|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc mất 100 tỷ USD mỗi năm vì thiếu nước, châu Á nên thấy sợ?

09:03 | 30/12/2021
Chia sẻ
Ngoài nhân khẩu học suy giảm, bầu không khí chính trị căng thẳng, cải cách kinh tế đình trệ, vấn đề khiến lãnh đạo Trung Quốc đau đầu nhất có lẽ là tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt. đặc biệt là nước.
Trung Quốc cạn kiệt nước: Châu Á nên thấy sợ? - Ảnh 1.

(Thuyền trên cạn. Ảnh: AFP).

Tự nhiên và địa chính trị có thể tương tác với nhau theo cách nguy hiểm. Sử gia Geoffrey Parker lập luận rằng sự thay đổi mẫu hình thời tiết đã thúc đẩy chiến tranh, cách mạng và biến động trong cuộc khủng hoảng toàn cầu kéo dài trong thế kỷ 17.

Gần đây hơn, biến đổi khí hậu đã mở ra những con đường thương mại, tài nguyên và sự cạnh tranh mới ở Bắc Cực. Giờ đây Trung Quốc, siêu cường thứ hai thế giới đang cạn kiệt nguồn nước theo những cách có thể gây ra xung đột trong và ngoài nước.

Tài nguyên thiên nhiên luôn là yếu tố quan trọng tới quyền lực toàn cầu và kinh tế. Trong thế kỷ 19, một đất nước nhỏ - Anh – vượt lên phía trước nhờ trữ lượng than dồi dào cho phép nước này theo đuổi Cách mạng Công nghiệp. Sau đó Anh lại bị qua mặt bởi Mỹ khi nước này khai thác những vùng đất canh tác và trữ lượng dầu khổng lồ cùng các nguồn tài nguyên khác để trở thành siêu cường kinh tế.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng tương tự. Cải cách mở cửa, hệ thống thương mại toàn cầu hoan nghênh thành viên mới và nhân khẩu học tốt đã giúp Bắc Kinh tăng trưởng thần tốc từ cuối những năm 1970 đến đầu 2000.

Việc Trung Quốc khi đó gần như tự cung tự cấp về đất, nước và nhiều nguyên liệu thô khác – và lao động giá rẻ giúp nước này mạnh tay khai thác những tài nguyên đó – cũng có công biến Trung Quốc thành công xưởng của thế giới.

Nhưng ông Hal Brands, học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và cộng sự Michael Beckley cho rằng Trung Quốc không còn dư dả tài nguyên thiên nhiên sau khi đã sử dụng rất nhiều nguồn lực.

Một thập kỷ trước, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Diện tích đất canh tác của nước này ngày càng thu hẹp do đất bị xuống cấp và khai thác quá mức.

Sự phát triển vượt bậc biến Trung Quốc thành nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới: Khoảng 3/4 lượng dầu mỏ nước này tiêu thụ được mua từ nước ngoài trong khi Mỹ trở thành nước xuất khẩu năng lượng ròng.

Tình hình nguồn nước của Trung Quốc đặc biệt nghiêm trọng. Ông Gopal Reddy, nhà sáng lập tổ chức nghiên cứu Ready for Climate chỉ ra rằng Trung Quốc chiếm 20% dân số thế giới nhưng chỉ sở hữu 7% lượng nước nước ngọt toàn cầu. Nhiều khu vực, đặc biệt là ở phía bắc, chịu cảnh khan hiếm nước tồi tệ hơn so với ở Trung Đông khô cằn.

Hàng nghìn con sông đã biến mất, công nghiệp hóa và ô nhiễm làm vấy bẩn những dòng nước khác. Theo một số ước tính, 80 đến 90% nước ngầm và nước sông của Trung Quốc quá bẩn để uống; trong khi đó hơn một nửa lượng nước ngầm và một phần tư lượng nước sông thậm chí không thể được sử dụng cho công nghiệp hoặc nông nghiệp.

Đây là một rắc rối đắt đỏ. Trung Quốc đang phải chuyển nước từ các vùng tương đối ẩm ướt sang phía bắc khô hạn. Các chuyên gia ước tính Trung Quốc mỗi năm mất hơn 100 tỷ USD vì khan hiếm nước.

Thiếu hụt nước và hoạt động nông nghiệp không bền vững đang gây ra sa mạc hóa nhiều vùng đất. Tình trạng thiếu hụt năng lượng liên quan đến nước đã trở nên phổ biến trên toàn quốc.

Trung Quốc mất 100 tỷ USD mỗi năm vì thiếu nước, châu Á nên thấy sợ? - Ảnh 2.

Trung Quốc xếp thứ 114 thế giới về trữ lượng nước ngọt bình quân đầu người năm 2017.

Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy tiết kiệm và cải thiện năng suất sử dụng nước, nhưng chưa có biện pháp nào đủ để giải quyết vấn đề. Tháng này, quan chức Trung Quốc cảnh báo Quảng Châu và Thâm Quyến - hai thành phố lớn ở Đồng bằng Châu Giang tương đối giàu nước - sẽ đối mặt với hạn hán nghiêm trọng trong năm tới.

Tác động kinh tế và chính trị của tình trạng trên rất đáng lo ngại. Rắc rối tài nguyên cùng hàng loạt thách thức khác như dân số suy giảm, môi trường chính trị căng thẳng, sự đình trệ của nhiều cải cách kinh tế quan trọng đều làm cho Trung Quốc ngày càng khó tăng trưởng.

Các vấn đề này đã khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc và tạo ra các tác động rõ rệt ngay cả trước khi COVID-19 tấn công. Kết cấu xã hội của Trung Quốc sẽ bị thử thách khi các cuộc chiến phân phối gia tăng do nguồn lực cạn kiệt.

"Đấu tranh vì nước hoặc chết"

Năm 2005, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố rằng thiếu hụt nước đe dọa "sự sống còn của đất nước Trung Quốc". Một bộ trưởng về tài nguyên nước khẳng định Trung Quốc phải "đấu tranh vì từng giọt nước hoặc chết". Tuy những lời này có phần cường điệu, nhưng thiếu hụt tài nguyên và bất ổn chính trị thường song hành với nhau.

Căng thẳng đối ngoại có thể theo sau. Các nhà quan sát Trung Quốc lo rằng nếu cảm thấy bất an về nội địa thì Bắc Kinh có thể trở nên hung hăng hơn với các đối thủ quốc tế. Dù điều này chưa xảy ra thì rắc rối nước cũng đang gây ra xích mích địa chính trị.

Phần lớn nước ngọt của Trung Quốc tập trung ở những khu vực có lịch sử phức tạp như Tây Tạng. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã giải quyết thách thức tài nguyên của mình bằng những cách khiến láng giềng không hài lòng.

Với việc xây hàng loạt con đập trên sông Mekong, Bắc Kinh đã gây ra hạn hán và lũ lụt tại các nước Đông Nam Á phụ thuộc vào tuyến đường nước này như Thái Lan và Lào. Sự chuyển hướng của các con sông ở Tân Cương có tác động tiêu cực nặng nề tới vùng hạ lưu Trung Á.

Một nguyên nhân khiến căng thẳng ngày càng gia tăng ở khu vực Himalaya là kế hoạch của Trung Quốc nhằm xây siêu đập trước khi nước sông chảy sang Ấn Độ, khiến nước này và Bangladesh chịu thiệt.

Trung Quốc càng khát nước thì xung đột địa chính trị sẽ càng nghiêm trọng.

Giang