|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến lược đặc biệt giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng lên các trụ cột tài chính toàn cầu

07:54 | 22/12/2021
Chia sẻ
Bắc Kinh có chiến lược nước kép độc đáo để tác động đến các tổ chức đa phương làm nền tảng cho hệ thống tài chính toàn cầu như IMF hay World Bank.
Chiến lược đặc biệt của Trung Quốc để tăng cường ảnh hưởng lên các trụ cột tài chính toàn cầu - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: CGTN).

Sự phẫn nộ xoay quanh nghi vấn Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva khi còn làm việc ở World Bank đã thao túng dữ liệu để làm lợi cho Trung Quốc suýt nữa khiến bà mất việc.

Bất luận những cáo buộc trên là chính xác hay vu khống thì cũng không ai nghi ngờ quyết tâm của Trung Quốc trong việc đặt dấu ấn tại các tổ chức đa phương làm nền tảng cho hệ thống tài chính toàn cầu.

Ông Yu Jie, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Chatham House cho biết: "Trung Quốc muốn có tiếng nói lớn hơn và nhiều ghế hơn tại bàn hội thảo. Trung Quốc muốn tự gắn mác mình là lãnh đạo của phía nam bán cầu".

Tham vọng địa chính trị của Trung Quốc đã được tăng cường trong những tháng gần đây, từ cấm giao dịch tiền mã hóa trong lúc quảng bá đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cho đến các biện pháp trừng phạt thương mại nhắm vào những quốc gia có bất đồng.

Ví dụ, trong tháng này Trung Quốc đã dừng nhập hàng của Lithuanian sau khi nước này cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện trên lãnh thổ.

Song song với việc thúc đẩy quyền lực địa chính trị, Trung Quốc cũng theo đuổi tham vọng tài chính và ngoại giao tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức nằm trong trung tâm của hệ thống toàn cầu như IMF và World Bank.

Đặc biệt, Trung Quốc theo đuổi tham vọng bằng cách sử dụng địa vị khác thường: vừa là một nền kinh tế đang phát triển vừa là một siêu cường.

Ông Scott Morris, thành viên cấp cao của tổ chức nghiên cứu Center for Global Development nhận xét: "Thực sự chúng tôi chưa từng chứng kiến trường hợp nào như Trung Quốc. Trung Quốc có tầm quan trọng đặc biệt tại những tổ chức này, nhất là World Bank với tư cách là cổ đông, nhà tài trợ và khách hàng".

Đối với những nước nghèo nhất, Trung Quốc hiện là bên cho vay song phương lớn nhất thế giới, lớn hơn tất cả các bên cho vay song phương khác cộng lại.

Sáng kiến Một vàng đai, Một con đường hoành tráng cũng đã được cắt giảm và thay thế bằng kế hoạch có cái tên nhẹ nhàng hơn là Sáng kiến Phát triển Toàn cầu. Sáng kiến này được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9.

Nhà nghiên cứu Yu nhận xét trên đây là một trong những ví dụ cho thấy Trung Quốc nỗ lực tìm cách "vẹn cả đôi đường". 

Một mặt, Trung Quốc tìm kiếm sự tán thành của các tổ chức toàn cầu như Liên Hợp Quốc để thúc đẩy chương trình nghị sự và giành sự hỗ trợ, đặc biệt là từ các nước đang phát triển. Cái tên Sáng kiến Phát triển Toàn cầu "thậm chí còn không nghe giống như dự án của Trung Quốc", ông Yu bình luận.

Cùng lúc đó, khi tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh tại World Bank hay tổ chức khác bị cản trở, Trung Quốc nhanh chóng thành lập các cơ sở cạnh tranh như Ngân hàng Phát triển Mới tại Thượng Hải và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á.

