|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quyết định mở kho dự trữ dầu thô của Tổng thống Biden có thể phản tác dụng

18:38 | 04/04/2022
Chia sẻ
Quyết định giải phóng 180 triệu thùng dầu trong kho dự trữ chiến lược của Tổng thống Joe Biden có thể không giải quyết nhiều vấn đề giá cả mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Ngày 31/3 , chính quyền Tổng thống Biden vừa tiết lộ quyết định giải phóng 180 triệu thùng dầu thô nhằm bình ổn giá. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng đồng thời giải phóng lượng dự trữ khoảng 60 triệu thùng.

Tổng cộng trong thời gian gần đây, Mỹ đã phải 3 lần mở kho dự trữ dầu để kiểm soát giá cả. Năm ngoái, Mỹ đã công bố việc giải phóng 50 triệu thùng trong một nỗ lực nhằm giảm giá dầu, vốn đang làm xói mòn sức mua của người Mỹ và đè nặng lên xếp hạng tín nhiệm của Tổng thống Biden.

Đầu năm nay, Mỹ lại một lần nữa đồng ý giải phóng thêm 30 triệu thùng. Cả ba lần mở kho dự trữ đều cho thấy chính phủ Mỹ khó có thể điều chỉnh giá trong trung và dài hạn.

Tính đến giữa tháng 3, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, khoảng 30 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược đã được bán hoặc thuê. Số lượng này tương đương hơn 1/2 số dầu trong 50 triệu thùng được công bố vào tháng 11, và dường như lượng dầu này không ảnh hưởng gì đến biến động giá.

Lần mở kho dự trữ mới nhất lớn hơn trước rất nhiều, lên tới 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản liên quan tới giá dầu vẫn không thay đổi nhiều kể từ tháng 11.

Nhiều khó khăn

Vài năm trước, giới phân tích cho rằng các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có thể làm giảm tầm quan trọng của OPEC. Giờ đây, các doanh nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đã phải sắp xếp lại các ưu tiên của mình. Các công ty này đã không còn phấn đấu để tăng trưởng bằng mọi giá mà thay vào đó muốn làm cho cổ đông hài lòng.

Các công ty nhỏ lẻ có cơ hội lấp đầy khoảng trống này khi không phải chịu áp lực từ cổ đông. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này lại gặp thách thức từ việc thiếu nguồn lực tài chính.

Sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến đại dịch COVID cũng đã ảnh hưởng đến khả năng mở rộng sản lượng của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Cát, xi măng, thiết bị và các loại ống thép bị thiếu hụt khiến ngành công nghiệp dầu đá phiến khó khăn trong việc tăng cường sản xuất.

Trong khi đó, OPEC vẫn hoạt động như bình thường, tuân theo cam kết bổ sung khoảng 400.000 thùng/ngày vào các thị trường mỗi tháng cho đến khi tổng sản lượng phục hồi về mức trước đại dịch COVID.

Chỉ trong tuần này, OPEC đã thông qua việc bổ sung hàng tháng 432.000 thùng/ngày bất chấp những lời kêu gọi ngày càng tuyệt vọng từ Mỹ và IEA về việc tăng thêm sản lượng.

OPEC ngày càng chứng tỏ một cách thẳng thắn rằng lợi ích của tổ chức này và lợi ích của một số khách hàng lớn nhất có thể không đồng nhất với nhau. OPEC cũng từ chối cùng Phương Tây lên án Nga sau những hành động quân sự tại Ukraine.

Ngược lại, OPEC rất vui khi làm ăn với Nga. Arab Saudi và UAE, hai thành viên OPEC thực sự có khả năng tăng sản lượng vượt hạn ngạch, đã lựa chọn không nghe theo yêu cầu từ Phương Tây.

Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20. (Ảnh: Yuri Kadobnov). 

Phản tác dụng

Vào thời điểm này, việc giải phóng bất kỳ số lượng lớn dầu từ các kho dự trữ chiến lược chỉ có thể giúp giá giảm trong ngắn hạn. Sau đó, việc giải phóng còn có thể làm cho vấn đề thậm chí tồi tệ hơn. 

Một nhà bình luận thị trường dầu đã phân tích trên Twitter sau tin tức từ việc Washington mở kho dầu dự trữ chiến lược: “Nhà Trắng sẽ bán những thùng dầu này với giá 100 USD và sau đó mua lại chúng với giá 150 USD”.

Dự trữ xăng dầu chiến lược của bất kỳ quốc gia nào cũng cần được bổ sung. Nếu các yếu tố cơ bản quyết định giá dầu vẫn giữ nguyên thì đến thời điểm phải bù đắp dầu vào kho dự trữ, có thể Mỹ sẽ phải bỏ ra một số tiền còn lớn hơn ban đầu.

Một vấn đề nữa là việc mở kho dự trữ với số lượng lớn sẽ không thể đảm bảo nguồn cung trong lâu dài. Nếu giá dầu vẫn sẽ được giữ ở mức ổn định, các doanh nghiệp lớn trong ngành khai thác dầu mỏ sẽ quyết định tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất, từ đó khiến nguồn cung dồi dào và giá được bình ổn.

Tuy nhiên, quyết định mang một lượng dầu lớn vào thị trường trong thời gian dài sẽ kìm giá xuống, khiến cho các công ty dầu mỏ không thấy được lợi nhuận trong việc đầu tư. Kết quả là, khi lượng dầu bơm vào thị trường cạn kiệt, giá dầu lại tiếp tục tăng, thậm chí còn cao hơn trước và dự trữ dầu của Mỹ ngày càng thấp hơn.

Mở kho dự trữ chiến lược không giải quyết được vấn đề lớn nhất là bù đắp nguồn cung từ Nga.

Minh Quang