|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVS ước lãi quý II bằng 1/3 so với cùng kỳ, đang nghiên cứu đầu tư năng lượng thủy triều

14:15 | 15/07/2022
Chia sẻ
Trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh đẩy mạnh cung cấp dịch vụ cốt lõi đảm bảo lợi thế cạnh tranh, PVS sẽ nghiên cứu đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi (như điện gió, điện mặt trời, thủy triều…) và tham gia thi công, thực hiện các dự án công trình năng lượng tái tạo.

Sáng 14/7, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - Mã: PVS) đã có cuộc họp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), qua đó báo cáo về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu hợp nhất 6.600 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 380 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.

Kết quả này lần lượt vượt 56% - 65% chỉ tiêu 6 tháng đầu năm. Còn so với kế hoạch cả năm, PVS đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 62% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Như vậy ước tính trong quý II/2022, doanh thu của PVS khoảng 2.830 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 69 tỷ, lần lượt giảm 8% và giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của PVS.

Trong nửa cuối năm, bên cạnh đẩy mạnh cung cấp dịch vụ cốt lõi đảm bảo lợi thế cạnh tranh, PVS sẽ đồng thời nghiên cứu đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi (như điện gió, điện mặt trời, thủy triều…) và tham gia thi công, thực hiện các dự án công trình năng lượng tái tạo phù hợp với năng lực, kinh nghiệm hiện có.

Ngoài ra, PVS cũng sẽ triển khai quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đón đầu dịch vụ mới, chủ yếu tập trung tại Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Thanh Hóa.

Trước đó vào cuối năm ngoái, PVS đã được cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bao gồm: sản xuất điện; truyền tải và phân phối điện; xây dựng các công trình công nghiệp - năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy triều); xây dựng công trình khác không phải nhà... vào ngành nghề kinh doanh chính.

Doanh nghiệp cho biết đây là dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của PVS trong thời gian tới, phù hợp với định hướng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong bối cảnh dịch chuyển năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam.

Với việc bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh chính, PVS hiện là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn PVN có đầy đủ chức năng, cơ sở pháp lý để thực hiện công tác đầu tư, phát triển và vận hành khai thác các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. 

Thời gian qua, PVS đã tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió gần bờ tại khu vực Tây Nam Bộ (như vận chuyển, lắp đặt tháp, tua bin gió, rải cáp ngầm).

Bên cạnh đó, PVS cũng đang cung cấp dài hạn tàu chuyên dụng phục vụ công tác vận chuyển nhân sự, thiết bị vận hành và bảo dưỡng tại dự án điện gió Bình Đại – Bến Tre và dự án điện gió tại Trà Vinh.

Tổng công ty cũng đang thực hiện hợp đồng cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR đo gió, thủy văn cho dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long của khách hàng Enterprize Energy tại khu vực biển Bình Thuận.

Tại thị trường nước ngoài, PVS đã thắng thầu quốc tế gói thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo hai trạm biến áp ngoài khơi (offshore substation – OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Hai Long 2 và 3 tại Đài Loan. 

 PVS thực hiện công tác lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận. (Ảnh: PVS). 

Trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm do Chứng khoán Tiên Phong công bố, các chuyên gia cho rằng với mức giá dầu như hiện nay, hoạt động ở thượng nguồn sẽ sôi động trở lại và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan và kho nổi như PVS kỳ vọng sẽ có được các hợp đồng mới với giá trị cao hơn.

Bên cạnh đó, dự án chuỗi điện khí Lô B-Ô Môn dự kiến bắt đầu triển khai vào cuối 2022 sẽ tạo nhiều công việc cho công ty thượng nguồn. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư là 10 tỷ USD và kỳ vọng đón dòng khí đầu tiên vào năm 2025.

Ngoài ra, một số mỏ dự kiến đi vào triển khai như Kình Ngư Trắng, Lạc Đà Vàng, Đại Hồng Nam sẽ giúp các công ty thượng nguồn có đủ điều kiện để phát triển.

Mỹ Linh