|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phụ nữ Trung Quốc chẳng mặn mà đường chồng con, bài toán dân số của Bắc Kinh rối như tơ vò

20:43 | 07/01/2022
Chia sẻ
Sở hữu học vấn tốt và khả năng độc lập tài chính, nhiều phụ nữ Trung Quốc ngày nay không còn mặn mà chuyện kết hôn, sinh con như xưa.

Phụ nữ né chuyện kết hôn, sinh con như "né tà"

Đối với thế hệ Gen Z tại Trung Quốc, cuộc sống viên mãn không nhất thiết phải dính dáng đến chuyện kết hôn hay sinh con, bất luận cha mẹ của họ và chính phủ có mong muốn đến thế nào.

Người ta muốn sống cho mình hơn, Janet Song (25 tuổi) - nhân viên một quán cà phê thú cưng tại thành phố Quảng Châu, chia sẻ với SCMP. Janet không cho rằng sự xuất hiện của chồng con có thể giúp cô thành công.

"Hai chị họ và tôi đều là con một. Hai người đều đã kết hôn nhưng giờ họ khuyên tôi không nên cưới chồng nếu tôi không muốn. Con cái không phải là điều bắt buộc, họ dặn dò như vậy", Janet nói thêm.

"Người trẻ chúng tôi cảm thấy cuộc sống đô thị hiện đại đang trở nên rất tiện lợi và luôn chào đón những người độc thân. Kết hôn và sinh con bây giờ chẳng khác nào đeo gông vào cổ", Janet nhấn mạnh.

Phụ nữ Trung Quốc chẳng mặn mà đường chồng con, bài toán dân số của Bắc Kinh rối như tơ vò - Ảnh 1.

Đối với nhiều phụ nữ trẻ, cuộc sống viên mãn không nhất thiết phải dính dáng đến chuyện kết hôn hay sinh con. (Ảnh minh họa: SCMP).

Phụ nữ trẻ ở Trung Quốc, đặc biệt là Gen Z, ngày càng muốn khám phá cuộc sống và khẳng định cá tính riêng. Hôn nhân không còn nằm trong danh sách ưu tiên của họ, chứ đừng nói đến việc sinh con.

Không ít người tìm thấy niềm an ủi khi biết rằng vẫn còn nhiều người trẻ có cùng quan điểm mới lạ như thế này, bằng chứng là các bài đăng trên mạng xã hội và xu hướng quảng cáo bây giờ.

Kể từ tháng 7 năm ngoái, danh tiếng của ít nhất ba sao nam tại Trung Quốc đã bị tổn hại vì những hành vi như mua dâm, kiểm soát bạn gái và bắt ép vợ làm "máy đẻ". Ba vụ bê bối này đã khơi mào một cuộc tranh luận dữ dội trên mạng về vấn đề bình đẳng giới. Một bộ phận nữ giới cho hay họ đang suy nghĩ lại về ý tưởng kết hôn.

Ngoài ra, nữ giới Trung Quốc cũng đang phản đối mạnh mẽ các chính sách khuyến khích thanh niên lập gia đình của chính phủ. Gần đây, Bắc Kinh thậm chí đã điều chỉnh chính sách một con khét tiếng để cho phép mỗi gia đình sinh ba con.

Theo nhận định của cây bút nổi tiếng Shen Jiake, để các chính sách trên giúp tăng tỷ lệ sinh tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh cần làm cho phụ nữ thấy thoải mái, tin tưởng rằng quyền lợi và chất lượng cuộc sống của họ sẽ được cải thiện hơn khi sinh con.

Ông Shen bày tỏ: "Từ việc tỷ lệ sinh giảm trong mấy năm qua, chúng ta có thể nhận thấy phụ nữ đang bất mãn với chính sách kết hôn và sinh con hiện tại của Trung Quốc. Họ thể hiện thái độ thông qua hành động thực tế".

Phụ nữ Trung Quốc chẳng mặn mà đường chồng con, bài toán dân số của Bắc Kinh rối như tơ vò - Ảnh 2.

Dữ liệu điều tra dân số quốc gia được công bố hồi tháng 5 năm ngoái cho thấy, tỷ lệ sinh của Trung Quốc trong năm 2020 đã giảm xuống còn 1,3 trẻ em/phụ nữ. Tỷ lệ dưới 2,1 thường báo hiệu rằng dân số đang trên đà suy giảm.

Cũng theo SCMP, phụ nữ thế hệ Gen Z ở Trung Quốc cũng ngại kết hôn hơn so với nam giới ở cùng độ tuổi.

Một khảo sát của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 chỉ ra, trong khoảng 2.905 cư dân thành thị độc thân ở độ tuổi 18 - 26, khoảng 43,9% phụ nữ không có ý định kết hôn hoặc không chắc liệu điều đó có xảy ra hay không. Tỷ lệ này cao hơn 19,3 điểm % so với nam giới.

Phụ nữ Trung Quốc chẳng mặn mà đường chồng con, bài toán dân số của Bắc Kinh rối như tơ vò - Ảnh 3.

Cô dâu - chú rể trong một đám cưới truyền thống tại Trung Quốc. (Ảnh: Buro).

Do đâu phụ nữ Trung Quốc ngại chồng con?

Ông Shen cho hay: "Trong nhiều thập kỷ qua, các gia đình ở thành thị Trung Quốc đã trở nên giàu có hơn và tích lũy được khối tài sản lớn. Và do chính sách một con của Bắc Kinh, một phần của cải đó hiện thuộc thuộc sở hữu của những phụ nữ trẻ thành thị".

"Điều này đã dẫn đến một thực tế khách quan, một xu hướng mới. Một nửa hoặc một bộ phận lớn các gia đình đã chuyển sang ủng hộ quyền lợi của những người phụ nữ trẻ, đặc biệt là về quan điểm hôn nhân và sinh con", ông Shen lập luận.

"Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ học vấn tốt và độc lập về tài chính. Họ ngang bằng hoặc thậm chí vượt trội so với nam giới cùng tuổi. Tất cả yếu tố trên đã làm thay đổi thái độ và giá trị của nữ giới, từ đó tạo ra tác động lớn đến xã hội, đặc biệt là trên phương diện dân số", cây bút có tiếng nói tiếp.

SCMP dẫn lời ông Shen Jiake cho hay, những điều ông vừa đề cập chính là thế tiến thoái lưỡng nan mà các chính sách dân số và bình đẳng giới của Trung Quốc đang phải đối mặt.

Ông Shen giải thích, người ban hành và thực hiện chính sách chủ yếu là nam giới. Do đó, nhiều chính sách được đưa ra để khuyến khích nữ giới kết hôn và sinh con nhưng lại không thực hiểu và phù hợp với nhu cầu sâu xa của phụ nữ trẻ.

Chẳng hạn, một quy định mới vừa chính thức có hiệu lực hồi năm ngoái, các cặp đôi muốn ly hôn phải "hòa giải" trong 30 ngày. Ngoài ra, các biện pháp kéo dài thời gian thai sản có trả lương cho nữ giới cũng có thể làm tăng sự phân biệt đối xử mà phụ nữ phải đối mặt tại nơi làm việc.

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 12, một số nhà kinh tế và nhà nhân khẩu học nổi tiếng tại Trung Quốc như Ren Zeping, Liang Jianzhang và Huang Wenyuan đã đề xuất một số chính sách nhằm khuyến khích tỷ lệ sinh sản tăng lên nhưng tác động của các đề xuất này chẳng khác nào "muối bỏ bể" vì quá thiếu sức ảnh hưởng.

Khả Nhân