|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Rủi ro khi chuyển sản xuất sang Việt Nam và Campuchia: Chi phí nhân công cao, liên kết chuỗi cung ứng yếu ...

11:13 | 04/07/2019
Chia sẻ
Chi phí gia tăng, lực lượng lao động kém hiệu quả, liên kết chuỗi cung ứng yếu ... là những rủi ro có nguy cơ hiển hiện ngày càng rõ tại Campuchia và Việt Nam trong những năm tới, khiến hai nước rơi vào tình trạng khó khăn như Trung Quốc hiện tại.
1

Một công nhân dây chuyền tại Khu Công nghiệp Hợp tác Thương mại và Kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. (Nguồn: Crissy Zhou)

Nhà đầu tư quên mất rủi ro tiềm tàng ở khu vực Đông Nam Á?

Theo phân tích của tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), khi lợi ích kinh tế từ cấu trúc dân số dần biến mất tại Trung Quốc trong những năm gần đây, chi phí sản xuất đã tăng vọt tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này, kết hợp cùng áp lực về môi trường, đã khiến nhiều công ty đa quốc gia của Trung Quốc và nước ngoài chuyển sản xuất sang Đông Nam Á.

Quan trọng hơn, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách bù đắp rủi ro kinh doanh từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Thị trường có thể nhìn nhận một cách đơn giản rằng môi trường kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á rất thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Loạt báo cáo gần đây của các công ty tư vấn và viện chính sách đã nhấn manh lợi ích của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với khu vực này. Tuy nhiên, chúng lại không nhắc đến rủi ro kinh doanh tại đây. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là ở Campuchia và Việt Nam.

Đình công, chi phí nhân công và liên kết chuỗi cung ứng yếu kém tại Campuchia

Môi trường kinh doanh tại Campuchia vẫn còn khá phức tạp. Đầu năm nay, sau các cuộc đình công được xem là bất hợp pháp, 1.200 công nhân đã bị sa thải khỏi các nhà máy chuyên cung ứng sản phẩm cho những thương hiệu như H&M và Marks & Spencer.

Chi phí nhân công ở Campuchia đã tăng mạnh. Kể từ năm 1997, mức lương tối thiểu tăng 40 USD/tháng lên 182 USD trong năm nay. Nếu bao gồm cả các phúc lợi và trợ cấp khác, chi phí này có thể tăng lên 210 USD/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu ở Bangladesh, Sri Lanka, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan hay Lào.

Trong những năm gần đây, các cuộc biểu tình và đình công của công nhân cũng trở nên phổ biến tại Campuchia. Theo các nhà phân tích công nghiệp, năng suất lao động của Campuchia chỉ bằng khoảng 60% so với Trung Quốc, tụt lại phía sau cả Việt Nam và Indonesia (hai quốc gia có năng suất lao động đạt khoảng 80% của Trung Quốc).

So với Trung Quốc, Campuchia có liên kết chuỗi cung ứng yếu hơn, từ cơ sở hạ tầng đến các cơ sở nhằm hỗ trợ cho ngành sản xuất khác. Đây là một khoản chi phí bổ sung mà nhà đầu tư cần phải bỏ ra khi triển khai sản xuất tại Campuchia.

Vào năm 2020, Campuchia có thể mất quyền xuất khẩu hàng hóa miễn thuế sang Liên minh châu Âu (EU) do vào tháng 2 vừa qua EU đã khởi động quá trình rút lại qui chế ưu đãi thương mại đối với Campuchia.

Lạm phát nhập khẩu, thu hút FDI vượt mức và tái đầu tư sai hướng tại Việt Nam

Trong khi đó, Việt Nam được xem là nước hưởng lợi chính từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Theo SCMP, Nhờ vào việc doanh nghiệp tìm kiếm nguồn hàng xuất khẩu thay thế cho hàng hóa Trung Quốc và các hiệu ứng lan tỏa khác, Việt Nam đã trở thành quốc gia "thắng đậm nhất" trong chiến tranh thương mại.

Chuyển biến đó đã thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đến 7,9%, theo báo cáo của Nomura Securities. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của viện chính sách Anbound tin rằng cơ hội lịch sử của Việt Nam cũng đi kèm với rủi ro đáng kể.

Việt Nam là một nền kinh tế đi theo hướng xuất khẩu, tuy nhiên vẫn nhập khẩu hàng hóa với khối lượng lớn. Lạm phát nhập khẩu (imported inflation - lạm phát do giá hàng hóa nhập khẩu tăng lên) là một kịch bản không thể tránh khỏi và sẽ gây áp lực khiến lương nhân công tăng.

Khi cảm thấy sức ép của hình thức lạm phát này, công nhân nhà máy có thể tổ chức biểu tình và đình công. Chính phủ Việt Nam có thể chấp nhận yêu cầu của công nhân để chống lại lạm phát nhập khẩu.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể mạo hiểm lợi thế quan trọng nhất: trung tâm sản xuất có chi phí thấp của các nhà đầu tư nước ngoài.

Vào năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã vượt kì vọng, ghi nhận ở mức 7,08%. Minh chứng cụ thể cho mức tăng trưởng kinh tế này là các tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm trên khắp các thành phố của Việt Nam.

Tuy nhiên, đây là dấu hiệu đáng báo động rằng sự giàu có do ngành sản xuất tạo ra đang nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực bất động sản thay vì được tái đầu tư và tái sử dụng trong ngành sản xuất.

Hơn nữa, Việt Nam đang thu hút quá nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi tính riêng trong quí I/2019, con số này đã lên đến 10,8 tỉ USD. Điều này làm tăng tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước biến động của dòng vốn đầu tư.

Trước mắt, Việt Nam và Campuchia sẽ được hưởng lợi từ hoạt động tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghiệp và dịch chuyển sản xuất là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng khác với Trung Quốc, hai nền kinh tế nhỏ hơn này buộc nhà đầu tư nước ngoài phải đánh giá cẩn trọng và toàn diện trước khi thực hiện bất kì động thái nào.

Chi phí gia tăng, phát triển tắc nghẽn, lực lượng lao động kém hiệu quả, liên kết chuỗi cung ứng yếu và phong trào lao động mạnh mẽ có thể trở nên rõ nét hơn ở Campuchia và Việt Nam trong những năm tới, khiến hai nước rơi vào tình trạng khó khăn như Trung Quốc hiện tại.

Cuối cùng, trong một thế giới mà tình trạng sản xuất dư thừa đang lan tràn và không kiểm soát được, sự tái phân bổ đầu tư nước ngoài sẽ chỉ thúc đẩy hoạt động sản xuất. Nếu một cuộc khủng hoảng kinh tế kiểu này nổ ra, những nền kinh tế nhỏ hơn như Campuchia và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn nhiều so với Trung Quốc.

Yên Khê

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.