Reuters: Các quan chức Mỹ họp khẩn để bàn cách giải cứu First Republic Bank
Theo nguồn tin riêng của Reuters, trong những ngày gần đây, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nằm trong số những cơ quan chính phủ bắt đầu điều phối các cuộc họp với nhiều tổ chức tài chính nhằm tìm giải pháp cho First Republic. Sự tham gia của chính phủ Mỹ đã đưa nhiều bên hơn, bao gồm các ngân hàng, quỹ đầu tư tư nhân, đến bàn đàm phán.
Không rõ liệu chính phủ Mỹ có xem xét tham gia trực tiếp vào cuộc giải cứu ngân hàng First Republic hay không. Tuy nhiên, việc chính phủ tổ chức những cuộc thảo luận đã tiếp sức cho các lãnh đạo của First Republic, khi họ cố gắng tìm ra một thỏa thuận nhằm tránh cho ngân hàng khỏi bị tiếp quản bởi các cơ quan quản lý.
“Chúng tôi đang tham gia thảo luận với nhiều bên về các lựa chọn chiến lược trong khi tiếp tục phục vụ khách hàng của mình”, First Republic tuyên bố.
Vào ngày 16/3, những nhà băng lớn nhất Phố Wall đã gửi 30 tỷ USD vào First Republic để ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng lan rộng sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như đã không mang lại kết quả.
Các cuộc thảo luận để giải cứu đã trở nên cấp thiết hơn trong tuần này, sau khi First Republic tiết lộ rằng hơn 100 tỷ USD tiền gửi đã bị rút khỏi ngân hàng trung quý đầu tiên. Dù tình hình tiền gửi đã ổn định, First Republic đang bị thua lỗ vì phải thay thế tiền gửi lãi suất thấp bằng nguồn thanh khoản đắt đỏ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nguồn tin của Reuters cho biết các quan chức Mỹ coi một thỏa thuận giữa các tổ chức tư nhân để giải cứu ngân hàng này tốt hơn việc để First Republic bị FDIC tiếp quản.
Tuy nhiên, các đề xuất, bao gồm bán tài sản hoặc thành lập một “ngân hàng xấu” để cô lập những tài sản chịu lỗ chưa thực hiện, cho đến nay vẫn chưa thành công.
- TIN LIÊN QUAN
-
Khó khăn chồng chất của First Republic: Tiền gửi tháo chạy, lỗ tiềm tàng hàng chục tỷ USD, tồn tại nhờ tiền cứu trợ 28/04/2023 - 08:36
Bất kỳ giải pháp nào cũng sẽ phải đi kèm với bảo hiểm cho những tổn thất mà First Republic hoặc người mua ngân hàng này phải gánh chịu. Những khoản lỗ trên bắt nguồn từ hoạt động cho vay và danh mục đầu tư có thu nhập cố định. Các tài sản trên đã bị mất giá khi Fed bắt đầu chiến dịch nâng lãi suất.
Một trong những nguồn tin của Reuters cho biết First Republic đang tính đến việc cổ đông phải chịu thiệt hại nặng nề, hoặc thậm chí toàn bộ, trong kế hoạch ngăn các cơ quan quản lý tiếp quản. Cổ phiếu của ngân hàng này đã mất 95% giá trị kể từ khi khủng hoảng bắt đầu vào ngày 8/3.
Các nguồn tin cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra về tương lai của First Republic và cũng không có thỏa thuận nào là chắc chắn.