|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trung Quốc siết chặt ngành công nghiệp dạy thêm: Nhiều người chuyển từ dạy học sang livestream bán hàng, 'giáo viên giàu nhất Trung Quốc' cũng phải đi bán nông sản

07:00 | 11/11/2021
Chia sẻ
Sau Big Tech, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu hành động để quản lý chặt chẽ ngành công nghiệp dạy thêm tại nước này.

Vừa qua, Yu Minhong, nhà sáng lập hệ thống dịch vụ giáo dục tư nhân New Oriental Education & Technology Group Inc., thường gọi là New Oriental, đã có kế hoạch đóng cửa phần lớn hoạt động kinh doanh của công ty khi chính phủ Trung Quốc triển khai kế hoạch thắt chặt các hoạt động trong ngành công nghiệp dạy thêm.

Nhiều người dừng dạy học, chuyển qua livestream bán hàng

Theo South China Morning Post, trong một buổi livestream cuối tuần trước trên kênh Douyin cá nhân, ông Yu cho biết New Oriental sẽ đóng cửa gần 1.500 trung tâm đào tạo và tặng khoảng 80.000 bộ bàn ghế cho các trường công lập ở nông thôn.

Bên cạnh đó, hoạt động dạy thêm sau giờ học của đơn vị Koolearn Technology, công ty con của New Oriental cũng sẽ bị dừng từ cuối tháng 11. Bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, hoạt động kinh doanh dạy thêm vẫn chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của Koolearn Technology trong năm qua. 

Dù vậy, New Oriental vẫn tiếp tục cung cấp các dịch vụ đào tạo kiến thức dành cho người lớn, bao gồm các lớp học ngoại ngữ, các khóa luyện thi và tư vấn du học.

Trung Quốc siết chặt ngành công nghiệp dạy thêm: Nhiều người chuyển từ dạy học sang livestream bán hàng, 'giáo viên giàu nhất Trung Quốc' cũng phải đi bán nông sản - Ảnh 1.

Hệ thống New Oriental sẽ đóng cửa phần lớn hoạt động kinh doanh. (Ảnh: China Daily).

Là một phần của kế hoạch chuyển đổi hình thức kinh doanh, ông Yu Minhong cho biết New Oriental sẽ thiết lập một "nền tảng nông nghiệp lớn", chuyên bán các sản phẩm nông nghiệp với sự giúp đỡ của hàng trăm nhân viên, những người đã tạm chuyển từ công việc giảng dạy truyền thống sang livestream bán hàng.

Theo ông Yu, New Oriental sẽ hoàn trả tất cả học phí cho học viên. Đồng thời, khoản tiền mặt còn lại đủ để công ty thanh toán nốt phần lương còn nợ nhân viên.

Tỷ phú Yu Minhong - ví dụ cho việc siết chặt ngành dạy thêm tại Trung Quốc

Tỷ phú Yu Minhong năm nay 59 tuổi, được biết đến với tư cách là gương mặt đại diện cho ngành công nghiệp dạy thêm đã phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc trong nhiều năm qua, phục vụ cho cả những bậc phụ huynh lẫn con cái của họ. 

Xét về nền giáo dục, Trung Quốc được biết đến là một trong những quốc gia có tính cạnh tranh cao nhất. Ngay từ nhỏ, trẻ em Trung Quốc đã phải cuốn vào những câu chuyện học hành, thi cử. 

Kỳ thi đại học tại Trung Quốc cũng nổi tiếng là một trong những kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất thế giới với tỷ lệ chọi cao. Chính những điều này đã tạo nền tảng giúp ngành công nghiệp dạy thêm nước này phát triển nhanh chóng.

Câu chuyện cá nhân của ông Yu Minhong, một người vươn lên từ nghèo khó, trúng tuyển vào Đại học Bắc Kinh và sau đó từ bỏ công việc giáo viên truyền thống tại một trường công lập để mở trường riêng, phát triển hệ thống New Oriental và trở thành tỷ phú khiến nhiều người Trung Quốc ngưỡng mộ.

Trung Quốc siết chặt ngành công nghiệp dạy thêm: Nhiều người chuyển từ dạy học sang livestream bán hàng, 'giáo viên giàu nhất Trung Quốc' cũng phải đi bán nông sản - Ảnh 2.

"Giáo viên giàu nhất Trung Quốc" cũng gặp khó. (Ảnh: SCMP).

Tuy nhiên, quyết định bất ngờ của Quốc hội Trung Quốc vào cuối tháng 7 nhằm hạn chế các hoạt động kiếm lợi nhuận trong ngành giáo dục tư nhân đã khiến đế chế dạy thêm rộng lớn của tỷ phú Yu Minhong sụp đổ. 

Theo quy định mới, các lò luyện thi, dạy thêm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 bị cấm thu lợi nhuận bằng cách dạy các môn học thêm trong chương trình học chính khóa. Bên cạnh đó, các lớp dạy thêm vào cuối tuần cũng như các kỳ nghỉ lễ cũng bị cấm.

Mặc dù buổi livestream chia sẻ của tỷ phú này nhận được nhiều sự đồng cảm của cư dân mạng, nhưng điều này cũng không thể ngăn sự lao dốc của công ty. Kết phiên giao dịch ngày 8/11, giá cổ phiếu của công ty New Oriental đã giảm 10% so với mức đỉnh vào cuối tháng Hai.

Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã ca ngợi vị doanh nhân này vì sự liêm chính trong hoạt động kinh doanh, tuân thủ các quy định của chính phủ bất chấp việc này có thể ảnh hưởng đến giá trị công ty cũng như khối tài sản của chính bản thân ông Yu. 

Lời hứa từ nhà sáng lập New Oriental về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính của công ty mình được coi là một ví dụ tích cực hiếm hoi trong ngành công nghiệp dạy thêm tại Trung Quốc, nơi có rất nhiều bê bối xung quanh việc thu tiền học của học viên.

"Yu Minhong đã chứng tỏ bản thân là một người đàn ông đích thực"; "Ông ấy đang đứng dưới mưa, nhưng ông ấy vẫn cố gắng cầm ô che cho những người khác", trính một số tiêu đề các bài báo về ông Yu Minhong trên các trang báo Trung Quốc. 

Theo Forbes, Yu Minhong, người được mệnh danh là "giáo viên giàu nhất Trung Quốc" đang sở hữu khối tài sản ròng lên tới 1,1 tỷ USD.

Sau Big Tech (những gã khổng lồ trong ngành công nghệ), chính quyền Bắc Kinh đang hướng đến việc thắt chặt các quy định, qua đó xóa bỏ tình trạng dạy thêm bât hợp pháp. 

Theo South China Morning Post, nếu tình trạng dạy thêm bất hợp pháp còn tiếp diễn, các gia đình vì lo ngại con cái họ bị tụt hậu sẽ đổ thêm tiền để chạy đua với những người khác, qua đó khiến tình trạng dạy thêm bât hợp pháp ngày càng gia tăng. 

New Oriental có thể là một ví dụ tiêu biểu, thời gian tới, nhiều khả năng sẽ có thêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ dạy thêm, luyện thi tại Trung Quốc phải đóng cửa vì kế hoạch của chính phủ nước này.

Quốc Anh