|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sắp thanh tra SJC, Doji và loạt doanh nghiệp, ngân hàng về kinh doanh vàng

15:32 | 23/05/2024
Chia sẻ
Đối tượng thanh tra bao gồm: NHTMCP Tiên Phong, NHTMCP XNK Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.

Sáng ngày 23/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức công bố thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.   

Thời gian thanh tra 45 ngày. Đối tượng thanh tra bao gồm: TPBank, Eximbank, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.

 Nội dung thanh tra bao gồm chấp hành quy định về kinh doanh vàng;   phòng, chống rửa tiền;  chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.  

Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết trong quá trình thanh tra, có thể bổ sung thêm đối tượng thanh tra và nội dung thanh tra nếu cần thiết. Ông nói thêm NHNN sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp, tăng cung vàng miếng SJC, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng quốc tế với những cách tiếp cận mới để đạt được kết quả một cách bền vững .

Đồng thời, cơ quan này sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi. Ông cũng nhận mạnh việc sửa đổi này  không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Một số chuyên gia cho rằng trước khi tính đến chuyện sửa Nghị định 24 hay nhập khẩu vàng cần làm minh bạch thị trường.

Chia sẻ bên lề sự kiện ổn định thị trường vàng diễn ra hôm 17/5, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, nhà sáng lập của Think Future Consultancy đặt vấn đề "Trên thị trường ai là người quyết định giá vàng?".

Theo ông giá vàng hàng ngày do một số tổ chức quyết định không hẳn do cung - cầu. Những tổ chức, doanh nghiệp quyết định giá vàng được ví như “nhà cái”. Chênh lệch giá mua - bán sẽ tạo ra lợi nhuận cho những “nhà cái” còn chênh lệch vàng trong nước và thế giới lớn sẽ tạo ra khoảng trống cho buôn lậu vàng. 

Do đó, ông cho rằng việc Chính phủ yêu cầu NHNN thanh tra thị trường vàng, đẩy mạnh việc xuất hoá đơn điện tử là điều rất đúng và trúng. Việt Nam cần minh bạch thị trường trước, sau đó mới tính đến việc sửa nghị định, nhập khẩu vàng.

"Chúng ta sẽ tốn nguồn lực rất lớn để nhập khẩu vàng nhưng không thể đạt ngay mục tiêu là giảm chênh lệch giá giữa hai thị trường gần như bằng 0 [...] Ngoài ra, vàng không có giá trị tăng trưởng kinh tế, đơn thuần là để tích trữ. Vậy chúng ta có cần thiết để bình ổn không?”, ông nói

H.Mĩ