Các thương vụ trị giá hơn 45 tỷ USD phải hoãn đầu tư vì xung đột Nga - Ukraine
Theo Bloomberg, ít nhất một trăm công ty trên toàn thế giới đã phải hoãn hoặc rút các thỏa thuận tài đầu tư trị giá hơn 45 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Các thương vụ như IPO, sáp nhập, phát hành trái phiếu... đã phải dừng lại, giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến động toàn cầu trong quý đầu tiên. Thị trường Nhật Bản và châu Âu cũng bị không khá hơn. Trong khi đó, các công ty đến từ Mỹ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Xung đột Nga - Ukraine đã làm ảnh hưởng nhu cầu của nhà đầu tư, gây ra tác động không nhỏ đối với thị trường. Marco Baldini, chuyên gia mảng trái phiếu của ngân hàng Barclays, cho biết: “Thị trường biến động đồng nghĩa với việc khó thực hiện các giao dịch hơn. Doanh số bán trái phiếu cao cấp đã giảm mạnh khi cuộc chiến ở Ukraine diễn ra, tuy nhiên triển vọng vẫn có trong giai đoạn này“. Ông cho rằng khối lượng thị tường sẽ tăng lên đáng kể khi Lễ Phục sinh đến.
Khoảng 50 công ty đã hoãn kế hoạch IPO của họ kể từ cuối tháng 2, trong đó gần 30 công ty niêm yết tại Mỹ, bao gồm Bioxytran, Crown Equity Holdings và Sagimet Biosciences. Thật khó để ước tính tổng giá trị của các thương vụ IPO bị hoãn, vì hầu hết giá trị các giao dịch chưa được tiết lộ.
Các giao dịch ở châu Á và châu Âu chậm trễ trong việc công bố mức định giá. Olam International đã hoãn niêm yết sơ bộ trên Sàn giao dịch chứng khoán London, nơi có thể định giá doanh nghiệp ở mức 13 tỷ bảng Anh (17,1 tỷ USD).
Trong khi đó, tập đoàn Trung Quốc Dalian Wanda Group tổ chức một đợt IPO tại Hong Kong theo kế hoạch, công ty đang hướng tới mục tiêu huy động khoảng 3 tỷ USD.
Trong bối cảnh chiến sự leo thang, thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Khoảng 10 thương vụ trị giá hơn 5 tỷ USD đã bị đình trệ kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Điều đó đã khiến số lượng M&A toàn cầu giảm 15% trong 3 tháng đầu năm, xuống 1.020 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ quý III/2020, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Thương vụ thâu tóm trị giá 69 tỷ USD của Microsoft Corp đối với nhà phát hành trò chơi điện tử Activision Blizzard là một trong số ít thương vụ hoàn tất khi các công ty đang cố tránh những thương vụ. Sự sụt giảm tồi tệ nhất là ở châu Âu, nơi các vụ mua lại nhắm mục tiêu vào các công ty trong khu vực đã giảm 38%.
Ảnh hưởng của cuộc chiến đã bao phủ khắp thị trường trái phiếu toàn cầu, nơi lượng phát hành đã giảm 14% cho đến nay trong năm nay, theo dữ liệu của Bloomberg. 8 công ty phát hành từ Châu Âu, như EnBW Energie Baden-Wuerttemberg AG và công ty tài chính Pháp Coface SA đã phải "xếp xó" hơn 5 tỷ USD trái phiếu.
Tại Nhật Bản, 7 công ty bao gồm Sumitomo Mitsui, Tohoku và Orix đã phải hoãn các đợt phát hàh trái phiếu trong nước với tổng trị giá khoảng 800 triệu USD. Và ở Ấn Độ, ngay cả Indian Railway Finance Corp, thuộc sở hữu nhà nước cũng không tránh khỏi việc trì hoãn việc phát hành trái phiếu của mình.
Các thị trường nợ khác, bao gồm các khoản vay có đòn bẩy và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, cũng đang gặp khó khăn. Callaway Golf đã chào bán một khoản vay 950 triệu USD trước khi tạm hoãn vô thời hạn vào đầu tháng 3, với lý do điều kiện thị trường. Công ty chăm sóc mắt của Đức Veonet Group đã tạm hoãn khoản vay trị giá 795 triệu euro được hợp vốn vào ngày chiến tranh nổ ra vào ngày 24/2.
Ngay cả gã khổng lồ ô tô điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đã phải trì hoãn việc bán hơn 1 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng tài sản vào giữa tháng 3, trong khi Deutsche Bank AG phải tạm hoãn các giao dịch được bảo đảm bằng thế chấp thương mại.
Scope Ratings cho biết: “Cuộc chiến ở Ukraine đang làm trầm trọng thêm các hạn chế hiện có của chuỗi cung ứng và vấn đề tăng chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương đang thắt chặt các điều kiện tài chính để đối phó với dữ liệu lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ”.