|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đầu tư cho ngoại giao của Trung Quốc đi xuống trong khi tham vọng toàn cầu đi lên

10:30 | 15/12/2021
Chia sẻ
Đội ngũ nhà ngoại giao đứng đầu trong tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của của Trung Quốc trên trường quốc tế. Nhưng trong khi đối thủ chính là Mỹ tăng cường chi tiêu ở nước ngoài thì Bắc Kinh lại làm điều ngược lại.
Đầu tư cho ngoại giao của Trung Quốc đi xuống trong khi tham vọng toàn cầu đi lên - Ảnh 1.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang cố gắng tranh giành tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. (Hình minh họa: Perry Tse/SCMP).

Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố ngoại giao của Trung Quốc phải phục vụ cho tầm nhìn về "thời đại mới" để đạt được "sự hồi sinh vĩ đại của đất nước". Mấu chốt trong tầm nhìn của ông Tập là Trung Quốc sẽ sống sót qua thời kỳ biến động chưa từng có do chia rẽ về tư tưởng và địa chính trị ngày càng gia tăng với Washington.

Ngoại trưởng Vương Nghị củng cố thông điệp này vào tháng 7. Đứng trước các cán bộ ngoại giao, ông tuyên bố: "Chúng ta đang đứng trên thời điểm mới trong lịch sử. Chúng ta phải đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp về địa chính trị hơn, trách nhiệm của chúng ta càng lớn và sứ mệnh càng khó khăn hơn trước".

"Chúng ta phải hình thành đội quân ngoại giao sắt đá, các cán bộ có ý chí chính trị bất khuất, quyết tâm không gì lay chuyển nổi, năng lực cao cùng bản lĩnh vững vàng để mở ra trang mới cho ngoại giao với đặc điểm của Trung Quốc trong thời đại mới".

Nhưng năm 2020, Trung Quốc lại chấm dứt đà tăng của chi tiêu cho ngoại giao. Năm ngoái, Bắc Kinh cắt giảm 16,5% chi tiêu thực tế cho các hoạt động đối ngoại xuống còn 51,4 tỷ nhân dân tệ (8,1 tỷ USD).

Năm 2019, tài trợ của Trung Quốc dành cho Bộ Ngoại giao tăng 5,5%. Năm trước đó, Trung Quốc tăng 12,3% cho chi tiêu ngoại giao lên 58,3 tỷ nhân dân tệ.

Đầu tư cho ngoại giao của Trung Quốc đi xuống trong khi tham vọng toàn cầu đi lên - Ảnh 2.

Số liệu năm 2016 không được báo cáo.

Việc cắt giảm chi tiêu cho đối ngoại phù hợp với những lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo và chính phủ là "thắt lưng buộc bụng", báo cáo trình lên Quốc hội Trung Quốc viết.

Ngược lại, Tổng thống Joe Biden đã tăng cường sức mạnh ngoại giao của Mỹ cùng với thông điệp "Nước Mỹ đã trở lại" sau khi nước này rút lui khỏi các vấn đề đối ngoại dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.

Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn yêu cầu của ông Biden là cấp 58,5 tỷ USD trong năm tài chính hiện tại -  tương ứng mức tăng 10% - cho hai trụ cột chính sách đối ngoại của nước này là Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (US AID).

Trong dự thảo ngân sách hồi tháng 5, ông Biden nói rõ rằng "ngoại giao sẽ một lần nữa là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và Mỹ sẽ một lần nữa trở thành nhà lãnh đạo trên trường thế giới".

Washington hứa sẽ quyên góp 580 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho thế giới. Trung Quốc nói sẽ cung cấp 2 tỷ liều, nhưng không rõ bao nhiêu trong số đó là để quyên tặng.

Tuy Bắc Kinh đẩy mạnh ngoại giao vắc xin nhưng các khoản đầu tư cho Sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc đã sụt giảm tới 54% so với năm 2019, xuống còn 47 tỷ USD vào năm ngoái. Theo tổ chức nghiên cứu Green BRI, đây là số tiền thấp nhất kể từ khi chương trình cơ sở hạ tầng này được công bố vào năm 2013. 

