|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

SCMP: Bắc Kinh ‘không định phá hủy kinh tế Đài Loan’

08:13 | 12/08/2022
Chia sẻ
Các nhà phân tích nhận định ít có khả năng Trung Quốc sẽ khiến kinh tế Đài Loan sụp đổ. Nếu Trung Quốc phong tỏa đảo Đài Loan thì ngành vận tải và chất bán dẫn toàn cầu cũng sẽ chịu hậu quả không nhỏ.

Trực thăng mang theo cờ Đài Loan bay trên bầu trời. (Ảnh: Zuma Press). 

Cân nhắc thiệt hơn

Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đang khiến căng thẳng xung quanh hòn đảo tăng cao. Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể tăng cường áp lực lên Đài Loan nhưng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng lợi và hại của việc thống nhất đất nước bằng vũ lực.

Các nhà phân tích cho rằng ít có khả năng các quan chức ở đại lục sẽ đánh sập nền kinh tế Đài Loan. Thay vào đó, rất có thể Bắc Kinh sẽ nhắm đến các chính trị gia và doanh nghiệp muốn ly khai, đồng thời cố gắng lấy lòng người dân địa phương.

Các cuộc tập trận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang làm dấy lên một số đồn đoán rằng Bắc Kinh có ý định chặn đường giao thương của Đài Loan bởi hòn đảo này phụ thuộc vào xuất khẩu. Nếu điều này là thực, các công ty vận tải và chất bán dẫn toàn cầu cũng sẽ bị liên lụy.

Ông Lu Xiang, chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với tờ South China Morning Post (SCMP): “Giới chức đại lục không hề có ý định phá hủy nền kinh tế Đài Loan vì điều đó sẽ làm tổn hại đến cuộc sống của người dân”.

Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất. Tuy nhiên, bất kỳ cuộc tấn công nào cũng có thể vấp phải sự can thiệp của quân đội Mỹ. Phía đại lục cũng sẽ phải tích trữ các hàng hóa chiến lược như dầu thô, thực hiện các nỗ lực ngoại giao sâu rộng và chuẩn bị cho khả năng bị phương Tây trừng phạt trong nhiều năm.

Trung Quốc không tiết lộ dự trữ dầu thô. Nhưng các chuyên gia ước tính rằng trữ lượng của Trung Quốc, bao gồm sản lượng trong nước và hàng nhập khẩu, có thể đủ dùng trong 40-50 ngày.

Ông Lu cho rằng các cuộc tập trận thể hiện quyết tâm và năng lực của Trung Quốc, và là phản ứng cần thiết để đáp trả động thái của Mỹ và Đài Loan với nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Ông nói: “Chính trị Mỹ bất ổn đến mức họ có thể thường xuyên dùng Đài Loan làm lá bài. Trung Quốc cần sẵn sàng để chiến đấu bất cứ lúc nào”.  

GDP cả năm 2021 của Đài Loan đạt 773 tỷ USD, trong khi đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lại lên đến 830 tỷ USD. Thương mại của Đài Loan cực kỳ dễ bị tổn thương trước căng thẳng địa chính trị và cấm vận kinh tế.

Trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, Bắc Kinh phóng tên lửa vào vùng biển gần hòn đảo để phản đối việc nhà lãnh đạo Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) đến thăm Mỹ. Khi đó, một lượng lớn nhân tài và vốn đã tháo chạy khỏi Đài Loan và thị trường chứng khoán cũng lao dốc nặng nề.

Trung Quốc đại lục và Hong Kong chiếm khoảng 40% thương mại của Đài Loan, do đó hòn đảo này rất dễ có khả năng bị trừng phạt kinh tế. Bà Vương Mỹ Hoa (Wang Mei-hua), người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan, cho biết dự trữ dầu của hòn đảo đủ dùng trong 146 ngày, còn khí tự nhiên đủ trong 10 ngày.

Phụ thuộc lẫn nhau 

Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu một số loại trái cây, cá và thực phẩm được chế biến từ Đài Loan. Bộ cũng cấm xuất khẩu cát tự nhiên, vật liệu được dùng trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Tuy nhiên, các đòn đánh thương mại trên vẫn tương đối “nhẹ tay” khi so với tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa hai bên lên đến 328 tỷ USD trong năm 2021.

Các liên kết kinh tế và thương mại, và dòng người đi lại giữa hai bên, từng là công cụ quan trọng để Bắc Kinh duy trì quan hệ với hòn đảo. Giai đoạn 2008-2016, Đài Loan và Trung Quốc đại lục ký hơn 20 hiệp định kinh tế và thương mại song phương bùng nổ.

Tuy nhiên, mối quan hệ này đã xấu đi sau khi Đảng Dân Tiến của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016.

Đảng Dân Tiến thúc đẩy Chính sách Hướng Nam Mới nhằm giảm các kết nối xuyên eo biển Đài Loan. Để đáp trả, vào mùa hè năm 2019, Bắc Kinh ngừng cấp giấy phép đi lại cá nhân đến Đài Loan. Trước đó, có khoảng 2 triệu khách du lịch đại lục đến Đài Loan mỗi năm.

Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis cảnh báo: “Nếu căng thẳng không hạ nhiệt nhanh chóng, tác động kinh tế sẽ còn lớn hơn cả ba khủng hoảng lớn trên eo biển Đài Loan trong quá khứ”.

Nếu xảy ra, một cuộc phong tỏa đảo Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến các ngành phụ thuộc lớn vào chất bán dẫn. Điều này có hại cho cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đại lục, bà Herrero cho biết. Các chuyến hàng năng lượng tới các nền kinh tế châu Á cũng sẽ bị chậm trễ bởi tàu thuyền phải đi vòng hoặc giảm tốc độ khi di chuyển trong khu vực.

Bà viết trong lưu ý: “Trong trung hạn, một cuộc phong tỏa – nếu xảy ra – sẽ tăng tốc xu hướng đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nền kinh tế và doanh nghiệp thế giới”.

Goldman Sachs ước tính tác động ngắn hạn lên tăng trưởng của các hạn chế thương mại gần đây là chưa đến 0,1% GDP Đài Loan. Tuy nhiên, những gián đoạn kéo dài đối với thương mại có thể gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Đài Loan và dư chấn lớn lên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc đại lục.

Một nhà nghiên cứu giấu tên của chính phủ Trung Quốc nói rằng nếu Bắc Kinh leo thang tình huống thì thay vì phong tỏa kinh tế Đài Loan lâu dài, Bắc Kinh sẽ sử dụng một chiến lược quân sự chớp nhoáng.

Đầu tuần này, bà Beatrice Tsai, trưởng bộ phận thống kê trực thuộc cơ quan tài chính Đài Loan, nói rằng các biện pháp kinh tế hiện nay của Bắc Kinh khó có khả năng tạo ra tác động lớn lên thương mại song phương. Bà nói thêm rằng ngành điện tử của hai bên phụ thuộc nhiều vào nhau.

Tờ Bloomberg dẫn lời bà Tsai: “Chúng tôi dự đoán rất ít khả năng Trung Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt hơn lên doanh nghiệp Đài Loan bởi các mối quan hệ kinh tế giữa hai bên ràng buộc với nhau”.

Giang

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.