|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những chuỗi bán lẻ chết hai lần bởi sự áp đảo của Amazon và thương mại điện tử

14:54 | 03/02/2020
Chia sẻ
Thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng khiến nhiều trung tâm thương mại và chuỗi bán lẻ truyền thống có xu hướng giảm doanh số và dẫn tới phá sản.

Tháng trước, nhiều cư dân New York đã đón nhận một tin sốc có thể sẽ làm thay đổi thói quen mua sắm của họ. Chuỗi cửa hàng tạp hóa đại phương Fairway đã nộp đơn xin phá sản. Đây là đơn xin phá sản thứ hai của Fairway.

Kịch bản của Fairway ngày càng phổ biến do các nhà bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt với sự thay đổi lớn trong xu thế mua sắm trực tuyến hiện đại. 

Ngoài Fairway, những nhà bán lẻ khác như Barneys hay RadioShack cũng từng 2 lần đứng trước bờ vực phá sản sau khi nộp đơn bảo hộ theo diện Chương 11 trong bộ luật phá sản. Với những trường hợp này, người tay hay gọi đùa là xin phá sản theo diện "Chương 22".

Nhiều chuỗi bán lẻ truyền thống phá sản sau sự trỗi dậy của Amazon và thương mại điện tử - Ảnh 1.

Chuỗi Fairway đã phá sản lần thứ hai vào tháng 1/2020. Ảnh: CNBC

"Tôi thường làm việc với những ngành hàng đang yếu thế trên thị trường và bán lẻ là một trong số đó", Stephen Selbst, trưởng nhóm tái cấu trúc và phá sản theo bộ luật New York của công ty luật Herrick Feinstein chia sẻ.

Nhìn chung, số lượng các nhà bán lẻ phá sản đang tăng lên. Theo báo cáo của CB Insight, năm 2019 có 22 công ty bán lẻ tại Mỹ tuyên bố phá sản, nhiều hơn tương đối so với con số 17 của năm 2018.

Theo nhận định của CNBC, một trong những khó khăn của các công ty bán lẻ truyền thống đến từ sự trỗi dậy của Amazon nói chung và thương mại điện tử nói riêng trong những năm gần đây. Khách hàng hoàn toàn có thể lựa chọn mua hàng trực tuyến thay vì đến các cửa hàng vật lí để mua sắm.

Trong số các đơn vị 2 lần xin phá sản, có nhiều công ty đã quá phụ thuộc vào lưu lượng khách hàng trong các trung tâm thương mại như Wet Seal và Payless.

Với các công ty không thể duy trì dòng tiền tích cực, việc nộp đơn xin phá sản có thể giúp họ thanh lí hợp đồng với đơn vị cho thuê bất động sản khi họ có quá nhiều chi nhánh hoạt động không hiệu quả.

Sau khi tuyên bố phá sản, việc lôi kéo khách hàng quay trở lại trong thời gian sau đó là một thách thức lớn với các công ty bán lẻ. 

"Bán lẻ là một ngành khó. Khi bạn mất đi khách hàng thì rất khó để họ quay trở lại", Stephen Selbst phân tích.

Dưới đây là một vài những trường hợp hai lần phải nộp đơn xin phá sản, và có thể gọi là phá sản theo diện "Chương 22".

Payless

Lần đầu tiên Payless nộp đơn xin phá sản vào tháng 4/2017 với 4.000 cửa hàng ở 30 quốc gia. Thời điểm tái cấu trúc năm 2012, công ty vẫn phải vật lộn với khản nợ 847 triệu USD. Sau khi lần đầu xin phá sản, Payless đã đóng cửa 700 cửa hàng và giảm bớt 435 triệu USD tiền nợ. Công ty quay trở lại hoạt động vào tháng 8/2017.

Nhiều chuỗi bán lẻ truyền thống phá sản sau sự trỗi dậy của Amazon và thương mại điện tử - Ảnh 2.

Hậu phá sản, Payless vẫn còn các cửa hàng tại 30 quốc gia khác trừ Mỹ. Ảnh: CNBC

Tháng 2/2019, Payless đã phải lần 2 xin phá sản và đóng cửa toàn bộ 2.500 cửa hàng tại Mỹ. Hồ sơ ghi nhận công ty có khoản nợ 470 triệu USD. Hiện tại, Payless vẫn có khoảng 700 cửa hàng (bao gồm cả nhượng quyền) bên ngoài nước Mỹ với đội ngũ quản lí bản địa.

Fairway

Fairway lần đầu phá sản vào năm 2016, 3 năm sau khi IPO thành công. Thỏa thuận phá sản sau đó giúp công ty giảm nợ 140 triệu USD. Việc phát triển qui mô quá nóng khiến doanh thu của Fairway không kịp tăng trưởng để bù nợ. Fairway sau đó chỉ đóng cửa duy nhất một cửa hàng của mình.

Tuy nhiên tới tháng 1/2020, công ty một lần nữa phải tuyên bố phá sản và bán lại cửa hàng của mình với hãng Village Super Market. Fairway cũng đang liên hệ với các đối tác khác để thanh lí các cửa hàng còn lại tại New York.

Barneys New York

Là một chuỗi cửa hàng bách hóa hạng sang tại New York, Barneys cũng không tránh khỏi kết cục phá sản theo diện "Chương 22" vào năm ngoái.

Năm 1996, Barneys lần đầu tiên tuyên bố phá sản sau khi không đạt được thỏa thuận với công ty mẹ Isetan của Nhật Bản. Việc nộp đơn xin phá sản là một động thái phản đối chi phí cho thuê địa điểm quá cao của công ty mẹ. 

Nhiều chuỗi bán lẻ truyền thống phá sản sau sự trỗi dậy của Amazon và thương mại điện tử - Ảnh 3.

Toàn bộ cửa hàng Barneys đã dừng hoạt động. Ảnh: CNBC

Năm 2012, Barneys được sang tay cho Perry Capital, một quĩ đầu tư tài chính do Richard Perry điều hành. Tới tháng 8/2019, công ty lần thứ hai phải phá sản sau khi không kham nổi các chi phí gia tăng trong khi doanh số sụt giảm.

Barneys cuối cùng về tay Authentic Brand Group, một công ty chuyên bán lẻ. Trang web của Barneys đã dừng hoạt động và khi truy cập vào, nó dẫn về website của Saks Fifth Avenue, một chuỗi bán lẻ khác của Authentic Brand Group. Toàn bộ cửa hàng của Barneys đã đóng cửa hoạt động.

Tiểu Phượng