Qua đại dịch COVID-19, cơ sở kinh doanh nhỏ tại TP HCM rút ra nhiều bài học để sống sót
Chiều tối 23/4, UBND TP HCM ban hành văn bản số 1490 quy định về việc các loại hình dịch vụ không được phép hoạt động sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định xếp TP HCM vào nhóm có nguy cơ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 22/4.
TP HCM cho phép cửa hàng, quán ăn mở lại và phải thực hiện nghiêm theo các nội dung quy định của Bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoạt động an toàn trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, dưới sự quản lí, giám sát của các cơ quan chức năng và chính quyền quận huyện.
"Có quá nhiều thứ dồn nén, nhiều thứ mình chưa gặp bao giờ, nhưng việc của cửa hàng là phải sống"
Trước ngày được hoạt động trở lại, chị Cao Phượng, chủ một quán chè trên đường Phùng Văn Cung (quận Phú Nhuận, TP HCM), vừa lau dọn bàn ghế vừa nhớ lại khoảng thời gian khó khăn mà có lẽ chị khó thể quên trong cuộc đời kinh doanh của mình.
Khoảnh khắc hay tin tất cả hàng quán không thiết yếu phải đóng cửa phòng dịch, dưới góc độ là một thương nhân, chị Phượng không khỏi buồn lòng. Không chỉ lường trước doanh thu của quán đi xuống, bà chủ quán chè còn đối mặt với không ít gian truân nằm ngoài tính toán.
Những ngày đầu giãn cách xã hội, giao thông bị hạn chế, chị Phượng bất ngờ khi việc vận chuyển hàng trăm, hàng nghìn li chè bỏ sỉ gặp không ít trục trặc, vì tất cả hàng quán chuyển sang bán online, giao hàng tận nơi. "Thật sự có quá nhiều thứ làm mình chán nản!", chị kể lại.
Nản chí hơn cả là nguồn nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn. Quán chị làm chè từ nhiều trái cây tươi, thường nhập nguyên liệu hàng ngày được người cung cấp gửi qua xe khách. Vì thế khi có lệnh cách li, nguyên liệu phải chuyển sang vận chuyển bằng xe tải với tần suất 1 chuyến mỗi ngày, đôi khi phải đợi 2 ngày, người cung cấp mới tìm được xe vận chuyển.
Rồi cảm giác đáng sợ cũng dần nhạt đi sau vài ngày ổn định. "Đây là tình hình chung, việc này đâu ai mong muốn. Mình nghĩ cách li xã hội là cách tốt nhất để phòng dịch và Nhà nước đang làm rất tốt. Có quá nhiều thứ dồn nén, nhiều thứ mà cuộc đời kinh doanh mình chưa nghĩ sẽ trải qua, nhưng việc của các cửa hàng là phải tìm mọi cách để sống cho bằng được", chị chia sẻ.
Cách của chị Phượng là đóng cửa quán trong 2 tuần, cho nhân viên về quê nghỉ ngơi chứ không cầm cự bán trực tuyến. "Nhân viên tại quán chủ yếu là sinh viên xa nhà. Mùa dịch mà để các em ở lại Sài Gòn thì rất đơn thân. Giữa doanh thu và sức khoẻ, mình vẫn ưu tiên an toàn về sức khoẻ. Đó mới là điều quan trọng hàng đầu", chị giải thích.
Qua 2 tuần đóng cửa hoàn toàn, chị Phượng lại mở bán trực tuyến cùng 3 nhân viên vẫn ở lại thành phố. Trước dịch, quán chị có lượng khách hàng khá ổn định từ các nền tảng giao thức ăn. Nhờ đó, khi mở quán online trở lại, chị vẫn duy trì được hoạt động.
Thay vì mỗi ngày bán đến 1.000 li chè, chuyển sang bán online chỉ giao được 700-800 li. "Dần dà, tối đa chỉ còn 600 li. Như vậy là mừng dữ lắm rồi!", chị chia sẻ. Giải thích cho sự sụt giảm doanh số, chị Phượng nghĩ rằng việc các gia đình, cá nhân đang thắt chặt chi tiêu mùa dịch là nguyên nhân chủ yếu.