Sự bực tức của Trung Quốc là điều dễ hiểu. Vai trò nổi bật của G20 trong khủng hoảng tài chính 2009 là sự thừa nhận muộn màng của phương Tây rằng Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi lớn khác xứng đáng có tiếng nói lớn hơn trong quản trị toàn cầu. Nhưng từ đó đến nay có rất ít thay đổi tại IMF hoặc World Bank. 

Theo Financial Times, dù Trung Quốc chiếm đến gần 1/5 kinh tế thế giới nhưng cổ phần của Trung Quốc tại IMF và World Bank chỉ vào khoảng 6%, nhỏ hơn cả Nhật Bản và gần bằng 1/3 so với Mỹ.

Nỗ lực cải cách hệ thống hạn ngạch tại IMF đã bị cản trở bởi Mỹ, Nhật Bản và cả các nước châu Âu, vì lo sợ bị giảm quyền lực. Còn về World Bank, công thức mà tổ chức này thiết kế sau khủng hoảng tài chính đáng ra sẽ tăng gấp đôi cổ phần của Trung Quốc lên 12%.

Nhưng thời điểm đề xuất này được công bố là trong giai đoạn chính quyền Tổng thống Donald Trump. Khi đó, quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi và kế hoạch bị đẩy lùi để xem xét lại. Căng thẳng giữa hai siêu cường lên đến đỉnh trong giai đoạn World Bank tăng vốn vào năm 2018.

Và 2018 cũng chính là thời điểm mà bà Georgieva, khi đó là Tổng Giám đốc World Bank, bị cáo buộc đã gây áp lực buộc cấp dưới nâng thứ hạng của Trung Quốc trong báo cáo thường niên Doing Business. Những người chỉ trích nói rằng bà Georgieva làm vậy để xoa dịu Bắc Kinh sau khi các nước khác không cho phép tăng cổ phần của Trung Quốc.

Trung Quốc đạt được nhiều thành công hơn tại Liên Hợp Quốc. Trong 20 năm qua, đóng góp của Trung Quốc đi từ 1% lên 12%, đứng ở vị trí thứ hai. Trong khi đó, đóng góp của Mỹ sụt giảm từ 25% xuống 22%.

Các công dân Trung Quốc hiện đứng đầu 4 tổ chức của Liên Hợp Quốc, bao gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, Liên minh Viễn thông Quốc tế, ngang hàng với Mỹ. Trung Quốc đạt được tầm ảnh hưởng này với chi phí tương đối thấp.

Năm 2019, Trung Quốc góp 368 triệu USD cho ngân sách chung của Liên Hợp Quốc, bằng 55% số tiền Mỹ cung cấp, theo The Economist.

Chiến lược đặc biệt của Trung Quốc để tăng cường ảnh hưởng lên các trụ cột tài chính toàn cầu - Ảnh 2.

Ông Augusto Lopez-Claros, Giám đốc điều hành Global Governance Forum nhận xét: "Khá khen cho Trung Quốc vì hiểu được rằng với số tiền tương đối ít họ cũng có thể trở thành người chơi quan trọng trong sân chơi quốc tế. Trung Quốc hiểu điều này rõ hơn người Mỹ".

Chiến lược đặc biệt của Trung Quốc để tăng cường ảnh hưởng lên các trụ cột tài chính toàn cầu - Ảnh 3.

Phân tích của của Center for Global Development về vai trò ngày càng lớn Trung Quốc trong các tổ chức đa phương và các ngân hàng phát triển khác cho thấy Bắc Kinh đã tự khẳng định mình mỗi khi có thể trong các tổ chức đó.

Nhưng vì vẫn được chính thức phân loại là "nước đang phát triển" nên Trung Quốc vẫn nhờ đến các tổ chức này để được giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật.

Ông Morris của Center for Global Development cho biết: "Trung Quốc chưa hề nao núng trong việc sử dụng tư cách là nước đang phát triển. Đây thực sự là tình huống đặc biệt. Ấn Độ và các nước mới nổi khác cũng vay mượn rất nhiều nhưng không có vị thế cường quốc thế giới".

Giang