|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khốn đốn vì virus corona, các thương hiệu thời trang cao cấp tham gia nỗ lực ngăn dịch

10:33 | 07/02/2020
Chia sẻ
Tập đoàn LVHM cùng hàng loạt thương hiệu thời trang cao cấp như Kering, L’Oréal đang đóng góp cho các tổ chức từ thiện, đồng thời tài trợ hoạt động ngăn virus corona trên qui mô toàn cầu.

"Vào một ngày bình thường ở cửa hàng lớn nhất của chúng tôi ở Trung Quốc - cửa hàng ở Bắc Kinh - chúng tôi thường thấy từ 600 tới 800 người bước vào. Trong số họ, khoảng 90 tới 120 người mua hàng. Tuần trước số lượng người cao nhất trong một ngày là 5", một người nói.

"5 người mua hàng?", một người khác hỏi.

"Không, 5 người bước vào cửa hàng", người kia đáp.

Khốn đốn vì virus corona, các thương hiệu thời trang cao cấp tham gia nỗ lực ngăn dịch - Ảnh 1.

Số lượng người tới những cửa hàng thời trang cao cấp giảm mạnh do sự bùng phát của chủng virus corona mới. Ảnh: glassdoor.com

Đó là nội dung của một trong những cuộc nói chuyện giữa phóng viên của Vogue với những nhà điều hành cấp cao của một thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng nhất ở châu Âu khi virus corona lây lan nhanh ở Trung Quốc.

Những cửa hàng gần như vắng tanh của thương hiệu này, cũng như những cửa hàng vắng vẻ hoặc đóng cửa của những thương hiệu thời trang cao cấp khác là biểu hiện của một vấn đề khẩn cấp và lớn hơn. 

Từ khi Trung Quốc chính thức cảnh báo sự xuất hiện của chủng virus corona mới hôm 7/1 ở thành phố cảng Vũ Hán, hơn 31.000 người được xác nhận đã nhiễm virus và hơn 630 người đã tử vong, tính tới ngày 7/2. Tỉ lệ tử vong là 2%.

Trong bối cảnh ấy, số lượng người đến các cửa hàng thời trang giảm chóng mặt. Thực tế ấy cho thấy ngành thời trang cao cấp phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. 

Hồi năm 2000, thị trường thời trang Trung Quốc chỉ chiếm tỉ lệ cực nhỏ so với thị trường toàn cầu, với chỉ khoảng 2% tổng doanh số. Giờ đây, Trung Quốc là thị trường có mức lợi nhuận cao nhất đối với ngành. 

Một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Bain & Company cho thấy, 35% tổng số giao dịch thời trang cao cấp toàn cầu (gồm quần áo, đồng hồ, trang sức) trong năm 2019 diễn ra ở Trung Quốc hoặc công dân Trung Quốc du lịch ở nước ngoài, chỉ kém 2% so với tổng giao dịch hàng thời trang cao cao cấp ở Mỹ và châu Âu.

Đó là lí do nhiều thương hiệu thời trang không lên tiếng trước phong trào biểu tình ở Hong Kong trong năm 2019. Nhưng khủng hoảng virus corona đã giáng đòn chí tử lên thị trường hấp dẫn bậc nhất thế giới này. 

Người dân Trung Quốc sẽ không thể tới các tuần lễ thời trang sắp tới ở New York, London, Milan, Paris do chủ trương hạn chế đi lại của chính phủ. Hàng loạt thương hiệu thời trang cao cấp quốc tế - đặc biệt là những thương hiệu phụ thuộc sức mua của người Trung Quốc, đang cảm nhận sự lạnh lẽo trong những cửa hàng vắng bóng khách.

Hồi tuần trước, tỉ phú Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn LVHM, nói về dịch cúm Vũ Hán như sau: "Nếu dịch chấm dứt trong 2 hoặc 2 tháng rưỡi, nó sẽ không để lại hậu quả khủng khiếp. Song nếu nó kéo dài 2 năm, câu chuyện sẽ khác".

LVMH đang muốn trở thành một phần của giải pháp. Họ đã quyên góp 2,3 triệu USD cho Quĩ Chữ thập đỏ Trung Quốc và cam kết cung cấp thuốc men, thiết bị y tế tới Trung Quốc. 

Tương tự, nhiều thương hiệu thời trang cao cấp khác như Kering, L’Oréal cũng đã đóng góp cho các tổ chức từ thiện, đồng thời tài trợ hoạt động ngăn virus corona trên qui mô toàn cầu. 

Hoàng thân Klemens Wenzel von Metternich, một nhà ngoại giao nổi tiếng ở châu Âu trong thế kỉ 19, từng nói "Khi Paris hắt hơi, châu Âu cảm cúm" để nói về ảnh hưởng của cách mạng công xã Paris. Ngày nay, câu nói của ông phù hợp với sự liên quan giữa sức khỏe của người dân Trung Quốc với nhiều khía cạnh của thế giới. 

Sự sa sút của nền kinh tế chỉ là tác dụng phụ nhỏ so với yếu tố con người trong hành trình lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán. Chỉ khi đối mặt với một đợt dịch, con người mới nhớ lại rằng sức khỏe là thứ xa xỉ có giá trị lớn nhất.

Nhạc Phong