Reuters: Đối thủ lớn của Tesla dự chi hơn 250 triệu USD xây nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô tại Việt Nam
Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD Auto Co có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Việt Nam để sản xuất phụ tùng xe hơi, hãng tin Reuters tổng hợp nguồn tin từ ba người biết thân cận với kế hoạch này.
Theo Reuters, đây là động thái nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của công ty sản xuất xe điện vào Trung Quốc và tăng cường chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Nam Á như một phần trong nỗ lực mở rộng ra toàn cầu.
Khoản đầu tư vào Việt Nam dự kiến là hơn 250 triệu USD, một nguồn tin chia sẻ với Reuters, nhằm mở rộng sự hiện diện của công ty mẹ BYD Co tại Việt Nam, nơi đơn vị điện tử của công ty này đang sản xuất các tấm pin mặt trời.
Động thái này nhấn mạnh xu hướng lớn hơn của các nhà sản xuất là giảm tiếp xúc với Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng và sự gián đoạn sản xuất do các đợt phong tỏa vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 trước đó tại Trung Quốc gây ra.
BYD từ chối bình luận về vấn đề này.
Nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Tây An, Trung Quốc đã bán nhiều xe hơn đối thủ Tesla của tỷ phú Elon Musk tại thị trường quê nhà trong năm 2022. Bên cạnh đó, BYD cũng đã mở rộng ra một số thị trường khác bao gồm Singapore, Nhật Bản và châu Âu.
Được hậu thuẫn bởi công ty Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett, BYD sản xuất cả xe hybrid cắm điện và xe điện thuần túy. Giống như Tesla, BYD tự kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng xe điện của mình, bao gồm cả sản xuất pin, một chiến lược khiến công ty trở nên khác biệt với các nhà sản xuất ô tô truyền thống.
Công ty từng công bố vào tháng 9/2022 rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện ở Thái Lan với công suất hàng năm dự kiến đạt mức 150.000 xe từ năm 2024. Bằng cách đầu tư vào Việt Nam, BYD đang tìm cách bổ sung công suất, kiểm soát chi phí và đa dạng hóa sản xuất từ các hoạt động tại Trung Quốc, nơi có nhu cầu rất lớn về xe điện.
Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để chọn một địa điểm cho nhà máy tại Việt Nam, theo các nguồn tin được Reuters tổng hợp. Một người trong số này cho biết việc xây dựng nhà máy của BYD tại Việt Nam đã được lên kế hoạch bắt đầu vào giữa năm nay.
Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng
Hiện chưa rõ BYD sẽ chế tạo những bộ phận nào tại nhà máy mới ở Việt Nam và liệu nó có bao gồm pin hay bộ pin hay không. Khoản đầu tư theo kế hoạch của BYD và một dự án trị giá khoảng 400 triệu USD của nhà sản xuất màn hình kỹ thuật số BOE được Reuters đưa tin trong tuần này cũng sẽ tương đương hơn 1/4 trong tổng số 2,5 tỷ USD mà các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam trong năm ngoái.
Trước đó, theo nguồn tin của Reuters, nhà sản xuất màn hình Trung Quốc, BOE Technology Group có kế hoạch đầu tư xây dựng hai nhà máy tại Việt Nam. BOE là nhà cung cấp màn hình cho Apple và Samsung Electronics.
Cụ thể, nguồn tin cho biết khoản đầu tư vào Việt Nam có thể lên đến 400 triệu USD. Kế hoạch này thể hiện nỗ lực giảm phụ thuộc sản xuất tại Trung Quốc của Apple cũng như nhiều công ty công nghệ khác.
BOE đang đàm phán để thuê hàng chục hecta đất ở miền Bắc của nước ta để tăng thêm nguồn lực. BOE có kế hoạch thuê tới 100 ha và sử dụng 20% cho một nhà máy sản xuất hệ thống điều khiển từ xa với chi phí 150 triệu USD.
Nguồn tin của Reuters cũng tiết lộ phần còn lại sẽ dành cho màn hình, với việc BOE chi 250 triệu USD để xây dựng một nhà máy trên 50 ha trong khi các nhà cung cấp sẽ sử dụng 30 ha còn lại, từ nay cho đến năm 2025. BOE được cho là sẽ sản xuất màn hình OLED tại nhà máy mới ở Việt Nam. Hiện BOE từ chối bình luận về thông tin này.
Các tập đoàn của Mỹ như Apple Inc và các nhà cung cấp của họ, chẳng hạn như Foxconn và Luxshare cũng đang tìm kiếm các trung tâm sản xuất thay thế, với Việt Nam là một trong những lựa chọn tiềm năng.
BYD đang tìm cách thuê 80 ha đất công nghiệp, tăng hơn gấp đôi diện tích của họ tại Việt Nam, nơi đơn vị điện tử của họ thuê 60 ha, một nguồn tin chia sẻ với Reuters. Một nguồn tin khác cho biết nhà máy tại Việt Nam có thể xuất khẩu linh kiện cho nhà máy lắp ráp xe điện của BYD sẽ được xây dựng tại Thái Lan.
Bên cạnh đó, nguồn tin này cũng cho biết nhà máy tại Việt Nam cũng có thể phục vụ thị trường trong nước, chủ yếu thông qua các dịch vụ bảo trì và phụ tùng thay thế cho xe BYD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Điều đó sẽ đặt ra thách thức trực tiếp đối với VinFast, nhà sản xuất ô tô Việt Nam, đơn vị đã công bố việc dừng sản xuất xe xăng để tập trung vào xe điện, và có kế hoạch mở rộng sang Mỹ cũng như Châu Âu.