|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất gặp khó do COVID-19, các chi phí BHXH, công đoàn vẫn giữ nguyên, nhiều hiệp hội gửi đơn kiến nghị

08:24 | 08/09/2021
Chia sẻ
Hiệp hội các doanh nghiệp đã làm đơn kiến nghị tập thể lên Phó Thủ tướng cùng cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Trong đơn gửi lên Phó Thủ tướng, các hiệp hội doanh nghiệp cho biết các doanh nghiệp (DN) dù sản xuất cầm chừng được theo “3 tại chỗ” (15-20% số các nhà máy) hay ngừng sản xuất (80-85% số nhà máy) thì đều có mẫu số chung là gián đoạn nguồn cung nguyên liệu, mất khách hàng, mất thị phần, thiếu hụt lớn nguồn lao động và đặc biệt là chi phí lớn khi vẫn phải đảm bảo rất nhiều trách nhiệm của một DN với người lao động và với đối tác chuỗi.

Sản xuất gặp khó do COVID-19, các chi phí BHXH, công đoàn vẫn giữ nguyên, nhiều hiệp hội gửi đơn kiến nghị - Ảnh 1.

Hầu hết các ngành hàng đều sử dụng nhiều lao động, có điểm chung là chi phí cho người lao động (chi phí tiền công, bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn) là chi phí lớn nhất. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, để chung tay với Chính phủ trong chống dịch và hỗ trợ các DN ổn định sản xuất, vượt qua đại dịch đưa sản xuất lại “bình thường mới”, các Hiệp hội đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam đã đưa ra nhiều kiến nghị.

Theo đó, kiến nghị Phó Thủ tướng sắp xếp và chỉ đạo có một cuộc họp trước 18/9 với các Hiệp hội ngành hàng để các Hiệp hội, đại diện các cộng đồng DN, được báo cáo-chia sẻ sự chung tay cùng Chính phủ trong công tác chống dịch mới, cũng như các sáng kiến, đề xuất, kiến nghị để phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn.

Ngoài ra, trong khi chờ đợi chỉ đạo sắp xếp cuộc họp của Phó Thủ tướng, trước tình hình khó khăn của DN và được biết tổng kết dư quỹ BHXH&BHTN là khá lớn, xin Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và BHXH Việt Nam xem xét cho một vấn đề bức thiết, có ý nghĩa trợ lực quan trọng cho “sức khỏe” của các DN liên quan đến BHXH.

Cụ thể, đối với những lao động tạm ngừng việc (do DN ngừng sản xuất hoặc không thể tham gia làm việc “3 tại chỗ” hoặc phải đi cách ly), cho phép hỗ trợ giải quyết chế độ BHXH cho người lao động theo khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội (hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm) trong thời gian thực hiện giãn cách/hay cách ly để phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, cho phép DN và người lao động được miễn giảm 100% phí BHXH của DN và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu Nhà nước (kể cả trường hợp người lao động ngừng việc được DN trả lương tối thiểu ).

Cho phép các DN ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 hoặc các khu vực, địa phương mà BCĐ phòng chống dịch, UBND các Tỉnh yêu cầu DN thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” được tạm ngừng đóng BHXH ít nhất 3 tháng sau khi được gỡ bỏ giãn cách, bỏ yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.

Đối với những lao động đã và đang làm việc “3 tại chỗ”, cho phép DN và người lao động được giảm 50 % mức đóng BHXH trong 6 tháng.

Về xử phạt, các hiệp hội kiến nghị không áp dụng các hình thức xử phạt đối với các DN không có khả năng đóng BHXH trong giai đoạn phong tỏa do phải ngừng sản xuất hoặc bị giảm quy mô sản xuất do dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, kiến nghị Bảo hiểm Y tế chi trả chi phí xét nghiệm COVID-19 cho các DN, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với tất cả người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho đến hiện tại.

Trong đơn kiến nghị, các hiệp hội cho biết, riêng việc đóng BHXH theo quy định, DN và người lao động đã phải đóng 32,5% tổng quỹ lương. 

Nay phải sản xuất cầm chừng (3 tại chỗ) hoặc dừng sản xuất – công suất, sản lượng giảm tới 70%, nhưng các chi phí liên quan đến người lao động (BHXH, kinh phí công đoàn...) vẫn giữ nguyên, và DN vẫn phải trả lương ngừng việc theo quy định của Luật Lao động – khiến khó khăn càng chồng chất, khó trụ vững dài ngày.

Phương Trang