Shark Hưng lý giải việc đầu tư vào startup xe ba bánh điện, kỳ vọng sẽ sớm đưa sản phẩm ra thị trường
Tại Shark Tank Việt Nam mùa 6, Shark Phạm Thanh Hưng đã chốt đầu tư cho dự án xe điện ba bánh Cababa của kỹ sư Tuấn Anh với đề nghị 1,8 tỷ đồng cho 12% cổ phần cùng 3% cổ phần tặng.
Trước đó, các nhà đầu tư tại chương trình đánh giá cuộc chơi sản xuất xe điện không hề dễ, cần phải đồng hành lâu dài và nguồn vốn đầu tư lớn. Sản phẩm xe điện ba bánh của Cababa cũng bị nhận xét là có rủi ro về đăng kiểm và lưu hành. Shark Bình thậm chí còn gọi đây là "giấc mơ viển vông".
Mới đây, giải thích cho quyết định đầu tư của mình, ông Phạm Thanh Hưng cho biết "sau khi lái thử, đây là sản phẩm rất ổn để chạy trong thành phố, có thể xem là một chiếc xe motor ba bánh".
Tuy nhiên, theo ông Hưng, startup cần "trở lại mặt đất", trong đó nên rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, không quá tham vọng về chuyện làm một sản phẩm với nhiều tính năng nhưng không được lưu thông trên đường.
Ông Phạm Thanh Hưng nói: "Chúng ta phải bắt đầu từ những cái đơn giản nhất và để chỗ cho sự cải tiến dần dần, ra nhiều phiên bản tiếp theo. Nhiều mẫu xe phải 2-3 phiên bản ra thị trường rồi mới hoàn thiện được.
Điều quan trọng nhất với các startup là phải có thành công ban đầu mới đủ tự tin và tiềm lực tài chính để đi xa hơn. Tôi sẽ giúp các bạn ấy tái định hướng về chiến lược kinh doanh, kể cả về chiến lược sản phẩm để tránh sự lãng mạn quá mức... chỉ làm cái mình thích, không phải sản phẩm xã hội cần".
Ý tưởng về chiếc xe điện nhỏ gọn, di chuyển thuận tiện trong đô thị, có khả năng che mưa che nắng của kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh đến từ những trăn trở khi phải đưa con gái đi học.
Chiếc xe điện do đội ngũ Cababa thiết kế là mẫu xe ba bánh thân hẹp có buồng lái kín, có hệ thống điều hòa nhiệt độ với giá bán dự kiến là 100 triệu đồng. Xe được trang bị cơ chế cân bằng chủ động để khắc phục nhược điểm lớn nhất của các xe thân hẹp nói chung là dễ bị lật khi vào cua.
Chiếc xe ba bánh này có thể di chuyển 200 km trên một lần sạc với phiên bản pin gắn liền thân xe hoặc 150 km với phiên bản pin có thể tháo rời. Hiện nay startup đã có bản MVP (Minimum viable product – sản phẩm khả thi tối thiểu) chạy thử nghiệm được 6 tháng. Ông Tuấn Anh tự tin gọi sản phẩm này là "tương lai", thay vị định hình là xe gắn máy hay ô tô.
Theo Motorcycle Data, năm 2022, thị trường xe máy điện của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Lĩnh vực xe máy điện cho thấy tiềm năng lớn khi thị phần tăng trưởng đáng kể, từ 5,4% vào năm 2019 lên 10% vào năm 2021.
Thị trường xe điện hai bánh Việt Nam cũng chứng kiến sự tham gia của nhiều startup như Dat Bike, Selex Motors, VinFast... Trong đó, VinFast là thương hiệu xe máy điện có thị phần lớn nhất ở Việt Nam.
Một cái tên đáng kể là Dat Bike - startup từng xuất hiện trên sóng Shark Tank Việt Nam nhưng bị từ chối đầu tư. Thời gian sau đó, Founder Nguyễn Cảnh Sơn và các cộng sự đã đưa các sản phẩm như Weaver ++, Weaver 200 của Dat Bike thương mại hoá.
Dat Bike tham vọng là dẫn đầu xu hướng xanh hóa thị trường xe hai bánh trị giá 8 tỷ USD của Việt Nam và xa hơn là thị trường trị giá 25 tỷ USD ở khu vực Đông Nam Á.
Đến nay, Datbik đã huy động được khoảng 16,5 triệu USD từ các nhà đầu tư như Jungle Ventures, GSR Ventures, Delivery Hero Ventures, Wavemaker Partners và Innoven Capital.
Selex Motors lại có hướng đi khác biệt so với phần còn lại khi tập trung vào dòng sản phẩm hỗ trợ di giao hàng, có khả năng tải lớn. Ngoài ra, Selex theo đuổi mô hình trạm sạc đổi pin - điểm khác so với các đơn vị sử dụng trụ sạc.
Selex Motors được thành lập bởi đội ngũ các kỹ sư từng được đào tạo ở Mỹ, dẫn dắt bởi TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên. Startup này có được sự hậu thuẫn của nhiều quỹ đầu tư như ADB Ventures, Schneider Electric Energy Access Asia, Touchstone Partners và Sopoong Ventures.