Ngoại giao vắc xin có thể sinh lợi lâu dài cho Trung Quốc sau COVID-19
Theo Bloomberg, dại dịch đã biến Trung Quốc thành nước xuất khẩu vắc xin COVID-19 lớn nhất, chủ yếu bán cho các nước không đủ điều kiện để mua vắc xin Mỹ hoặc châu Âu. Giờ Trung Quốc đang tận dụng đòn bẩy mới này để thúc đẩy bước tiến ra thị trường quốc tế của những loại vắc xin chống lại các bệnh khác như viêm não Nhật Bản và viêm phổi, cạnh tranh với những gã khổng lồ như Pfizer và Merck.
Nghiên cứu cho thấy vắc xin COVID-19 của Trung Quốc kém hiệu quả hơn một số loại phương Tây, ví dụ như vắc xin của Pfizer và Moderna. Tuy nhiên, những quốc gia đang phát triển có ít khả năng tiếp cận với các loại vắc xin khác nhiều khả năng sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào doanh nghiệp Trung Quốc cho các loại vắc xin chống những căn bệnh khác.
Sự mở rộng này đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ cho ngành dược phẩm của Trung Quốc và có thể mang lại cho các quốc gia nghèo khả năng tiếp cận với các vắc xin rẻ hơn. Đồng thời, việc này cũng sẽ giúp cho chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình giành được nhiều quyền lực mềm hơn trên toàn cầu.
Ví dụ, Tổng thống Serbia đã nói rằng ông Tập có thể được tạc tượng ở thủ đô Belgrade vì cung cấp cho nước này hơn 4 triệu liều vắc xin COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương như ngành thép và hậu thuẫn địa chính trị.
Hãng dược Sinopharm của Trung Quốc là đối tác trong nhà máy rộng lớn đang được xây dựng gần Belgrade. Thủ tướng Serbia cho biết nhà máy này "sẽ chế tạo được vắc xin cho những căn bệnh khác, không chỉ để dùng cho Serbia mà còn phục vụ xuất khẩu".
Tại Morocco, công ty Walvax Biotechnology của Trung Quốc đang bán vắc xin chống lại bệnh viêm phổi ở trẻ em. Các công ty Trung Quốc khác bán các loại vắc xin từ cúm đến viêm gan đến các quốc gia như Indonesia và Ai Cập, dựa trên thành công của xuất khẩu vắc xin COVID-19.
Ông Thomas Bollyky, Giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Hội đồng quan hệ Quốc tế cho biết: "Trong lịch sử, Trung Quốc không phải nước xuất khẩu vắc xin, do đó sự chuyển biến giữa dại dịch này là một trong những điều COVID-19 đã thay đổi thế giới. Đại dịch đã biến Trung Quốc thành người chơi lớn về vắc xin theo cách chưa từng có, và tôi ngờ rằng sự thay đổi này là vĩnh viễn".
COVID-19 đã cho thấy ngành dược Trung Quốc có thể hành động nhanh đến mức nào. Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 1,5 tỷ liều vắc xin trên toàn cầu. Tính đến cuối tháng 9, Sinovac là nhà cung ứng vắc xin số 1 thế giới với tổng cộng 1,9 tỷ liều vắc xin bán ra trong nước và quốc tế, vượt qua con số 1,5 tỷ liều của Pfizer, theo Bloomberg.
Sự quyết tâm đó được thể hiện rõ tại Walvax, công ty công nghệ sinh học được thành lập năm 2001 ở thành phố Côn Minh, Trung Quốc.
Vài năm trước, Phó Chủ tịch Huang Zhen của Walvax hăm hở với việc thách thức vị trí số một của Pfizer trong lĩnh vực vắc xin phế cầu ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em. Hàng năm, loại vắc xin này đem lại cho Pfizer doanh thu 5,8 tỷ USD.
Đối với Walvax, việc đẩy nhanh các cuộc thử nghiệm cho vắc xin của công ty là một nỗ lực tốn kém. Ông Huang hứa sẽ thanh lý cổ phiếu của mình và trang trải chi phí 75 triệu nhân dân tệ (11,7 triệu USD) nếu việc phát triển thất bại.
Walvax tung ra vắc xin đối thủ với Prevnar 13 của Pfizer tại Trung Quốc vào năm 2020. Công ty định giá 598 nhân dân tệ/liều, thấp hơn khoảng 15% so với Pfizer. Kể từ đó, Pfizer đã mất hơn 40% thị phần vắc xin phế cầu ở Trung Quốc, theo dữ liệu chính phủ.
Phó Chủ tịch Huang dự đoán công ty sẽ đạt thành công tương tự tại các nước đang phát triển, những nơi khó mua được Prevnar 13. Ông tự tin: "Trong 5 đến 10 năm nữa, một số công ty Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ nặng ký trên toàn cầu. COVID-19 đã bộc lộ tiềm năng của các nhà sản xuất vắc xin Trung Quốc."
Sinovac cũng đang xây dựng danh mục vắc xin, bao gồm một số loại phòng thủy đậu và bại liệt đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem xét.
Sinopharm đã và đang bán vắc xin chống viêm não Nhật Bản tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Để có được chỗ đứng toàn cầu cho các loại vắc xin, doanh nghiệp Trung Quốc thường ra giá rẻ hơn các hãng dược phương Tây, đồng thời tìm cách xin chứng nhận tiền thẩm định (prequalification) của WHO. Loại chứng nhận này được đông đảo chính phủ các nước nghèo công nhận là đủ đảm bảo cho độ an toàn và hiệu quả của dược phẩm.
Tuy không hiệu quả bằng một số sản phẩm phương Tây, nhưng các nghiên cứu cũng chứng tỏ rằng vắc xin COVID-19 của Trung Quốc là an toàn, Bloomberg cho biết. Sinovac nhiều lần tuyên bố vắc xin của công ty giảm số trường hợp phải nhập viện và tử vong tới hơn 80%.
Doanh nghiệp Trung Quốc cũng nói rằng đại dịch đã dạy cho họ các bài học quan trọng về việc quản lý các thử nghiệm quốc tế và tuân theo các quy trình khoa học. Phó Chủ tịch Huang của Walvax cho biết: "Chúng tôi đang học hỏi từ Pfizer, từ Moderna, để thực hiện các quy trình một cách nghiêm ngặt và theo cùng tiêu chuẩn như họ".
Đại dịch cũng cho thấy rằng vắc xin có thể là cứu cánh cho các quốc gia nghèo, ngay cả khi chúng không phải phải loại có hiệu quả nhất. Doanh nghiệp Trung Quốc đã tham gia cung cấp hàng trăm triệu liều vắc xin COVID-19 cho chương trình Covax của WHO khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu.
Một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Tương tác châu Phi của Đại học Western Australia nhận xét: "Nếu châu Phi trở thành lục địa khỏe mạnh hơn và thịnh vượng hơn nhờ Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ rộng đường tiến vào".