|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Nữ hoàng livestream' và 'ông hoàng son môi' đang bị điều tra vì tội trốn thuế?

16:37 | 30/09/2021
Chia sẻ
Thị trường livestream đang là một miếng bánh béo bở và nhiều KOLs đã tận dụng để tạo ra doanh thu hàng triệu USD.

Những KOLs và người nổi tiếng có ảnh hưởng đến thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ Trung Quốc sẽ bị đưa vào tầm ngắm trong công tác tăng cường giám sát quản lý.

Mới nhất, hai streamer nổi tiếng tại quốc gia tỷ dân đang bị điều tra trốn thuế. Các quan chức chính phủ đang để ý đến các vấn đề về văn hóa và cách thức kinh doanh trên không gian mạng.

Theo một bài đăng trên WeChat, cơ quan quản lý thuế Trung Quốc không công khai danh tính của hai streamer này, mà chỉ nói rằng họ bị nghi ngờ là gian lận thuế bằng việc chuyển một lượng lớn thu nhập cá nhân qua việc stream sang thu nhập doanh nghiệp.

Thông tin này đã thu hút tới 140 triệu lượt xem trên Weibo. Nhiều người chỉ ra rằng hai nhân vật đang được nhắc tới là "Nữ hoàng livestream" Viya và "Ông hoàng son môi" Austin Li Jiaqi, với thu nhập hàng tỷ nhân dân tệ mỗi năm, theo KrAsia.

Các streamer đã tận dụng sự phát triển chóng mặt của của thương mại điện tử ở Trung Quốc để kinh doanh bán hàng online. Họ kết hợp khôn khéo các hình thức mua vui khi stream với việc tung mã giảm giá, cùng các chiến thuật bán hàng khác. Mọi thứ đều có thể rao bán, Austin Li đã từng bán được 15.000 thỏi son trong năm phút, thậm chí Viya còn bán cả dịch vụ phóng tên lửa trị giá 40 triệu NDT (tương đương 5,6 triệu USD).

Có khoảng 617 triệu người Trung Quốc xem live stream. Vào năm 2020, Tân Hoa Xã nói rằng có tới 130 triệu người tự coi mình là các streamer chuyên nghiệp.

'Nữ hoàng livestream' và 'ông hoàng son môi' đang bị điều tra vì tội trốn thuế? - Ảnh 1.

Ông hoàng son môi Austin Li Jiaqi. (Ảnh: KrAsia).

Những con số khổng lồ trên đã tạo ra một lưu lượng truy cập internet cực lớn và là một mỏ vàng có lợi nhuận cao. Quy mô của thị trường livestream đạt 29,8 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, sau một thời gian tự do phát triển, thị trường này tồn tại những "nội dung không đứng đắn" nhằm thu hút người xem. 

"Nếu không có quy định quản lý, những nội dung dung tục có hại sẽ lây lan như ung thư, đặc biệt có hại cho trẻ vị thành niên", trích một bài báo trên tờ Guangming Daily.

Một số quy định mới của chính phủ Trung Quốc gần đây được ban bố nhằm bảo vệ trẻ em, chẳng hạn như giới hạn thời gian chơi game xuống còn ba giờ mỗi tuần. Phạm vi tiếp cận của một số cộng đồng trên internet, như các nhóm fan hâm mộ cuồng tín đã bị hạn chế.

Các phương tiện truyền thông nhà nước đổ lỗi cho các nền tảng live stream đã phát tán và thúc đẩy "văn hóa hâm mộ không lành mạnh ". Một số nhà phân tích tin rằng thông báo mới nhất của cơ quan quản lý thuế Trung Quốc là phát súng cảnh báo cho các streamer. Các gian lận về thuế trong showbiz Hoa ngữ sẽ tiếp tục bị điều tra và làm sáng tỏ.

Tiểu Phượng