Rộng đường cho quyết định mua lại bắt buộc ngân hàng yếu kém
Việc mua lại bắt buộc ba ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém trong năm 2015 là giải pháp chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Theo NHNN và nhiều chuyên gia, giải pháp này có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tế đã góp phần bảo đảm an toàn, ổn định cho thị trường tiền tệ.Từ một giải pháp chưa có tiền lệ
Tuy nhiên, xoay quanh quyết định mua lại bắt buộc ba ngân hàng trên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, các văn bản pháp luật hiện hành chưa làm rõ các khâu, các bước để xử lý các TCTD yếu kém. Kèm theo đó, thời điểm NHNN yêu cầu các TCTD yếu kém thực hiện các biện pháp xử lý (như tăng vốn, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu, bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại) vẫn chưa được quy định cụ thể. Công tác đánh giá thực trạng của TCTD cũng chưa được quy định rõ, nhất là về thực trạng tài chính và vốn chủ sở hữu.
Các bất cập về pháp lý nêu trên đã khiến quyết định mua lại bắt buộc ba ngân hàng nói trên của NHNN vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ cổ đông của các ngân hàng này. Bên cạnh đó, việc mua lại bắt buộc các ngân hàng tư nhân đang âm vốn chủ sở hữu cũng tạo ra sự băn khoăn về ảnh hưởng đối với ngân sách nhà nước và về quyền lợi, trách nhiệm của các ngân hàng hỗ trợ.
Hiệu quả hoạt động của các ngân hàng sau khi mua lại bắt buộc cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý. NHNN nhìn nhận những yếu kém căn bản của các ngân hàng này vẫn chưa được giải quyết triệt để, bao gồm chất lượng tín dụng thấp, tài sản không sinh lời cao, tình trạng âm vốn chủ sở hữu quá lớn, nguồn thu hiện không đủ bù chi phí hoạt động nên lỗ lũy kế tiếp tục gia tăng. Các ngân hàng bị mua lại bắt buộc hiện không thể đáp ứng các quy định về an toàn hoạt động và không đủ điều kiện để triển khai một số hoạt động kinh doanh thông thường.
Hành lang pháp lý sẽ thông thoáng hơn
Trong trường hợp ngân hàng quá yếu, hoặc qua một thời gian dài không thể xây dựng, không thể thực hiện thành công phương án tái cơ cấu tự nguyện thì NHNN phải tính đến phương án mua lại trong bối cảnh chưa phù hợp để áp dụng biện pháp phá sản. |
Nhận thấy các bất cập trong quá trình xử lý các TCTD yếu kém nói chung và việc mua lại bắt buộc nói riêng, NHNN đã đề xuất bổ sung quy định cụ thể về quy trình chín bước xử lý TCTD yếu kém và bổ sung các quy định cụ thể khác về biện pháp để đẩy nhanh quá trình xử lý TCTD yếu kém. Trong đó, đáng lưu ý là đề xuất quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của ngân hàng hỗ trợ. Việc Nhà nước có cơ chế hỗ trợ rõ ràng để khuyến khích và giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng hỗ trợ như Vietcombank, VietinBank... sẽ nâng cao sự đồng thuận từ các cổ đông tư nhân của các ngân hàng này khi quyết định tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Thẩm quyền áp dụng và các biện pháp đối với TCTD yếu kém ở mỗi bước xử lý trong quy trình trên sẽ được luật hóa, thay vì phải vận dụng nhiều văn bản pháp luật và giải thích như trong quá khứ.
Quy trình chín bước để xử lý TCTD yếu kém được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, giúp việc xử lý TCTD nhanh chóng, thống nhất, giảm thiểu chi phí xử lý, qua đó ổn định tâm lý của người gửi tiền và bảo đảm an toàn của hệ thống TCTD.
Dự kiến dự thảo luật sẽ đưa ra các quy định về cơ chế hoạt động theo hướng nới lỏng cho các TCTD yếu kém như: áp dụng cho vay tái cấp vốn và cho vay đặc biệt để hỗ trợ nguồn vốn dài hạn (thay vì ngắn hạn như quy định chung); điều chỉnh quy định cho vay, gửi tiền, mua bán nợ giữa TCTD yếu kém với các TCTD khác; quy định đặc thù về các tỷ lệ bảo đảm an toàn, giới hạn tín dụng...; quy định đặc thù về đầu tư tài sản, công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, các đề xuất về quy định xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề khó khăn nhất trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Tất cả đề xuất nêu trên đều nhằm tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng hơn để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng.
