Bài học về tạo giá trị mà đối thủ không thể có để duy trì lợi thế cạnh tranh trong bán lẻ trực tuyến
Anna Johansson là một nhà báo tự do, chuyên viết bài về mạng xã hội và phát triển kinh doanh. Trong một bài viết trên tạp chí Entrepreneur, cô trình bày quan điểm cá nhân về cách tạo lợi thế cạnh tranh trong môi trường thương mại điện tử đã bão hòa.
Bán lẻ trực tuyến luôn là một thị trường đông đúc, và nhờ vô số những công cụ xây dựng web miễn phí, thị trường bán lẻ trực tuyến càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Nếu một doanh nghiệp hay người bán chuẩn bị gia nhập một thị trường ngách với hàng trăm đối thủ đang tranh giành vị trí dẫn đầu, nguy cơ họ "mất hút" sẽ khá cao.
Ngay cả khi doanh nghiệp không phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp, họ vẫn phải lo lắng về sức mạnh của những "đại gia" như Amazon hay Apple.
Vậy doanh nghiệp nên áp dụng những giải pháp nào để duy trì lợi thế cạnh tranh trong thị trường bán lẻ trực tuyến đã bão hòa?
Chọn một thị trường ngách
Lựa chọn tối ưu nhất của doanh nghiệp là tránh cạnh tranh bằng việc nhắm tới một thị trường ngách cụ thể. Hàng nghìn người bán lẻ trực tuyến tập trung vào quần, áo, song nếu bạn tập trung vào một sản phẩm cụ thể - như áo khoác lông – bạn sẽ tự thu hẹp thị trường ngay tức thì. Những khách hàng đam mê áo khoác lông sẽ tìm một chuyên gia thay vì tìm tới bạn.
Tận dụng việc tối ưu công cụ tìm thông tin (SEO) là một giải pháp hữu ích. Với SEO, mục tiêu của bạn là tăng thứ hạng trang web trong kết quả tìm thông tin.
Nhưng nếu bạn cạnh tranh với các thương hiệu đã xây dựng vị thế của họ trên mạng nhiều năm, bạn sẽ thấy khó mà cạnh tranh với những từ khóa "đầy quyền năng" như "hàng dệt may trực tuyến".
Thay vào đó, bạn nên hướng tới những cụm từ dài hơn. Có thể chúng có lượt truy cập thấp hơn so với những từ khóa phổ biến, song chắc chắn chúng có thể đạt thứ hạng cao trong kết quả tìm kiếm một cách dễ dàng hơn.
Giảm giá (nếu bạn có thể)
Rõ ràng giảm giá là một mẹo đơn giản. Bạn nên cố gắng giảm giá nếu có thể, để ít nhất thu hút thêm lượt truy cập vào trang web và tăng số lượng người mua. Chúng ta hay so sánh giá của những sản phẩm, dịch vụ mà chúng ta cần. Vì thế, nếu sản phẩm hay dịch vụ của bạn là thứ hấp dẫn nhất trên thị trường, người mua sẽ hướng về phía bạn.
Tạo ra giá trị mà đối thủ không thể có
Phần lớn gian hàng bán lẻ trực tuyển nhỏ không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn về giá, trừ khi họ chấp nhận giảm lợi nhuận. Vì thế, bạn cần một giải pháp khác nếu không muốn giảm lợi nhuận.
Đối với một số doanh nghiệp, mang lại giá trị mà đối thủ không có chính là cung cấp dịch vụ khách hàng chất lượng cao.
Ví dụ, công ty bán giày trực tuyến Zappos trở nên nổi tiếng một phần vì cam kết "luôn khiến khách hàng vui" của họ.
Song đối với những công ty khác, tận dụng những di sản sẵn có là một giải pháp. Chẳng hạn, nhà sản xuất đồ trang sức Diamondere đã thiết kế trang sức theo yêu cầu trong suốt 125 năm qua nên họ kết hợp kinh nghiệm với công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm mà các đối thủ khác không thể có.
Bắt đầu từ một địa phương cụ thể
Nếu bạn đang nỗ lực tạo đà tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh, bạn có thể tập trung vào một thị trường địa phương cụ thể rồi mở rộng từ đó. Tùy thuộc vào tính chất của hoạt động kinh doanh, bạn có thể mở một cửa hàng truyền thống, hay lập trang web rồi tùy biến nó với những từ khóa liên quan tới địa phương.
Hướng tới người tiêu dùng ở một địa phương đồng nghĩa với việc thu hẹp đối tượng nhân khẩu học, liên tục điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với khách hàng mục tiêu. Điều quan trọng hơn là bạn phải giảm tối đa số lượng đối thủ cạnh tranh. Ngay sau khi thấy doanh số tăng, bạn có thể mở rộng sang những khu vực lân cận.