Sa chân vào kiện tụng với Grab, lợi nhuận 9 tháng của Vinasun giảm 62%
Quý III năm nay, CTCP Ánh Dương (Vinasun – Mã: VNS) đạt doanh thu thuần 538 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 22%. Chi phí tài chính toàn bộ là lãi vay ở mức 13,5 tỉ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Phần thu nhập khác tuy đạt mức trên 17 tỉ đồng nhưng cũng đã giảm 61% so với quý III năm ngoái. Vinasun báo lãi sau thuế 31 tỉ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt tổng doanh thu 1.557 tỉ đồng, giảm sút 36,5%; lãi sau thuế 56 tỉ đồng, giảm trên 62%. Với kết quả này, Vinasun thực hiện 72% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm.
Cơ cấu doanh thu cho thấy, hoạt động vận tải khách bằng taxi giảm mạnh 64% còn 673 tỉ đồng, chiều ngược lại doanh thu từ nhượng quyền, hợp tác thương mại và khai thác taxi lại tăng 91% lên 653 tỉ đồng…
Về cơ cấu chi phí, phần cho nhân công trong năm nay giảm 45% còn 648 tỉ đồng, số lượng nhân viên tính đến ngày 30/9 là 7.081 người (đầu năm là 7.117 người).
Cuối kỳ, tổng tài sản của Vinasun đạt 2.809 tỉ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền 178 tỉ đồng; tài sản chủ yếu là tài sản cố định giá trị 2.378 tỉ đồng. So với đầu năm, giá trị đội xe của Vinasun không thay đổi nhiều với 3.742 tỉ đồng, công ty thực hiện thanh lý xe cũ và mua mới thay thế giá trị gần 350 tỉ đồng.
Nợ phải trả cuối kỳ 1.113 tỉ đồng; vay nợ thuê tài chính ngắn, dài hạn 728 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu gần 1.700 tỉ đồng, đáng chú ý có khoản lợi nhuận chưa phân phối lên tới 648 tỉ đồng; quỹ đầu tư phát triển là trên 270 tỉ đồng.
Từ năm 2017, cả doanh thu và lợi nhuận của Vinasun bắt đầu sụt giảm mạnh do sự cạnh tranh quyết liệt với các nền tảng cho đi nhờ xe Grab và Uber. Công ty đặt kế hoạch kinh doanh 2018 bi quan với doanh thu chỉ 2.160 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 95 tỉ đồng, tuy vậy đang đứng trước nguy cơ không hoàn thành.
Kết quả kinh doanh của Vinasun qua các năm (BM tổng hợp) |
Tình hình kinh doanh giảm sút, thay vào đó Vinasun liên tục sa chân vào các vụ kiện tụng pháp lý với GrabTaxi. Mới nhất, Vinasun kiện Grab để “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Vinasun cho rằng Grab làm giảm doanh số vi phạm nghiêm trọng Đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử; vi phạm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước; Grab hoạt động như một doanh nghiệp vận tải.
Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun nói rằng hành vi của Grab đã khiến 8.000 lao động của Vinasun mất việc cũng như hàng trăm xe phải ngưng hoạt động. Từ cáo buộc này, Vinasun yêu cầu Grab bồi thường một lần là 41,2 tỉ đồng.