Ngoài tác động của COVID-19, Bắc Kinh đã trở nên thận trọng hơn trong việc phát triển các dự án ở nước ngoài.

Việc nuôi dưỡng thế hệ nhà ngoại giao tiếp theo của Trung Quốc cũng chuyển hướng theo cách không mấy khích lệ. Chỉ 142 sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng vào Bộ Ngoại giao trong năm nay - con số thấp nhất kể từ 2012.

Tuy có 170 chỗ trống được mở ra vào năm sau, trung bình số nhân viên được tuyển dụng hàng năm nằm trong khoảng 142 đến 217, chạm đỉnh vào năm 2019.

Đầu tư cho ngoại giao của Trung Quốc đi xuống trong khi tham vọng toàn cầu đi lên - Ảnh 3.

Các tân binh sẽ được bổ sung vào đội ngũ nhân viên ước tính 10.000 người của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, theo nghiên cứu của Giáo sư Wang Chunying thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc.

Trong khi đó tại Washington, 500 "lính mới" sẽ gia nhập vào hàng ngũ công chức ngoại giao và dân sự trong năm nay, cộng thêm 70 người tập trung vào "an ninh y tế toàn cầu" chuyên giám sát nỗ lực phân bổ vắc xin COVID-19 cho quốc tế. Những nhân viên này là sự bổ sung cho đội ngũ 13.790 người trong bộ phận dịch vụ đối ngoại của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tuy năng lực ngoại giao và tầm ảnh hưởng của một nước không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng nhà ngoại giao, các chuyên gia đối ngoại Trung Quốc đã cảnh báo về sự chênh lệch giữa số lượng nhân viên và tham vọng toàn cầu của nước này.

Hồi năm 2017, ông Wang Yizhou, Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh cảnh báo chính phủ sẽ cần tăng cường số lượng nhà ngoại giao để đáp ứng cho nhiều mục tiêu chính sách đối ngoại.

Ông Wang kỳ vọng đội ngũ ngoại giao sẽ được mở rộng vì Trung Quốc cần tránh xung đột với các nước khác trong bối cảnh "nhiều bất ổn địa chính trị" và "kỳ vọng ngày càng tăng từ các quốc gia khác vào Trung Quốc".

"Nhu cầu dành cho nhà ngoại giao Trung Quốc đã đạt đến đỉnh cao chưa từng có", ông nhấn mạnh.

South China Morning Post (SCMP) cho biết ngoài số lượng nhân viên thì chất lượng cũng là điều khiến các chuyên gia Trung Quốc lo ngại. 

Ông Peng Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Hải dương Trung Quốc nhận xét: "Mạng lưới quốc tế và phạm vi hoạt động ngoại giao của chúng ta đang tiến lên. Điều chúng ta thực sự phải cải thiện về ngoại giao là thúc đẩy tính chuyên nghiệp. Trung Quốc cần các cán bộ cống hiến toàn sự nghiệp cho lĩnh vực đối ngoại, chứ không chỉ là những người luân chuyển từ các bộ ngành khác vào".

Mối lo khác là sự trỗi dậy của Ngoại giao Chiến lang – cách tiếp cận mạnh bạo, không nể nang trong quan hệ quốc tế.

Bà Sun Yun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington cho rằng nội dung mà Bắc Kinh nỗ lực truyền tải và cấu trúc của chính phủ Trung Quốc tạo ra khó khăn cố hữu cho chính sách ngoại giao của nước này.

"Tôi nghĩ chủ trương "kể các câu chuyện đẹp về Trung Quốc" chỉ là một mặt của đồng xu, mặt còn lại là Ngoại giao Chiến lang".

"Tôi nghĩ các nhà ngoại giao Trung Quốc gặp khó khăn bởi sự khác biệt với hệ thống dân chủ mà Mỹ đề cao là giá trị phổ quát. Ngoài ra còn có trở ngại ngôn ngữ vì tiếng Anh là ngôn ngữ chính thống của nhiều nước nhưng tiếng Trung chỉ dành cho Trung Quốc".

Giang