|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Loạt startup Trung Quốc vào danh sách đen, từ nay sẽ không còn được lách luật để gọi vốn nước ngoài

10:17 | 11/12/2021
Chia sẻ
Theo báo cáo, nhiều startup và các ông lớn trong những lĩnh vực nhạy cảm đang sử dụng mô hình VIE sẽ bị chính quyền Trung Quốc hạn chế gọi vốn từ nước ngoài.

Trung Quốc đang chuẩn bị công bố một danh sách đen có thể gây khó cho các startup công nghệ trong việc huy động vốn từ các kênh nước ngoài, qua đó nhằm hạn chế vai trò của các cổ đông nước ngoài vào thế hệ doanh nghiệp tiếp theo của đất nước, theo Financial Times.

Trung Quốc lập danh sách đen hạn chế startup công nghệ gọi vốn từ nước ngoài - Ảnh 1.

Ngay cả gã khổng lồ Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng sử dụng mô hình VIE. (Ảnh: Financial Times).

Danh sách đen nhắm vào các công ty sử dụng mô hình VIE

Danh sách đen đồng thời sẽ nhắm mục tiêu vào các công ty mới trong các lĩnh vực nhạy cảm, ví dụ như những lĩnh vực liên quan đến dữ liệu hay bảo mật. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại không mong đợi những thay đổi đó sẽ được áp dụng cho các công ty hiện tại.

Danh sách đen của Trung Quốc cũng nhắm đến các startup tìm cách huy động vốn thông qua mô hình sở hữu đặc biệt (Variable Interest Entity, gọi tắt là VIE). VIE là một mô hình đặc biệt được nhiều công ty công nghệ áp dụng, bao gồm cả Tencent và Alibaba để huy động hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư quốc tế.

Danh sách này đang được các cơ quan chức năng Trung Quốc, gồm các nhà hoạch định chính sách, Bộ Thương mại, Cơ quan Quản lý Chứng khoán và Ngân hàng Trung ương lập ra trong bối cảnh năm 2021 chứng kiến chính quyền Bắc Kinh thắt chặt quy định với các công ty công nghệ.

Mặc dù danh tính cụ thể chưa được tiết lộ, nhưng theo một số chuyên gia, phần lớn trong số đó sẽ nhắm vào startup công nghệ cùng các công ty hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm. Mỹ từng áp dụng cách tương tự để hạn chế sự đầu tư từ Trung Quốc vào các startup ở Thung lũng Silicon.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã chỉ trích các tập đoàn internet lớn của nước này tập trung vào việc cạnh tranh lẫn nhau thay vì giúp đất nước bắt kịp Mỹ về chất bán dẫn hay các công nghệ tiên tiến khác.

Nhiều cơ quan quản lý đã thực hiện các biện pháp chống độc quyền và bảo mật dữ liệu chống lại các ông lớn, bắt đầu từ gã khổng lồ fintech Ant Group của tỷ phú Jack Ma, công ty đã buộc phải hủy đợt IPO lớn nhất thế giới trong năm 2020.

Theo một số nguồn tin, danh sách đen không nhằm mục đích gây ảnh hưởng tới các startup và công ty đang sử dụng mô hình VIE. Thay vào đó, danh sách này nhằm mục đích đảm bảo rằng những đơn vị dẫn đầu thị trường Trung Quốc sẽ không bị chi phối với các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.

"VIE không chết hoàn toàn, nhưng về cơ bản, danh sách này phục vụ cho các mục đích trong tương lai. Trong tương lai, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đổ tiền vào các ngành công nghiệp truyền thống thay vì công nghệ", theo một số nguồn tin.

Mô hình VIE là gì?

Các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc đã chuyển sang mô hình VIE từ hai thập kỷ trước, nhưng các nhà chức trách vẫn chưa chính thức giải quyết các cấu trúc pháp lý phức tạp.

Hệ thống này cho phép các nhà đầu tư lớn như SoftBank của Nhật Bản hay Sequoia Capital China rót hàng tỷ USD từ quỹ hưu trí nước ngoài và quỹ tài sản có chủ quyền vào các công ty khởi nghiệp internet triển vọng nhất của Trung Quốc.

Cụ thể, công ty Trung Quốc sẽ mở một công ty bình phong ở thiên đường thuế, chẳng hạn như Quần đảo Cayman (thuộc Anh). Công ty Trung Quốc ký hợp đồng chia sẻ lợi nhuận và kiểm soát cho công ty bình phong. 

Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giữ cổ phần trong công ty bình phong và được chia sẻ lợi nhuận nhưng trên thực tế không nắm quyền sở hữu công ty tại Trung Quốc.

Trong số 241 công ty Trung Quốc niêm yết tại New York, 79% sử dụng mô hình VIE để điều hành các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của họ, theo đánh giá của Financial Times về dữ liệu Capital IQ.

Không cấm công ty VIE niêm yết ở nước ngoài

Các nhà chức trách Trung Quốc có thể công bố danh sách đen ngay trong tháng này. Tuy nhiên, một số người trong ngành cho biết danh sách đen có thể phụ thuộc vào cách Mỹ xử lý các quy định mới đối với các công ty Trung Quốc đang niêm yết tại New York.

Cơ quan Quản lý Chứng khoán Trung Quốc cho biết thông tin nước này cấm các công ty sử dụng mô hình VIE tham gia IPO ở nước ngoài là không đúng sự thật, đồng thời nói thêm rằng họ cũng không thúc ép các công ty sử dụng mô hình này hủy niêm yết tại các sàn giao dịch quốc tế. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì từng được Bloomberg News đăng tải.

Chính quyền Trung Quốc đã cấm các công ty sử dụng mô hình VIE đầu tư vào lĩnh vực giáo dục của nước này trong năm nay. Các nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng tránh sử dụng cấu trúc này cho các ngành nhạy cảm nhất, chẳng hạn như các công ty quốc phòng hoặc công nghệ sinh học xử lý dữ liệu di truyền.

Một số luật sư và nhà đầu tư cho biết một danh sách đen như vậy có thể giúp hợp thức hóa hoàn toàn các hợp đồng pháp lý của các công ty đang sử dụng mô hình VIE nhằm điều chỉnh hàng trăm công ty công nghệ Trung Quốc.

Alex Roberts, một luật sư tại Linklaters ở Thượng Hải, cho biết chính phủ Trung Quốc đã cố gắng điều chỉnh mô hình VIE cách đây 6 năm, nhưng điều này vẫn chưa thể thực hiện.

"Cuối cùng, những điều chỉnh này đã bị gạt sang một bên. Lý do được đưa ra chủ yếu là vì lợi ích kinh tế và xã hội to lớn mà một số doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc", ông nói.

Quốc Anh