Sẽ có những phương án khả thi hơn?
Nhiều người đang rất quan tâm đến tình hình hoạt động thực sự của các ngân hàng yếu kém, ngoài số ít cái tên đang được đánh giá là phục hồi tốt như TPBank, SHB. Thị trường tài chính cũng không rõ số lượng ngân hàng yếu kém hiện tại là bao nhiêu ngoài ba ngân hàng đã bị mua lại 0 đồng và một ngân hàng khác đang bị kiểm soát đặc biệt. Việc công bố rộng rãi tình trạng kiểm soát đặc biệt có vẻ không phải là quy định bắt buộc, bởi ngay với Oceanbank, GPBank và CBBank, đến khi NHNN mua lại với giá 0 đồng thì công chúng mới biết được các ngân hàng này đã bị kiểm soát đặc biệt từ nhiều năm trước.
Theo quy trình chín bước nói trên, sau khi phát hiện TCTD yếu kém và đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, NHNN sẽ ưu tiên cho TCTD xây dựng phương án củng cố, phục hồi (bao gồm phương án tăng vốn), sau đó mới tính đến phương án xử lý pháp nhân tự nguyện (sáp nhập, hợp nhất, bán, giải thể...). Trong trường hợp các TCTD không xây dựng được phương án tái cơ cấu hoặc không có khả năng thực hiện phương án được duyệt thì NHNN sẽ trình cấp có thẩm quyền quyết định việc mua lại bắt buộc hoặc cho phá sản.
Trên thực tế, việc tăng vốn chủ sở hữu không hề đơn giản đối với các ngân hàng yếu kém vì đa số các ngân hàng này đều đang lỗ lũy kế rất lớn, thậm chí âm vốn gấp nhiều lần vốn điều lệ. Cổ đông hiện hữu của các ngân hàng này thường không còn nguồn lực tài chính (và đa phần cũng không còn niềm tin) để giúp phương án phát hành thêm thành công.
Sự tham gia của các tổ chức, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng không đạt như kỳ vọng do vướng hai rào cản lớn là vấn đề xử lý nợ xấu và thỏa thuận giá cả với các cổ đông hiện hữu. Trong chín ngân hàng yếu kém được công bố vào năm 2012, chỉ có hai ngân hàng có sự tham gia mới của vốn ngoại là TPBank và SCB. Việt Nam đã mở room ngoại tại các ngân hàng yếu kém lên đến 100% nhưng đến nay vẫn chưa có thương vụ “bán trọn gói” nào thành công.
Trong khi đó, dư địa cho giải pháp sáp nhập, hợp nhất không còn nhiều do tình trạng sở hữu chéo trực tiếp giữa các TCTD đã giảm đáng kể (từ bảy cặp trong năm 2012 xuống còn ba cặp); đồng thời, số ngân hàng có thể nhận sáp nhập không còn nhiều do ba ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh đều đã tham gia quá trình tái cơ cấu, còn các ngân hàng lớn khác như MBB, VPBank, ACB, Techcombank thì chưa có kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng yếu hơn. Ngoài ra, hiệu quả thực sự của giải pháp sáp nhập đến nay vẫn chưa rõ ràng, như Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam từng cảnh báo “Một ngân hàng yếu được sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn thì không thể khỏe lên, ngược lại nó lại khiến ngân hàng khỏe yếu đi”.
Việc xử lý các ngân hàng yếu kém nếu càng kéo dài sẽ càng phức tạp và tốn nhiều chi phí. Trong trường hợp ngân hàng quá yếu, hoặc qua một thời gian dài không thể xây dựng, không thể thực hiện thành công phương án tái cơ cấu tự nguyện thì NHNN phải tính đến phương án mua lại trong bối cảnh chưa phù hợp để áp dụng biện pháp phá sản. Sau khi cơ cấu lại để những ngân hàng này lành mạnh hơn sẽ bán lại cho ngân hàng hoặc nhà đầu tư khác. Đó có vẻ là phương án phù hợp nhất trong bối cảnh hiện tại. Và nó sẽ được quy định chặt chẽ nếu dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu với các nội dung dự kiến như hiện nay được thông qua.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/