|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Qui mô tới 2.500 tỉ USD, ngành thời trang đang lạc lối trước nhu cầu mua quần, áo bền vững của giới trẻ

16:10 | 11/02/2020
Chia sẻ
Thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm lớn nhất và tiêu thụ nước nhiều thứ hai toàn cầu, đồng thời đóng góp tới gần 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hannah George từng mua quần, áo ở các siêu thị tại thành phố Ithaca, bang New York, Mỹ. Cô luôn mua những trang phục giá rẻ nhưng hợp xu hướng của các hãng bán lẻ như H&M và Forever 21.

Nhưng đột nhiên cô gái 25 tuổi ngừng thói quen mua hàng thời trang rẻ khi cô tới giảng đường và hiểu về tác hại đối với môi trường mà ngành thời trang gây nên. Hahnah chuyển sang mua quần áo cũ, tránh những loại vải tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ, và đầu tư vào những loại trang phục bền.

Qui mô tới 2.500 tỉ USD, ngành thời trang đang lạc lối trước nhu cầu mua quần, áo bền vững của giới trẻ - Ảnh 1.

Những người biểu tình mang theo khẩu hiểu phản đối các hành vi phá hoại môi trường của ngành thời trang nhanh trên đảo Tây Java của Indonesia hồi tháng 1. Ảnh: Getty Images

"Tôi nhận ra tôi đang ủng hộ ngành thời trang bằng tiền của bản thân. Đó là một sự thay đổi với tôi. Triết lí của tôi đối với trang phục là: Quần, áo là một phần dài hạn của cuộc đời, chứ không phải là thứ chỉ để mặc khi ra ngoài buổi tối", Hannah phát biểu.

Nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng thời trang bền vững, không gây hại cho môi trường có thể là chất xúc tác cho sự thay đổi trong ngành thời trang.

62% người tiêu dùng thế hệ Z (chào đời sau năm 1995) ưu tiên mua sản phẩm của các thương hiệu thân thiện môi trường, theo một cuộc khảo sát gần đây.

Áp lực của người tiêu dùng đối với ô nhiễm của ngành thười trang đã thúc đẩy các doanh nghiệp như Nike, H&M công bố kế hoạch giảm phát thải carbon hoặc sử dụng nguyên liệu tái chế. 

Đồng thời, nhiều nhà bán lẻ lớn đang phân phối quần, áo cũ do thị trường hàng cũ bùng nổ. Tuần trước, tập đoàn Nordstrom triển khai cửa hàng bán đồ cũ, và viện dẫn nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bền vững hơn.

Qui mô tới 2.500 tỉ USD, ngành thời trang đang lạc lối trước nhu cầu mua quần, áo bền vững của giới trẻ - Ảnh 2.

Lượng nước mà ngành thời trang tiêu thu đủ để đáp ứng nhu cầu của 5 triệu người mỗi năm. Ảnh: supplychainbrain.com

Song, bất chấp áp lực của người tiêu dùng, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của ngành thời trang toàn cầu dang trên đà tăng hơn 50% vào năm 2030 do nhu cầu toàn thế giới đối với hàng may mặc tăng.

"Ngành thời trang đang trên đà đóng góp tới 1/4 lượng khí thải carbon toàn cầu. Đó là con số đáng kinh ngạc. Rõ ràng ngành thời trang đang đi sai hướng", Michael Stanley-Jones, đồng thư kí của Liên minh Thời trang Bền vững Liên Hợp Quốc, bình luận.

Ông Michael Stanley-Jones nhận định sự thôi thúc bán nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn và thuyết phục người tiêu dùng mua nhiều hơn vẫn là bản chất của ngành thời trang. Quần, áo có vòng đời ngắn và kết thúc hành trình ở một bãi rác. 

"Thực trạng ấy phải thay đổi", ông khẳng định.

Với qui mô 2.500 tỉ USD, ngành thời trang đóng góp xấp xỉ 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu - lớn hơn tổng khí thải mà các chuyến bay và vận tải quốc tế tạo ra, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc. 

Ngành thời trang cũng là ngành tiêu thụ nước lớn thứ hai thế giới, với lượng nước đủ để đáp ứng nhu cầu của 5 triệu người mỗi năm.

Nhạc Phong