Doanh thu giảm đi, chị Phượng phải tính toán thật kĩ việc cân đối tài chính. Đầu tiên, chị xin chủ nhà giảm tiền mặt bằng. Chủ nhà cũng chia sẻ giảm 20% tiền thuê trong giai đoạn dịch bệnh. Biết được chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chị đang làm thủ tục để được giảm thuế trong giai đoạn này.
Đến nay, hay tin được phép kinh doanh, chị Phượng cho biết mình mừng khôn siết nhưng cũng khá đề phòng: "Mừng thì mừng, nhưng mình cũng đang chờ đợi xem sự khởi động lại của nhịp sống xã hội thế nào. Bán buôn ra sao để vẫn đảm bảo công tác phòng dịch cũng là vấn đề mình khá lo lắng", chị nói.
Đối diện khó khăn và vực dậy ý chí bản thân
Ngày đầu chính thức được mở quán kinh doanh, chị Lương Thanh, chủ một quán bún riêu trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3, TP HCM) tất bật cả buổi. "Từ sáng đến giờ, hai cái chân này cứ đi đi lại lại suốt vậy thôi", vừa hớt hải giao thức ăn cho tài xế công nghệ, chị vừa kể khổ bằng ánh mắt hạnh phúc.
"Rất là phấn khởi! Phấn khởi lắm! Bởi vì quán bún đã phải nghỉ một thời gian quá dài. Kể cả mình, kể cả nhân viên, ai ai cũng mong mỏi được đi làm lại", chị Thanh mừng ra mặt khi quán bún riêu khai trương trở lại.
Quán của chị Thanh chính thức đóng cửa phòng dịch đúng 1 tháng. "Thật sự khi hay tin phải đóng cửa, mình lo cho doanh thu quán, lo hơn là hàng chục nhân viên phải ra sao trong giai đoạn này. Nhưng nghĩ lại, bản thân mình cũng an tâm hơn vì chỉ có như thế, dịch bệnh mới không thể lây lan vào quán, lây lan cho nhân viên và gia đình họ", chị chia sẻ.
Trước khi bùng dịch, quán của chị Thanh phát triển cả kênh bán online và offline. Lượng khách ghé quán chiếm khoảng 70%, khách đặt giao hàng khoảng 30%. Kì thật, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, quán bún ghi nhận lượng khách ghé đến giảm 60%. Trong giai đoạn cách li xã hội, dù chị Thanh vẫn duy trì việc bán online nhưng lượng khách đặt hàng vẫn giảm 30% so với trước đó.
Trong giai đoạn "bán cầm chừng", chị Thanh buộc chỉ chọn những nhân viên nằm ở khâu chủ chốt như bếp núc, thu ngân… làm việc. "Cũng may là các bạn nhân viên đều có nhận thức về dịch bệnh, nên họ thông cảm cho mình rất nhiều trong giai đoạn đó", chị kể.
Hàng ngày chị Thanh vốn quen bận rộn, di chuyển tới lui, đầu óc nghĩ chuyện buôn bán. "Bỗng dưng mình 'bị ở không', cảm giác lúc đó rất bức bối, thật sự rất ngột ngạt và không quen", chị chia sẻ.
Nhưng rồi chị nói mình buộc phải quen với "nhàn rỗi" sau vài ngày cách li. Tận dụng "cơ hội này", chị cùng nhân viên dọn dẹp, tân trang, bày trí lại không gian quán.
Là một người làm ăn buôn bán, chị Thanh nói mình cũng đã không ít lần vấp ngã. Với đợt dịch Covid-19 này, chị nghĩ: "Mình cho đây là một tai ương và mình phải chấp nhận nó. Cũng như những lần vấp ngã trong kinh doanh trước đây, mình chọn cách đối diện và vực dậy ý chí của bản thân. Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi!".
