35.100 lượng vàng được bán ra sau 8 phiên đấu thầu
Ngân hàng Nhà nước cho biết trong phiên đấu thầu sáng 21/5, đã có 7.900 lượng vàng được bán ra cho 9 doanh nghiệp và ngân hàng với giá 89,42 triệu đồng/lượng.
Như vậy, kể từ khi tổ chức đấu thầu trong vòng một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã bán được 35.100 lượng vàng.
Tính đến 13h30 chiều ngày 21/5, giá vàng SJC bán ra là 88,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 90,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, giảm nhẹ khoảng 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với sáng nay.
Như vậy, mức giá mà Ngân hàng Nhà nước bán ra sáng nay cơ hơn gần 1 triệu đồng/lượng so với mức các doanh nghiệp kinh doanh vàng mua ở ngoài thị trường và chỉ thấp hơn một chút so với giá bán ra.
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước giảm lượng mua tối thiếu bắt buộc, số lượng phiên đấu thầu thành công đã nhiều hơn. Đến hiện tại, trong số 8 phiên đấu thầu, đã có 5 phiên được tổ chức thành công.
Tuy nhiên, mức giá của vàng SJC vẫn còn chênh lệch khá nhiều so với thế giới. Hiện giá vàng thế giới giao dịch ở mức 2.413 USD/ounce, quy đổi ra tiền Việt Nam khoảng 72,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn 17,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC.
Tại toạ đàm về phát triển thị trường vàng sáng ngày 17/5, GS. TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước càng đầu thầu, giá càng tăng, khoảng cách chênh lệch vàng trong nước và thế giới càng tăng chứng tỏ giải pháp này không đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
“Có lẽ việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng là một tác nhân gây nên giá vàng tăng lên. Giá sàn thậm chí cao hơn thị trường. Người trúng thầu đương nhiên phải là người mua vàng với giá bằng hoặc cao hơn giá sàn. Và khi bán số vàng đó ra ngoài thị trường, họ sẽ bán với giá cao hơn nữa. Như vậy mục tiêu của đấu thầu ở đây là chọn được người trả giá cao chứ không phải là kéo giá sát với thế giới”, ông Cường nhận định.
Theo ông Cường, giá sàn cần phải căn cứ vào giá quốc tế, cộng với thuế và các chi phí khác.