Sau Trung Quốc, tới lượt Hàn Quốc giáng đòn lên các tập đoàn công nghệ lớn
Theo Bloomberg, nhiều tháng trước khi cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Hàn Quốc diễn ra, các nhà lập pháp đang nhắm mục tiêu vào những tập đoàn công nghệ lớn.
Quốc hội Hàn Quốc sẽ tổ chức 5 tuần điều trần, trong đó có kế hoạch thắt chặt các hoạt động của những gã khổng lồ như Kakao Corp. và Coupang Inc., những đơn vị bị tố lạm dụng vị thế để kiếm tiền, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trên đất nước.
Những tập đoàn này thậm chí còn tham gia vào cả những lĩnh vực kinh doanh nhỏ như đặt chỗ làm tóc, dịch vụ giao hàng và gọi taxi, gây thiệt hại cho các chủ cửa hàng bán lẻ.
Các doanh nghiệp nhỏ phàn nàn rằng họ phải chịu nhiều ảnh hưởng khi mức lương tối thiểu tăng cao. Hoạt động kinh doanh của các công ty này cũng bị tác động bởi lệnh giãn cách kéo dài do dịch bệnh.
Sự cạnh tranh không lành mạnh
Các cơ quan quản lý đang tăng cường giám sát trong bối cảnh lòng tin của người dân tụt dốc. Trong đó, Coupang - tập đoàn được mệnh danh là Amazon Hàn Quốc, được định giá 100 tỷ USD vào ngày đầu phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán, đã bị các cơ quan quản lý chống độc quyền phạt 3,3 tỷ won (2,8 triệu USD) vào tháng 8 vì cáo buộc "thực hiện giao dịch không công bằng".
Tập đoàn từng là hình mẫu cho sự thành công của một công ty khởi nghiệp bị buộc tội gây áp lực, ép các chủ doanh nghiệp nhỏ và các nhà cung cấp địa phương tăng giá sản phẩm được bán trên các nền tảng đối thủ Coupang.
Giám đốc điều hành Coupang, ông Kang Han-seung và người sáng lập Kakao, tỷ phú Brian Kim, nằm trong số những cái tên có mặt trong phiên điều trần. Coupang cho biết họ sẽ đệ đơn kiện chống lại các khoản tiền phạt chống độc quyền.
Gần đây, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên áp đặt các hạn chế đối với những cửa hàng ứng dụng sinh lời do Apple và Alphabet điều hành, hạn chế phí hoa hồng và đa dạng hóa các phương thức thanh toán mua hàng trong ứng dụng.
Chae Yi-bai, một nhà lập pháp Hàn Quốc, cho biết việc chính quyền ông Joe Biden bổ nhiệm nhà phê bình công nghệ Lina Khan làm chủ tịch Ủy ban Thương mại Công bằng đã giúp Hàn Quốc tự tin hơn để điều chỉnh cán cân.
"Các công ty công nghệ đã phát triển theo cấp số nhân trong đại dịch COVID-19, nhưng điều đó làm nảy sinh xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp và các cửa hàng bán lẻ. Có sự hoài nghi về tốc độ phát triển nhanh chóng của các công ty công nghệ và động thái độc quyền có thể khai thác dữ liệu người tiêu dùng cũng như tấn công ngành công nghiệp vừa và nhỏ. Điều đó là nguồn gốc cho sự ra đời của các quy định mới về công nghệ", ông Chae cho biết.
Doanh nghiệp lớn lấn sân các lĩnh vực nhỏ là một chủ đề đặc biệt nhạy cảm ở Hàn Quốc, nơi nhiều người vẫn kiếm sống bằng cách điều hành doanh nghiệp của riêng họ. Theo dữ liệu mới nhất, tỷ lệ tự vận hành doanh nghiệp của nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới dao động ở mức 25% vào năm 2019, cao hơn khoảng 10 điểm phần trăm so với mức trung bình của các nước thành viên trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Việc thắt chặt quản lý các công ty công nghệ lớn được coi là cách để đảng cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in giành lại phiếu bầu cho các ứng cử viên của mình. "Kakao đã từng là một biểu tượng của sự phát triển và đổi mới. Dù vậy, có vẻ như tập đoàn đang biến thành biểu tượng của lòng tham", Song Young-gil, lãnh đạo Đảng Dân chủ cho biết.
Chính quyền cũng đang tìm cách thông qua dự luật giới hạn phí hoa hồng trả cho các dịch vụ nền tảng trực tuyến. Ngoài ra, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc đang thúc đẩy ban hành các quy định mới mà họ cho rằng sẽ bảo vệ người tiêu dùng.
"Các nền tảng trực tuyến có ảnh hưởng lớn trên thị trường. Hệ quả là các hành vi giao dịch không công bằng như yêu cầu phí hoa hồng quá cao đã xảy ra", Song Kap-seok, một quan chức Hàn Quốc cho biết.
Câu trả lời của các tập đoàn công nghệ
Với áp lực của chính phủ và người dân ngày càng tăng, các công ty công nghệ đã cố gắng để xoa dịu dư luận. Kakao cho biết họ đang từ bỏ mô hình tăng trưởng kéo dài hàng thập kỷ, đồng thời đang tạo ra một quỹ 300 tỷ won để giúp đỡ các nhà cung cấp nhỏ cũng như loại bỏ các kế hoạch cạnh tranh với các doanh nghiệp nhỏ.
Tuy nhiên, một số công ty có những động thái khác. Trong một tuyên bố gần đây, Coupang cho biết họ đã thay đổi trên thị trường bán lẻ bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm rẻ hơn và giao hàng nhanh hơn.
Jungwook Lim, đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm TBT có trụ sở tại Seoul, cho biết: "Căng thẳng đang gia tăng trước cuộc bầu cử tổng thống. Một số startup kỳ lân lo ngại về việc thắt chặt các quy định đối với mô hình nền tảng, trong khi các nhà đầu tư lo ngại môi trường như vậy có thể cản trở các lối ra, ví dụ như sáp nhập và mua lại của các công ty công nghệ lớn".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/