|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuỗi sự kiện khác thường cho thấy nét tương đồng giữa kinh tế Trung Quốc và một bong bóng từ thế kỷ 19

19:34 | 30/12/2021
Chia sẻ
Giáo sư Đại học Thanh Hoa danh tiếng xâu chuỗi những sự kiện tưởng chừng không liên quan để minh họa tình thế nguy hiểm của kinh tế Trung Quốc.
Sự tương đồng giữa Trung Quốc và bong bóng kinh tế Peru thế kỷ 19 - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trung Quốc đang cắt giảm chi tiêu thông thường của chính phủ bằng cách giảm lương công chức. (Ảnh: AP/Reuters/Nikkei Asia).

Bài đăng trên mạng xã hội được viết bởi một nhân viên của chính quyền thành phố Hàng Châu đã trở thành chủ đề bàn tán nóng hổi tại Trung Quốc.

"Nghe này. Lương bổng hàng năm của tôi sẽ giảm khoảng 25%, tức là mỗi năm tôi sẽ mất khoảng 50.000 nhân dân tệ (7.850 USD). Thế này thì tôi sống làm sao?", cô viết.

Điều khiến mọi người chú ý không phải là mức cắt giảm lớn. Ngược lại, dân mạng kinh ngạc khi biết một công chức ở thủ phủ tỉnh Chiết Giang có thu nhập hàng năm lên tới 200.000 nhân dân tệ dù không thuộc hàng lãnh đạo. Rõ ràng cô ấy được trả lương cao hơn nhân viên bình thường tại các công ty vừa và nhỏ ở Chiết Giang và công chức ở tỉnh khác.

Sau khi nảy sinh vấn đề, bài đăng đã bị xóa bỏ nhưng không thể ngăn được những lời bàn tán. 

Theo Nikkei Asia, Trung Quốc không có thông báo chính thức nào về việc giảm lương công chức. Nhưng việc cắt giảm lương mạnh tương tự ở các tỉnh thành giàu có như Quảng Đông, Giang Tô, Thượng Hải và Thiên Tân cũng đã lộ ra. Lương công chức ở Thiên Tân bị cắt giảm khoảng 20%. Thượng Hải có trường hợp lương bị giảm tới hơn 20%.

Trong khi đó tại Hàng Châu, một vụ việc khác đã thu hút sự quan tâm lớn. Cơ quan thuế địa phương đã phạt "nữ hoàng livestream" Huang Wei số tiền kỷ lục 210 triệu USD vì trốn thuế.

Thoạt nhìn, việc lương công chức bị cắt giảm và sự trừng phạt một người nổi tiếng vì trốn thuế có vẻ không liên quan đến nhau. Nhưng kỳ thực chúng có mối liên kết. Ông Sun Liping, Giáo sư xã hội học tại Đại học Thanh Hoa, ngôi trường Chủ tịch Tập Cận Bình từng theo học, gần đây đã trình bày một phân tích sắc nét về tình hình hiện nay.

Ông viết một chuỗi bài kết nối việc phạt thuế cô Huang Wei, cắt giảm lương công chức, vấn đề thuế bất động sản và "thuế giả" ở Bá Châu – thành phố ở tỉnh Hà Bắc gần đây đã vi phạm quy định vì đánh thuế doanh nghiệp nhằm chi trả "chi phí thủ tục".

Sự tương đồng giữa Trung Quốc và bong bóng kinh tế Peru thế kỷ 19 - Ảnh 2.

Nữ hoàng livestream Huang Wei, được biết đến với tên gọi Viya. (Ảnh: Getty Images).

Ông Sun so sánh tình hình hiện tại của Trung Quốc với sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng guano tại Peru thế kỷ 19.

Vào thời điểm đó guano – loại phân chim biển rất dồi dào ở các hòn đảo Peru – được sử dụng cực kỳ phổ biến ở châu Âu để làm phân bón. Guano được khai thác với số lượng lớn và xuất khẩu sang châu Âu. 

Lợi nhuận khổng lồ từ guano giúp kinh tế Peru bùng nổ, sự phát triển của cơ sở hạ tầng xã hội cũng diễn ra nhanh chóng. Trong nền kinh tế bong bóng này, chính phủ và quân đội Peru trở nên cồng kềnh và chi phí phình to.

Cuối cùng, trữ lượng guano cũng cạn. Nhưng chính phủ Peru không thể nhanh chóng cắt giảm số lượng công chức và các dự án cơ sở hạ tầng cần thêm kinh phí. Mọi người không thể từ bỏ thói quen xa hoa một cách nhanh chóng. Kết quả, tài chính của Peru sụp đổ và chính phủ phải đánh thuế nặng.

Giáo sư Sun không trực tiếp ví tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc trong quá khứ với bong bóng của Peru. Nhưng ông chỉ ra rằng những gì đang xảy ra ở Trung Quốc không khác so với sự kiện lịch sử này.

Ông ám chỉ rằng nền kinh tế Trung Quốc ngày nay cũng có "thuật giả kim" tương tự như Peru bán guano, đó là việc bán quyền sử dụng đất của chính quyền địa phương.

Khi giá nhà trên đà tăng, chính quyền địa phương có thể kiếm được nguồn thu khổng lồ bất cứ lúc nào bằng cách bán quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước cho các nhà phát triển bất động sản.

Chính quyền địa phương dựa vào khoản thu từ đất để tăng số lượng nhân viên, lương thưởng và phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng thuật giả kim vô cùng tiện lợi này đang sụp đổ khi thị trường bất động sản xuống dốc.

Sự tương đồng giữa Trung Quốc và bong bóng kinh tế Peru thế kỷ 19 - Ảnh 3.

Khu phức hợp nhà ở Evergrande Metropolis ở tỉnh Giang Tô. (Ảnh: Getty Images).

Như những gì khủng hoảng của Evergrande cho thấy, mô hình phát triển theo chủ nghĩa mở rộng phi thường đã kết thúc.

Đó là lý do Bá Châu phải viện đến "thuế giả", lương công chức bị cắt giảm, nữ hoàng livestream bị phạt nặng và Trung Quốc phải cân nhắc đánh thuế bất động sản.

Trong chuỗi bài, Giáo sư Sun cảnh báo: "Thuế càng cao thì sức sống của đất nước càng giảm. Dưới sức nặng của thuế má cao, nền kinh tế và xã hội dần hụt hơi, cuối cùng dẫn đến khủng hoảng kinh tế".

Giang