Giá cổ phiếu Grab giảm 21% ngay ngày đầu chào sàn, chuyên gia cảnh báo nguy cơ 'ngáo giá' của startup Đông Nam Á
Màn niêm yết trên sàn Mỹ được chờ đón của Grab thực tế lại biến thành một trải nghiệm "cay đắng" của công ty này khi giá cổ phiếu của Grab giảm tới gần 21% trong ngày giao dịch đầu tiên, theo Nikkei.
Diễn biến giá cổ phiếu Grab trong dài hạn vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, một nhà phân tích nói rằng cú giảm giá ban đầu của Grab là một lời "cảnh báo" tới các startup Đông Nam Á đang lên kế hoạch niêm yết tại nước ngoài rằng hãy hướng đến những mốc định giá thực tế hơn.
Cổ phiếu của Grab tăng ở thời điểm "chào sàn" giao dịch nhưng lại giảm sau đó. Giá trị vốn hoá của Grab đạt mốc 34,6 tỷ USD vào thời điểm sàn giao dịch đóng cửa hôm 2/12, thấp hơn khá nhiều so với mốc định giá 40 tỷ USD khi Grab sáp nhập với công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) Altimeter Growth.
"Grab có màn chào sàn thú vị nhưng sẽ không bao giờ dễ dàng với cách thực hiện niêm yết thông qua SPAC và biến thể mới của COVID-19 omicron xuất hiện", ông Angus Mackintosh, người sáng lập của CrossASEAN Research, chia sẻ.
Thực tế, biến thể mới của COVID-19 đã khiến sàn chứng khoán nhiều nơi trên thế giới lao đao kể từ khi xuất hiện. "Loại nhà đầu tư đầu tư vào SPAC không nhất thiết sẽ là một nhà đầu tư vào Grab trong dài hạn. Trong nhiều trường hợp, họ chỉ đầu tư ngắn hạn", ông nói thêm.
Justin Tang, giám đốc nghiên cứu Châu Á tại United First Partners, cho biết môi trường cạnh tranh ở Đông Nam Á là một lý do khác dẫn đến đợt bán tháo. Cạnh tranh từ các startup khác và các tổ chức tài chính lớn "sẽ hạn chế việc Grab mở rộng dễ dàng tại Đông Nam Á", ông nhấn mạnh.
Siêu ứng dụng Grab đang cung cấp đa dạng các dịch vụ tại Đông Nam Á, từ gọi xe, giao hàng đến tài chính. Công ty này nhấn mạnh vào tiềm năng tăng trưởng nhưng liên tục báo cáo những khoản lỗ lớn.
"IPO cũng liên quan đến thời điểm và may mắn như nhiều thứ khác. Thật không may, với chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nơi trên thế giới, thời điểm tốt nhất để thị trường Mỹ chấp nhận mù quáng mức định giá rất cao của các công ty công nghệ mới niêm yết đã qua", Jeffrey Halley, nhà phân tích cao cấp tại OANDA, nói. "Grab không may đến thị trường vào thời điểm tâm lý của nhà đầu tư là cẩn trọng và mong manh", ông nhận định.
Là một trong những startup nổi tiếng nhất Đông Nam Á đồng thời là công ty công nghệ Đông Nam Á thứ 2 niêm yết tại Mỹ, màn "chào sân" của Grab được giới đầu tư quan sát kỹ lưỡng bởi nó được xem là một chỉ báo với các màn IPO trong tương lai đến từ khu vực này.
Mặc dù đợt chào sàn của Grab không tích cực như kỳ vọng, ông Michael Lints, đối tác tại Golden Gate Ventures, vẫn tỏ ra tự tin rằng "chúng ta sẽ thấy nhiều đợt niêm yết thành công tại Đông Nam Á trong 12 tháng tới", với tiềm năng tăng trưởng ở Indonesia và Việt Nam.
Nguồn tin thân cận với Nikkei nói rằng GoTo, một đối thủ lớn của Grab, thực tế lại hy vọng Grab sẽ niêm yết thành công tại Mỹ vì điều này sẽ có tác động tích cực nói chung. GoTo đang lên kế hoạch IPO ở cả Indonesia và Mỹ vào năm tới. Startup này hướng tới mốc định giá 40 tỷ USD.
Một số nhà quan sát cũng đồng ý rằng việc nhiều công ty Đông Nam Á niêm yết tại các thị trường Phương Tây là một cách tốt để "giáo dục các nhà đầu tư Phương Tây" về tiềm năng của lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á.
Mặt trái là nếu Grab không cải thiện được giá cổ phiếu trong những tuần hoặc tháng tới, điều này sẽ xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư vào các công ty công nghệ Đông Nam Á.
"Tôi tin rằng startup Đông Nam Á cần tìm mức định giá thực tế hơn", ông Halley tại OANDA, chia sẻ. "Đưa ra các con số tài chính mờ nhạt xoay quanh một câu chuyện không còn che giấu được nhu cầu chứng minh con đường tới ổn định tài chính và lợi nhuận", ông nói.
Một câu chuyện cẩn trọng khác của các startup trong khu vực là Bukalapak, một sàn TMĐT điện tử niêm yết tại "sân nhà" trong đợt IPO lịch sử. Dù kết qủa kinh doanh đang cải thiện theo từng quý, Bukalapak hiện vẫn lỗ ròng. Trong 9 tháng đầu năm nay, Bukalapak lỗ ròng tới 76,8 triệu USD. Thêm vào đó, gía cổ phiếu của Bukalapak cũng đang giao dịch dưới mức giá IPO kể từ khi lên sàn vào đầu tháng 8.
Trong khi đó, Grab cho biết sẽ tập trung vào chiến lược dài hạn, bất chấp những biến động giá cổ phiếu trong ngắn hạn và áp lực thị trường.
"Giá có thể lên, giá có thể xuống. Không ai biết thị trường chứng khoán sẽ ra sao", ông Anthony Tan, CEO Grab, chia sẻ.
"Những gì chúng tôi quan tâm là chúng tôi tập trung 100% vào sứ mệnh, 100% tập trung vào chiến lược dài hạn và 100% vào thực thi chiến lược, công nghệ siêu ứng dụng", ông nói thêm.