Cần làm rõ 'bàn tay' thao túng thị trường vàng trước khi tính đến chuyện nhập khẩu
Nên hay không nhập khẩu vàng?
Trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá vàng trong nước và thế giới liên tục chinh phục các đỉnh mới.
Hiện vàng SJC trong nước được giao dịch quanh mốc 91 triệu đồng/lượng (chiều bán ra), mức cao nhất từ trước đến nay. Giá vàng thế giới cũng neo quanh mốc đỉnh thời đại 2.400 USD/ounce, tương đương 72,7 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giữa hai thị trường ngày một nới rộng ra, khoảng 18 triệu đồng/lượng.
Một trong những giải pháp đang được nhà điều hành thực hiện là đấu thầu vàng nhưng dường như vẫn chưa thấy hiệu quả. Dù đã có 35.000 lượng vàng được cung cấp ra thị trường nhưng giá vẫn neo ở mức cao, mức giá sàn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra thậm chí cao hơn so với giá các doanh nghiệp mua từ người dân.
Giải pháp khác được các doanh nghiệp, hiệp hội kinh doanh vàng liên tục đề xuất thời gian qua là tăng cường nhập khẩu và nới rộng các quy định về nhập khẩu vàng nhằm tăng cung cho thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là một đề xuất gây tranh cãi bởi nếu nhập khẩu vàng, đồng nghĩa với việc NHNN phải chi ra một phần dự trữ ngoại hối.
TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng các công ty kinh doanh vàng ở Việt Nam khá lớn, có đủ khả năng vừa nhập khẩu vàng nguyên liệu và xuất khẩu vàng trang sức. Do đó nên cấp phép cho các doanh nghiệp này nhập khẩu và xuất khẩu vàng. Nhà nước nên quản lý bằng thuế.
Việc nhập khẩu vàng có thể ảnh hưởng đến nguồn dự trữ ngoại hối, tuy nhiên theo ông Nghĩa điều này không đáng ngại. Ông dẫn thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, tương đương khoảng 3 tỷ USD - bằng một nửa xuất khẩu rau quả và chưa bằng 1/5 lượng kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm.
Trao đổi với chúng tôi, GS. TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, bày tỏ lo ngại vì theo ông việc nhập khẩu vàng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tỷ giá, thất thoát ngoại tệ. Do đó, điều này phải cân nhắc rất kỹ. Tuy nhiên, nếu không nhập thì không có nguồn cung ra thị trường để kéo khoảng cách chênh lệch giữa trong nước và thế giới.
Theo ông Cường, NHNN vẫn có một giải pháp khác mà không cần phải nhập khẩu vàng đó chính là phát triển thị trường lưu ký.
“Khi phát triển thị trường lưu ký vàng, NHNN có thể bán vàng dưới dạng giấy chứng nhận. Vàng thực tế vẫn còn nằm trong kho của NHNN. Người dân mua vàng để tích trữ thì để trong kho của NHNN cũng yên tâm. Chỉ có những người đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn mới không ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, nhà nước không khuyến khích đối tượng này”, ông phân tích.
Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tuấn, nhà sáng lập nền tảng Đầu tư và Quản lý tài chính TOPI tại toạ đàm về ổn định thị trường vàng sáng 17/5, khi tính chuyện nhập khẩu vàng thì cần xác định rõ vàng là đầu tư hay một dạng hàng hoá để có chính sách phù hợp.
Theo đó, nếu coi vàng là để đầu tư thì cần quản lý mặt hàng này như một kênh đầu tư như bao loại tài sản khác như chứng khoán… Còn nếu coi đây là trang sức thì đây là một dạng hàng hoá, cần có thuế, hạn mức nhập khẩu.
Ai đang thao túng thị trường vàng?
Cho phép nhập khẩu hay không điều này nhà điều hành chắc chắn sẽ phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, trước khi cân nhắc đến các vấn đề này cần làm rõ đâu là "bàn tay" đang thao túng thị trường vàng trong nước.
Chia sẻ bên lề toạ đàm ngày 17/5, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, nhà sáng lập của Think Future Consultancy, cho rằng khi muốn kiểm soát thị trường vàng và giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, không nên quá vội vàng trong việc nhập khẩu, đấu thầu vàng để kéo giá vàng xuống mà việc trước mắt cần làm là tăng tính minh bạch của thị trường.
Ông dẫn chứng khi khìn lại thời điểm năm 2013, NHNN đã bán ra 74 tấn vàng theo hình thức đấu thầu để bình ổn thị trường nhưng năm 2014, 2015 chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn tồn tại khoảng 10 - 20%. Mãi cho đến giai đoạn 2016 - 2019, giá vàng mới dần đi vào ổn định nhưng giá trong nước gần như đi ngang, chênh lệch giá vàng được được kéo dần vần bằng 0.
Theo ông Linh, cần phải tìm ra nguyên nhân thực sự vì sao có sẽ chênh lệch giá vàng như hiện tại. Có hai luồng ý kiến về vấn đề này, có người cho rằng là do cung-cầu nhưng thực tế không hẳn là vậy.
“Năm 2020 - 2021 kênh chứng khoán, bất động sản mới là kênh hút tiền. Về logic người ta bán vàng mua chứng khoán, bất động sản chứ không làm điều ngược lại”, ông Linh nói.
Một luồng ý kiến thứ hai cho rằng giá vàng tăng nên khiến độ rộng chênh lệch giá giữa hai thị trường bị nới ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2019 -2020, giá vàng thế giới tăng mạnh 55% và vàng trong nước cũng tăng tương ứng và chênh lệch giữa hai thị trường không đáng kể.
Vậy trên thị trường ai là người quyết định giá vàng? Ông Linh cho rằng giá vàng hàng ngày do một số tổ chức quyết định không hẳn do cung - cầu. Những tổ chức, doanh nghiệp quyết định giá vàng được ví như “nhà cái”. Chênh lệch giá mua - bán sẽ tạo ra lợi nhuận cho những “nhà cái” còn chênh lệch vàng trong nước và thế giới lớn sẽ tạo ra khoảng trống cho buôn lậu vàng.
Do đó, ông cho rằng việc Chính phủ yêu cầu NHNN thanh tra thị trường vàng, đẩy mạnh việc xuất hoá đơn điện tử là điều rất đúng và trúng. Việt Nam cần minh bạch thị trường trước, sau đó mới tính đến việc sửa nghị định, nhập khẩu vàng.
"Chúng ta sẽ tốn nguồn lực rất lớn để nhập khẩu vàng nhưng không thể đạt ngay mục tiêu là giảm chênh lệch giá giữa hai thị trường gần như bằng 0 [...] Ngoài ra, vàng không có giá trị tăng trưởng kinh tế, đơn thuần là để tích trữ. Vậy chúng ta có cần thiết để bình ổn không?”, ông nói