|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sắc tím bao phủ cổ phiếu ngành dược giữa mùa dịch COVID-19

19:23 | 27/08/2021
Chia sẻ
Trước diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư, cổ phiếu dược tiếp tục 'dậy sóng' khi tăng trần hàng loạt trong phiên 27/8.

Trong bối cảnh VN-Index vừa trải qua nhịp điều chỉnh mạnh hơn 75 điểm sau tâm lý bi quan từ diễn biến phức tạp của đại dịch, phần lớn các nhóm ngành đang nỗ lực tìm kiếm trạng thái cân bằng mới giữa những nhịp biến động của thị trường chứng khoán.

Có phần đối lập với xu hướng chung, nhiều cổ phiếu dược đã âm thầm 'dậy sóng' giữa lúc thị trường đỏ lửa.

Ghi nhận trong phiên 27/8, hàng loạt đại diện ngành này đã ghi nhận mức tăng trần ngay từ đầu phiên như CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (VMD), CTCP Dược Trung ương 3 (TW3), CTCP S.P.M (SPM), CTCP Dược Trung ương 3 (TW3), CTCP Armephaco (AMP)...

Tuy bứt tốc chậm hơn, phần lớn cổ phiếu nhóm này đều tăng điểm, với nhiều mã tiếp tục đóng cửa trong sắc tím như DP1, DDN, HDP, DP2, DHG, DMC...

Cổ phiếu ngành dược đồng loạt tăng mạnh giữa tâm dịch - Ảnh 1.

Cổ phiếu dược đồng loạt tăng điểm, nhiều mã tăng trần trong phiên 27/8. (Ảnh chụp màn hình).

Không chỉ trong phiên 27/8, nhiều cổ phiếu nhóm này đã chứng kiến chuỗi tăng ấn tượng trong thời gian gần đây.

Theo quan sát, cổ phiếu VMD (Y Dược phẩm Vimedimex) bắt đầu đà tăng kể từ phiên 9/8, sau thông tin Vimedimex sẽ nhập khẩu vắc xin COVID-19 về Việt Nam. Kể từ đó, mã này đã trải qua 15 phiên tăng điểm, trong đó có 14 phiên tăng trần. Đóng cửa phiên 27/8, giá cổ phiếu VMD ở mức 67.400 đồng/cp, tăng hơn 172% so với thời điểm 9/8.

Một cái tên khác là SPM của Công ty cổ phần S.P.M cũng lên tục tăng giá trong 10 phiên gần đây, với 8 phiên tăng trần. Hiện SPM dừng lại ở 24.700 đồng, tăng 87% so với mức giá tham chiếu 13.200 đồng đầu tháng 8.

Tuy không tăng kịch biên độ, cổ phiếu CDP của Dược phẩm Trung ương Codupha cũng tăng 10,29 trong phiên 27/8 và lũy kế tăng 100% sau gần 1 tháng.

Nhiều đại diện khác cũng tăng mạnh kể từ đầu tháng là Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (AMV - 41%), Dược phẩm Bến Tre (DBT - 32%), Traphaco (TRA - 20%), Armephaco (AMP - 28%),...

Cổ phiếu ngành dược đồng loạt tăng mạnh giữa tâm dịch - Ảnh 2.

Vắc xin Nanocovax. (Ảnh: Thanh niên).

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên cổ phiếu dược đồng loạt tăng giữa nhịp điều chỉnh của thị trường. Đầu tháng 6 vừa qua, sau khi Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu và bảo quản vắc xin COVID-19, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp niêm yết đồng loạt khởi sắc.

Trong đó, nhiều mã nằm trong danh sách nhập khẩu vắc xin cũng đồng loạt tăng trần như VMD, CDP, DVN, YTC. Thanh khoản ở nhóm này được cải thiện đáng kể so với khối lượng giao dịch ảm đạm trước đó.

Tại thời điểm làn sóng COVID-19 đầu tiên, nhóm cổ phiếu ngành dược cũng nổi lên như một hiện tượng. Tuy vậy đà tăng này không duy trì được lâu.

Trên thực tế, phần lớn nguyên liệu của ngành phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khiến giá thành tăng cao so với cùng kỳ dẫn đến giá vốn tăng cao, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dược trong nước.

Mặt khác, diễn biến phức tạp của dịch sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, làm suy giảm nhu cầu khám bệnh của người dân do tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện, tác động đến doanh thu kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ).

Điều này sẽ góp phần làm cho kênh OTC (bán thuốc không cần kê đơn) phát triển. Mặt khác giá thuốc OTC không còn bị ràng buộc về luật đấu thầu sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.

Theo đánh giá của Chứng khoán Phú Hưng, triển vọng ngành dược phụ thuốc vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh. Dù còn nhiều khó khăn nhưng trong dài hạn, kênh ETC vẫn sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của ngành dược nhờ xu hướng thay thế thuốc ngoại bằng thuốc sản xuất trong nước đang ngày càng nhanh. Độ bao phủ BHXH toàn dân lớn và sự phát triển mạnh mẽ của khối bệnh viện tư nhân cũng góp phần gia tăng chi tiêu thuốc trong kênh bệnh viện.

Thị trường dược phẩm của Việt Nam hiện có quy mô khoảng 7,4 tỷ USD. Theo dự báo của Fitch Solution, tốc độ tăng trưởng ngành trong năm 2021 sẽ đạt mức 8,7%. Còn hãng nghiên cứu thị trường IBM cho rằng, thị trường dược phẩm Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2021-2026, với quy mô đạt mốc 16,1 tỷ USD vào năm 2026.

Thảo Bùi