


Tiểu Phượng