|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người bán tên lửa qua livestream ở Trung Quốc bị phạt 210 triệu USD vì tội trốn thuế

07:33 | 21/12/2021
Chia sẻ
Nữ hoàng livestream 36 tuổi đại diện cho một thế hệ người nổi tiếng mới, những người đã nhanh chóng nổi lên như nhờ sự phát triển vũ bão của livestream trên các nền tảng TMĐT ở Trung Quốc.

Viya, nữ hoàng livestream Trung Quốc, người có thể bán bất cứ thứ gì trên sóng trực tiếp, kể cả tên lửa đã bị phạt 1,34 tỷ nhân dân tệ ( tương đương 210,16 triệu USD) vì tội trốn thuế, theo Reuters

Nữ hoàng livestream Trung Quốc đã bị phạt vì che giấu thu nhập cá nhân cùng một số tội danh liên quan khác, theo cục thuế ở Hàng Châu thông tin. Viya sau đó cũng đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi trên Weibo: "Tôi vô cùng xin lỗi về hành vi vi phạm luật và quy định thuế. Tôi hoàn toàn chấp nhận hình phạt do cơ quan thuế đưa ra".

Sau một số nhân vật nổi tiếng ở showbiz Trung Quốc, Viya là người tiếp theo chịu trách nhiệm cho những hành vi sai trái của mình, đây là một phần trong chiến dịch thanh lọc và chấn chỉnh văn hóa người nổi tiếng ở quốc gia tỷ dân. 

Nữ hoàng livestream Trung Quốc Viya bị phạt 210 triệu USD vì tội trốn thuế - Ảnh 1.

Nữ hoàng livestream Trung Quốc, Viya vừa lên tiếng xin lỗi vì hành vi trốn thuế. (Ảnh: SCMP).

Nữ hoàng livestream 36 tuổi đại diện cho một thế hệ người nổi tiếng mới, những người đã nhanh chóng nổi lên như nhờ sự phát triển vũ bão của livestream trên các nền tảng TMĐT ở Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 9, cơ quan thuế Trung Quốc đã công bố các biện pháp tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực giải trí, bao gồm cả những người hành nghề trên nền tảng phát trực tiếp. 

Đầu tháng này, nhà chức trách ở Hàng Châu, trung tâm thương mại điện tử phía đông của Trung Quốc đã phạt hai người nổi tiếng trong lĩnh vực phát trực tiếp là Zhu Chenhui và Lin Shanshan. Hai người này đã bị Cơ quan thuế Hàng Châu phạt tổng cộng hơn 90 triệu nhân dân tệ do không tuân thủ các quy định về thuế của Trung Quốc. Đây là hai cái tên nổi tiếng trong ngành công nghiệp livestream tại thị trường tỷ dân.

Theo các nguồn tin, chính phủ Trung Quốc sẽ giám sát chặt chẽ các quy định về thuế đối với ngành công nghiệp livestream. Theo nền tảng rao vặt trực tuyến 58.com, livestream đã trở thành công việc được trả lương cao nhất đối với những sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc và là kênh tiếp thị quan trọng của nhiều thương hiệu trong nước cũng như nước ngoài.

"Trốn thuế là một tội rất phổ biến, không chỉ xuất hiện trong ngành công nghiệp livestream mà còn ở những có thu nhập lớn khác. Nếu bạn phải trả 10 triệu hoặc 100 triệu nhân dân tệ tiền thuế, bạn sẽ bắt đầu nghĩ về những cách khác nhau để trả thuế ít hơn", Wang Yang, luật sư tại Công ty Luật Yingke có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.

Theo ba luật sư được tờ South China Morning Post phỏng vấn, thiết lập các công ty sở hữu độc quyền để giảm thuế là một hình thức trốn thuế phổ biến được sử dụng trong các ngành giải trí và livestream của Trung Quốc.

Như đã nói, tháng 9 năm nay, một số người nổi tiếng có ảnh hưởng đến thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ Trung Quốc đã bị đưa vào tầm ngắm trong công tác tăng cường giám sát quản lý. Các quan chức chính phủ đang để ý đến các vấn đề về văn hóa và cách thức kinh doanh trên không gian mạng. Thời điểm đó xuất hiện thông tin hai người nổi tiếng trên livestream sẽ bị đưa vào tầm ngắm.

Theo một bài đăng trên WeChat, cơ quan quản lý thuế Trung Quốc không công khai danh tính của hai streamer này, mà chỉ nói rằng họ bị nghi ngờ là gian lận thuế bằng việc chuyển một lượng lớn thu nhập cá nhân qua việc stream sang thu nhập doanh nghiệp. Nhiều người suy doán rằng hai nhân vật đang được nhắc tới là "Nữ hoàng livestream" Viya và "Ông hoàng son môi" Austin Li Jiaqi, với thu nhập hàng tỷ nhân dân tệ mỗi năm, theo KrAsia.

Các streamer đã tận dụng sự phát triển chóng mặt của của thương mại điện tử ở Trung Quốc để kinh doanh bán hàng online. Họ kết hợp khôn khéo các hình thức mua vui khi stream với việc tung mã giảm giá, cùng các chiến thuật bán hàng khác. Mọi thứ đều có thể rao bán, Austin Li đã từng bán được 15.000 thỏi son trong năm phút, thậm chí Viya còn bán cả dịch vụ phóng tên lửa trị giá 40 triệu NDT (tương đương 5,6 triệu USD).

Có khoảng 617 triệu người Trung Quốc xem livestream. Vào năm 2020, Tân Hoa Xã nói rằng có tới 130 triệu người tự coi mình là các streamer chuyên nghiệp. Những con số khổng lồ trên đã tạo ra một lưu lượng truy cập internet cực lớn và là một mỏ vàng có lợi nhuận cao. Quy mô của thị trường livestream đạt 29,8 tỷ USD vào năm 2020.

Thùy Trang