|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sản lượng sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc tụt dốc trong hai tháng đầu năm

07:26 | 16/03/2023
Chia sẻ
Ảnh hưởng từ các lệnh cấm của Mỹ cũng như việc thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi (đẩy mạnh thói quen tiết kiệm, không mua sắm ồ ạt) đã khiến ngành bán dẫn Trung Quốc trải qua giai đoạn hai tháng đầu năm 2023 tương đối ảm đạm.

Sản lượng vi mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc đã giảm 17% trong hai tháng đầu năm 2023, do ngành công nghiệp bán dẫn của nước này phải vật lộn với những khó khăn kinh tế và các lệnh trừng phạt thương mại leo thang từ phía Mỹ, theo South China Morning Post.

Sản lượng sản xuất IC trong tháng 1 và tháng 2 tại Trung Quốc đạt tổng cộng 44,3 tỷ đơn vị, đánh dấu sự tương phản rõ rệt với cùng kỳ năm ngoái khi sản lượng chip chỉ giảm 1,2% so với giai đoạn hai tháng đầu năm 2021, xuống còn 57,3 tỷ đơn vị, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố ngày 15/3.

Tỷ lệ giảm trong sản lượng sản xuất IC tính theo đơn vị phần trăm trong giai đoạn hai tháng đầu năm 2023 cũng vượt quá mức giảm 11,6% được ghi nhận cho cả năm 2022 tại Trung Quốc. Các cơ quan thống kê ở Trung Quốc thường có xu hướng kết hợp dữ liệu sản lượng của tháng 1 và tháng 2, thời điểm hoạt động sản xuất thường chậm lại do ảnh hưởng từ kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán.

Sản lượng sản xuất IC tại Trung Quốc sụt giảm trong hai tháng đầu năm. (Ảnh: SCMP).

Sự sụt giảm trong hai tháng đầu năm phản ánh những khó khăn kinh tế và các lệnh trừng phạt thương mại từ phía Mỹ tiếp tục phủ bóng đen lên năng lực sản xuất tại thị trường chip lớn nhất thế giới.

Theo dữ liệu của NBS, các lô hàng máy vi tính tại Trung Quốc trong hai tháng đầu năm đã giảm 21,9% so với cùng kỳ xuống còn 46 triệu chiếc do nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chịu áp lực từ các yếu tố như lạm phát, tăng lãi suất,…

Trong khi đó, trong cùng kỳ năm ngoái, số lượng các lô hàng máy vi tính xuất xưởng trong hai tháng đầu năm chỉ ghi nhận mức giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, mức giảm năm nay đã tăng lên so với năm trước.

Tháng 10 năm ngoái, Cục Công nghiệp và An ninh, một cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, đã công bố các biện pháp nhằm kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn, qua đó hạn chế đáng kể khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc, khiến nước này có ít lựa chọn nhập khẩu hơn. Động thái đó được theo sau bởi một thỏa thuận chung với Nhật Bản và Hà Lan vào tháng 1/2022 để phối hợp kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc đối với một số thiết bị sản xuất chip.

Trong hai tháng đầu năm 2023, khối lượng nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 26,5% xuống còn 67,6 tỷ chiếc so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này thậm chí còn lớn hơn mức giảm 15,3% được ghi nhận trong cả năm 2022, theo dữ liệu được công bố bởi cơ quan chức năng của Trung Quốc vào đầu tháng này.

Sản lượng xuất khẩu IC trong hai tháng đầu năm cũng giảm 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi hai tháng đầu năm 2022, sản lượng xuất khẩu IC ghi nhận mức tăng 0,5% so với hai tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, dữ liệu hai tháng đầu năm mới vẫn phản ánh sự gia tăng so với tháng 10 năm ngoái, khi Trung Quốc vẫn chưa nới lỏng chính sách Zero-COVID, qua đó dẫn đến một tác động lớn đến lĩnh vực sản xuất của nước này.

Trong cùng tháng đó, nước này đã chứng kiến số lượng hợp đồng sản lượng chip giảm 26,7% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức giảm hàng tháng lớn nhất được ghi nhận khi Trung Quốc ghi nhận mức giảm tăng trưởng xuất khẩu lần đầu tiên sau hơn hai năm.

Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc cũng trên đà phục hồi trong tháng 1 và tháng 2, sau khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt đối với dịch COVID-19 vào tháng 12/2022. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã vượt qua kỳ vọng vào tháng trước khi tăng lên mốc 52,6 điểm từ mốc 50,1 điểm trong tháng 1, qua đó đánh dấu mức điểm cao nhất kể từ tháng 4/2012.

Khó khăn chung của toàn ngành

Không chỉ riêng Trung Quốc mà ngành bán dẫn toàn cầu có thể cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay. Theo nghiên cứu của Gartner hay Cơ quan Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới (WSTS), doanh thu thị trường bán dẫn toàn cầu có thể giảm vào năm 2023, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản, có thể là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Lãnh đạo cấp cao của Gartner, một công ty theo dõi và phân tích dữ liệu, Richard Gordon, trong một dự báo cho biết: “Triển vọng ngắn hạn đối với doanh thu toàn ngành bán dẫn đã xấu đi. Sự suy thoái nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chất bán dẫn vào năm 2023”.

Theo dự báo của Gartner, doanh thu của ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ giảm 3,6% vào năm 2023. Ngược lại, thị trường đang trên đà tăng trưởng 4% và đạt tổng trị giá 618 tỷ USD trong năm nay.

Gartner cho biết trong một tuyên bố: “Doanh thu của ngành bán dẫn toàn cầu được dự báo đạt tổng cộng 596 tỷ USD vào năm 2023, giảm so với mức dự báo trước đó là 623 tỷ USD”.

Trong khi đó, một dự báo riêng của Cơ quan Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới (WSTS) cũng đưa ra mức giảm tương tự. WSTS cho biết: “Doanh thu từ thị trường chất bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ giảm 4% vào năm 2023 xuống còn 557 tỷ USD, mức giảm theo năm đầu tiên kể từ năm 2019”.

Cả WSTS và Gartner đều cho rằng trong khi các nhà sản xuất chip đã mở rộng quy mô, tăng thêm sản lượng để đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn cung, thì nhu cầu của người tiêu dùng đối với các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh và máy tính dường như đang giảm.

Anh Nguyễn