Reuters: Chính quyền ông Trump có thể sắp trừng phạt thêm 89 công ty Trung Quốc khác
Nếu được công bố, danh sách cấm mới có thể khiến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang hơn nữa và gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ chuyên bán bộ phận và linh kiện hàng không dân dụng cho Trung Quốc.
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm lập danh sách trên, từ chối đưa ra bình luận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Công ty Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), doanh nghiệp đi đầu trong chiến lược do chính phủ Trung Quốc triển khai để cạnh tranh cùng hai hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus, cũng có tên trong danh sách. Reuters cho biết Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) và 10 đơn vị liên quan cũng nằm trong danh sách cấm mới nhất.
Danh sách 89 công ty sắp bị cấm là một phần trong dự thảo luật của chính quyền ông Trump. Trong dự thảo này, Washington sẽ xác định các công ty Trung Quốc và Nga mà họ coi là "người dùng hàng hóa quân sự đầu cuối" và nhà cung ứng tại Mỹ buộc phải xin giấy phép mới có thể bán các mặt hàng có sẵn trên thị trường cho các công ty này.
Theo dự thảo luật, hồ sơ xin cấp giấy phép của các nhà cung ứng Mỹ nhiều khả năng sẽ bị từ chối hơn là được thông qua.
Trong vài tháng qua, đương kim Tổng thống Trump đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. 10 ngày trước, ông kí thông qua một đạo luật hành pháp cấm doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc mà Washington cho là thuộc sở hữu hoặc do quân đội Trung Quốc kiểm soát.
Danh sách cấm mới được soạn thảo sau khi Bộ Thương mại Mỹ mở rộng định nghĩa "người dùng hàng hóa quân sự đầu cuối" vào tháng 4 năm nay.
Theo đó, kể từ tháng 4, người dùng hàng hóa quân sự đầu cuối không chỉ bao gồm lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia mà còn là bất kì cá nhân hoặc tổ chức nào có hỗ trợ hoặc đóng góp vào việc bảo dưỡng hoặc sản xuất hàng hóa quân sự. Các công ty không hoạt động trong lĩnh vực quân sự cũng có thể lọt vào danh sách cấm.
Các biện pháp hạn chế xuất khẩu áp dụng với những mặt hàng đặc biệt như phần mềm máy tính (VD: phần mềm xử lí văn bản), thiết bị khoa học (VD: máy hiện sóng kĩ thuật số), các bộ phận và linh kiện máy bay.
Ở lĩnh vực hàng không vũ trụ, các mặt hàng bị cấm xuất khẩu đa dạng hơn, trải dài từ giá đỡ cho hộp điều khiển chuyến bay đến động cơ.
Thông tin về danh sách mới xuất hiện ngay tại thời điểm nhạy cảm với ngành hàng không vũ trụ Mỹ khi mà Boeing đang chờ chính phủ Trung Quốc phê duyệt cho dòng máy bay 737 MAX hoạt động trở lại. Tuần trước, Cơ quan Quản lí Hàng không Dân dụng Mỹ (FAA) đã cấp phép bay trở lại cho 737 MAX.
Ông Kevin Wolf, một luật sư kiêm cựu quan chức thương mại, cho biết Bộ Thương mại Mỹ đã chia sẻ dự thảo luật với một ủy ban cố vấn kĩ thuật gồm các đại diện trong ngành và lẽ ra tập hồ sơ phải được giữ kín.
Theo ông Wolf, Bộ Thương mại Mỹ vẫn có thể sửa đổi dự thảo luật và danh sách cấm mới nhất. Song vị luật sư nhấn mạnh chính quyền ông Trump đang cạn dần thời gian để biến dự thảo luật thành luật vì dự thảo cần phải được thông qua và gửi đến Cơ quan Đăng kí Liên bang trước ngày 15/12.
Trong dự thảo luật mà Reuters có được, Bộ Thương mại khẳng định việc có thể kiểm soát dòng chảy thương mại công nghệ đến 89 công ty sắp bị cấm "đóng vai trò quan trọng, giúp bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia Mỹ".
Tuy nhiên, một cựu quan chức Mỹ giấu tên cho biết danh sách cấm của chính quyền ông Trump sẽ bị coi là hành động khiêu khích trong mắt chính phủ Trung Quốc. Một nguồn tin hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ nhận định động thái này có thể khiến Trung Quốc trả đũa Mỹ.
Bên cạnh 89 công ty Trung Quốc, danh sách cấm còn nhắm đến 28 công ty Nga, trong đó có Irkut, một công ty cũng đặt mục tiêu phá vỡ ưu thế của Boeing.