|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lãnh đạo Tiki: Hệ thống Robotic bị vô hiệu hoá trong dịch, cuối cùng công việc vẫn phải dựa vào sức người

07:55 | 30/09/2021
Chia sẻ
"Hệ thống Robotic của Tiki có thể vận chuyển những vật nặng. Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát, Tiki phải nhập những gói hành 20kg và cần chia nhỏ ra thành những gói bé hơn thì lại không có hệ thống Robotic nào làm được điều đó", lãnh đạo Tiki chia sẻ.

Vừa qua, tại Ban Kinh tế Trung ương diễn ra Tọa đàm cấp cao với chủ đề: "Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới". Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều lãnh đạo đến từ các đơn vị khác nhau.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại và Kinh tế số, Bộ Công thương đưa ra câu hỏi đánh giá về những cơ hội và điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn trở ngại đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng trực tuyến hiện nay tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc marketing Tiki, nói rằng đã nhìn nhận thấy một số sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt trong một số ngành nghề như thực phẩm. Đây là ngành nghề mà trước đại dịch, không dễ để nhận thấy sự tăng trưởng, nhưng từ khi đại dịch bùng phát, sự tăng trưởng đã được nhìn thấy một cách rõ hơn.

Về lĩnh vực thương mại điện tử, lãnh đạo Tiki cho biết có ba điểm trụ mà các doanh nghiệp cần dựa vào để phát triển, gồm chính sách, công nghệ và con người vận hành.

"Riêng với Tiki, hai năm qua chúng tôi rất vui bởi các chính sách đã mở ra nhiều hơn. Đặc biệt, trong đợt dịch vừa qua, Tiki rất vui vì được đi cùng Sở Công thương, Hiệp hội Thương mại điện tử để hỗ trợ cho thành phố. Đấy là những điều rất tốt về mặt chính sách", ông Long cho biết.

Lãnh đạo Shopee, Tiki: Thương mại điện tử có cả cơ hội và thách thức, chính sách - công nghệ - con người - kỹ năng là điểm trụ để các doanh nghiệp bám vào khi lên sàn - Ảnh 1.

Tiki đi cùng các sở trong mùa dịch. (Ảnh: Thanh Niên).

Tuy nhiên, ông Long cho biết nền kinh tế số thay đổi rất nhanh, do đó lãnh đạo Tiki mong muốn các chính sách khi được ban hành cũng sẽ có những hướng dẫn nhanh để doanh nghiệp không lạc lối, bị hiểu sai về mặt chính sách.

Đối với lĩnh vực công nghệ, phía Tiki xác định rằng luôn luôn phải làm chủ. Mặc dù Tiki là đơn vị Việt Nam, không có lợi thế về nguồn lực như một số doanh nghiệp khác, nhưng xác định luôn phải sử dụng những công nghệ mới nhất như điện toán đám mây, AI, thậm chí thử nghiệm Robotic.

Dù vậy, ông Long cho biết dù là Tiki hay các doanh nghiệp khác, tất cả đều cần phải làm tốt hơn về mặt công nghệ. "Hệ thống Robotic của Tiki có thể vận chuyển những vật nặng. Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát, Tiki phải nhập những gói hành 20kg và cần chia nhỏ ra thành những gói bé hơn thì lại không có hệ thống Robotic nào làm được điều đó", ông Long lấy ví dụ.

Đồng thời, ông Long cho biết vấn đề logistics trong thời gian qua cũng là một chủ đề nóng. "Tiki đang thực hiện chiến dịch "From farm to table" - từ trang trại tới bàn ăn của khách hàng.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn công nghệ không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp, mà còn có thể được áp dụng cho bà con nông dân, mang lại nguồn lợi chung cho nền kinh tế số", lãnh đạo Tiki cho biết.

Cùng câu của ông Quang, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam có những cơ hội và thách thức như nhau. "Cơ hội ở đây là sự thay đổi về cách tiếp cận của người mua và người bán, thương mại điện tử đã trở thành kênh bán hàng quan trọng…

Thương mại điện tử về lý thuyết là bán hàng online, nhưng để vận hành thì cần nhiều kỹ năng, nhất là với doanh nghiệp và người kinh doanh chưa có kinh nghiệm", ông Tuấn Anh chia sẻ.

Trong khoảng hai năm trở lại đây, phía Shopee đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp lẫn người bán nhỏ lẻ những kỹ năng trên thị trường thương mại điện tử. Ông Tuấn Anh cho biết thậm chí nhiều doanh nghiệp đầu ngành gần như không có kinh nghiệm đối với lĩnh vực này.

Lãnh đạo Shopee, Tiki: Thương mại điện tử có cả cơ hội và thách thức, chính sách - công nghệ - con người - kỹ năng là điểm trụ để các doanh nghiệp bám vào khi lên sàn - Ảnh 2.

Ông Trần Tuấn Anh - CEO Shopee Việt Nam. (Ảnh: Thanh Niên).

Đồng ý với quan điểm của ông Long khi cho rằng con người và công nghệ là đặc biệt quan trọng, nhưng lãnh đạo Shopee bổ sung rằng yếu tố kỹ năng là một phần quan trọng để vận hành lĩnh vực thương mại điện tử. "Sự thành bại của một doanh nghiệp khi lên sàn thương mại điện tử phụ thuộc vào khả năng vận hành của chính họ", Giám đốc điều hành Shopee nhấn mạnh.

Thực tế, tính cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử ngày càng tăng, và đây là tín hiệu tích cực cho thị trường này. Trong thời gian tới, lãnh đạo Shopee hy vọng rằng có thể phát triển thị trường này một cách mạnh hơn.

Đồng thời, ông cũng đưa ra một số đề xuất. Đầu tiên, các cơ quan ban ngành cần đi cùng với các doanh nghiệp muốn lên sàn thương mại điện tử. Kế đó, thương mại điện tử nên có những tháo gỡ về mặt vận hành, ví dụ như thủ tục giấy tờ để lên sàn. Cuối cùng, các cơ quan chức năng nên có những cơ chế đặc biệt cho thương mại điện tử shipper để vận hành, cung ứng sản phẩm dịch vụ tới người tiêu dùng thuận tiện hơn.

Quốc Anh