Để buôn bán an toàn với dịch bệnh, chị Thanh xác định cần thực hiện tốt công tác đảm bảo nguyên tắc phòng dịch. (Ảnh: Tất Đạt).
Nhưng nếu muốn mọi chuyển ổn thoả, chị Thanh cho rằng mỗi đơn vị kinh doanh cần có đối sách để phòng dịch lâu dài. Với quán bún riêu của mình, chị cho bố trí lại bàn ghế, sao cho khoảng cách giữa các bàn có thể nới lỏng tối đa. Ngoài ra, khâu vệ sinh tại không gian chế biến cũng được chị kiểm duyệt gắt gao hơn.
Nhân viên bắt buộc đeo khẩu trang, kể cả khi trò chuyện cùng nhau. Nước rửa tay luôn thường trực tại quầy gọi món, tiện cho cả nhân viên và khách hàng sử dụng. Mỗi ngày, chị cố gắng vệ sinh, lau dọn không gian thật kĩ lưỡng.
Bí quyết vượt qua mùa dịch?
Để vượt qua được mùa dịch, chị Thanh chia sẻ quán bún riêu có bệ đỡ từ nguồn tiền dự trữ. Theo kinh nghiệm của bản thân, hàng tháng, quán sẽ trích ra tối đa 30% doanh thu đưa vào quỹ dự phòng. Quỹ này được chị Thanh mang gửi ngân hàng.
"Số tiền này mình vừa được hưởng lãi suất, tuy không nhiều, nhưng quan trọng là vừa đảm bảo được sự ổn định. Bằng chứng là qua đại dịch, hệ thống vẫn hoạt động tốt", chị nói.
Ngoài ra, theo chị Thanh, các cơ sở F&B nên dành sự quan tâm chiến lược cho mảng bán hàng trực tuyến. Đây là kênh bán hàng xu hướng, có thể gầy dựng được thương hiệu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách nhanh chóng.
Cũng áp dụng hai "bí quyết" trên, quán chè chị Phượng đã vượt qua giai đoạn khó và chờ ngày hoạt động tích cực. Riêng chị Phượng, việc cân đối thu chi, có một khoản dự phòng là một bí quyết rất hiệu quả. Theo chị, đợi dịch này sẽ dạy cho các hàng quán nhỏ một bài học quý giá về việc tiết kiệm chi tiêu và đo lường đầu vào, sao cho phù hợp nhất với tình hình tài chính của mỗi đơn vị.
Một vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp F&B chính là mặt bằng. Chị Phượng đánh giá cao các mặt bằng có diện tích nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP HCM).
Những mặt bằng này rất thích hợp cho các doanh nghiệp F&B nhỏ lẻ có thể kinh doanh bền vững. "Mình nghĩ nhờ thế mà qua mùa dịch, con đường này vắng bảng sang nhượng hay cho thuê mặt bằng như khu vực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP HCM)", chị nói thêm.
Chị Phượng từng tham khảo một mặt bằng rộng 2,5x5m, có 3 tầng, nằm ngay mặt tiền cuối khu vực trên. Mặc dù đang mùa dịch, nhưng chủ nhà vẫn thản nhiên "hét giá" lên đến 95 triệu đồng. Nếu vì "mê" mặt bằng đẹp, doanh nghiệp khó tránh được tình trạng phải kham khổ vì điều đó.
"Ai cũng có nhu cầu làm đẹp, làm sang để hút khách, ai cũng muốn quán mình có một mặt tiền đắc giá. Nhưng mình nghĩ mỗi đơn vị chỉ nên chọn mặt bằng vừa sức với tài chính và quy mô kinh doanh của mình. Chủ yếu là chất lượng và uy tín của sản phẩm thì mới khiến khách hàng nhớ lâu, chứ không phải chỉ có mặt bằng đẹp", chị nhấn mạnh.