Lệnh cấm từ Washington không ngăn được quân đội Trung Quốc dùng công nghệ Mỹ
Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ hiện đại của Mỹ, mặc cho Washington đang nỗ lực để hạn chế khả năng Trung Quốc tiếp cận được những công cụ mạnh mẽ này.
Một bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hàng không Trung Quốc hôm 10/11 cho biết phần mềm của Mỹ đã được sử dụng để mô phỏng khí động học của một tên lửa siêu vượt âm có khả năng tiêu diệt tất cả các hệ thống phòng thủ hiện có.
Theo South China Morning Post (SCMP), nhóm nghiên cứu của Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã xác định cách kiểm soát khả năng chuyển hướng ở tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5) trở lên. Họ sử dụng phần mềm được cung cấp bởi công ty Mỹ Ansys để mô phỏng khí động học.
Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc không phải là cơ sở nghiên cứu quân sự duy nhất phát triển vũ khí tối tân bằng công nghệ Mỹ. Tương tự, Ansys cũng không phải công ty Mỹ duy nhất bán sản phẩm cho các tổ chức nằm trong "danh sách thực thể" khét tiếng.
Chính phủ Mỹ đã cố gắng can thiệp bằng cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công cụ mạnh mẽ này nhưng không đạt được thành công tuyệt đối.
Vào tháng 6, Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân thông báo họ đã mất quyền truy cập vào phần mềm toán học phổ biến của Mỹ là MatLab. Lệnh cấm được đưa ra ngay sau khi trường đại học này bị Mỹ xác định là thực thể thù địch, không được sử dụng bất kì sản phẩm hoặc dịch vụ nào của Mỹ mà không có sự cho phép đặc biệt.
Phán quyết trên đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong trường, vì giáo viên và sinh viên tại đây đã sử dụng phần mềm này trong nhiều năm.
Theo một số ước tính trong ngành, hơn 80% công cụ chính mà các nhà khoa học và kĩ sư Trung Quốc sử dụng đến từ nước ngoài, chủ yếu là Mỹ. Chẳng hạn, những gã khổng lồ công nghệ cao như Huawei cũng đã sử dụng công nghệ Mỹ để thiết kế một số chip máy tính cao cấp trên thế giới.
Trong phần lớn trường hợp, Trung Quốc không có lựa chọn thay thế vì những sản phẩm phần mềm thành công cần khá nhiều năm để phát triển và vì chúng không có cơ sở người dùng đủ lớn. Do vậy, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp phương Tây để cung cấp phần mềm chuyên nghiệp trong nghiên cứu và công nghiệp.
Nhưng ông Ma Baofeng, Giáo sư Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh cho biết các công ty Mỹ không muốn đánh mất thị trường rộng lớn của Trung Quốc và số tiền đầu tư khổng lồ từ nước này.
"Ai cũng muốn kiếm tiền, do đó họ sẽ tìm đủ mọi cách để lách luật", ông Ma nói.
Cái khó ló cái khôn
Một biện pháp doanh nghiệp Mỹ sử dụng là đóng gói các phiên bản khác nhau của cùng một phần mềm, phân biệt giữa người dùng thương mại và quân sự.
Phiên bản quân sự có thể chứa các thuật toán đặc biệt để tạo ra kết quả chính xác hơn, nhưng phần mềm được bán ở Trung Quốc chủ yếu là bản thương mại. Sự khác biệt giữa các ứng dụng quân sự và dân sự luôn rõ ràng.
"Đối với một số nghiên cứu, phiên bản thương mại là quá đủ," một nhà khoa học giấu tên nói với South China Morning Post (SCMP).
Theo một nhà nghiên cứu tại Thượng Hải, cách diễn đạt mơ hồ về các qui định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ cũng có thể cho các công ty phần mềm khoảng trống để luồn lách.
"Thông thường các luật lệ sẽ không đi vào chi tiết, ví dụ như cấm bán một phần mềm cụ thể cho Trung Quốc".
Các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra nhiều cách khác để đối phó với hạn chế, bao gồm sử dụng phần mềm lậu.
Trong một số lĩnh vực, các nhà nghiên cứu đang phát triển phần mềm của riêng họ để giải quyết các vấn đề khó khăn vượt quá khả năng của sản phẩm phương Tây, một nhà nghiên cứu ở tỉnh Giang Tô cho biết.
"Phần mềm khó cấm hơn là phần cứng", ông nói.