|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Phó tướng' THP Trần Uyên Phương: Tôi tự hào được là phụ nữ!

17:05 | 02/05/2019
Chia sẻ
Chia sẻ tại Talkshow Nữ doanh nhân tại Diễn đàn kinh tế tư nhân hôm nay 2/5, nữ Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát - bà Trần Uyên Phương đã kể về ba cột mốc gây ấn tượng đậm nét nhất cho bà trong 25 năm tồn tại và phát triển của công ty gia đình này.
Phó tướng THP Trần Uyên Phương: Tôi tự hào được là phụ nữ! - Ảnh 1.

Bà Trần Uyên Phương tạo cảm hứng cho các nữ doanh nhân tại sự kiện Talkshow nữ doanh nhân, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức hôm nay 2/5. Ảnh: BTC.

Là diễn giả cuối cùng đăng đàn tại Talkshow, đại diện cho thế hệ 'doanh nhân thiên niên kỷ' và là thế hệ kế thừa tại các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, bà Phương - người con gái lớn của nhà sáng lập Trần Quí Thanh đã nói rằng động lực để công ty số 1 VN trong ngành giải khát đạt được vị thế này chính là tinh thần 'biến những điều không thể thành có thể', và 'không bỏ cuộc'.

Trong hành trình 38 năm sống cùng gia đình và 25 năm chứng kiến, tham gia làm việc và điều hành Tân Hiệp Phát, bà Phương cho biết có 3 trải nghiệm đậm nét nhất đại diện cho tinh thần 'không gì là không thể' mà công ty này theo đuổi.

'Trải nghiệm thứ nhất là vào năm 1994, sau khi thành lập, THP khó khăn muôn bề, nguồn lực thì hạn chế. Ba tôi, một kĩ sư cơ khí, đã quyết định mua lại dây chuyền phế thải đã bị cắt làm 3 mảnh của Bia Sai Gòn để đem về tái sử dụng. Không một ai tin là ông có thể làm cho chiếc máy vận hành được.

Câu nói nổi tiếng của ông đối với nhân viên THP thời bấy giờ và kể cả đối với những kĩ sư kì cựu của bia Sài Gòn lúc đó là: "Có cái khung sườn còn tốt hơn là phải chế cái máy từ không có gì cả".

Sau 2 năm phục chế, với tất cả sự sáng tạo và nhiệt huyết, dàn máy đã chạy đượcvà đạt công suất tới 80% công suất thiết kế của máy. THP đã khởi sự bước vào ngành công nghiệp sản xuất bia, nước giải khát như vậy, với chi phí đầu tư thấp ở mức không thể.

Sau 7 năm tham gia ngành bia, năm 2001 THP đã mở rộng sang nước uống không cồn. Các nhãn hiệu của Pepsi và Coca-Cola chiếm gần như toàn bộ thị trường thời bấy giờ. Môt doanh nghiệp điạ phương, chưa hề có kinh nghiệm về mảng nước ngọt đã liều lĩnh bước vào thị trường mới. 

Phân tích bài học thất bại của các doanh nghiệp trong nước trước đó, chúng tôi xác định muốn có cơ hội thành công THP phải vươn lên ngang bằng với các công ty hàng đầu thế giới về chất lượng, công nghệ, sản xuất, và cả về marketing, điều tưởng như không thể đối với DN Việt Nam.

THP đã đầu tư lớn mua công nghệ hiện đại nhất thế giới, đầu tư mạnh cho R&D để phát triển sản phẩm phù hợp khẩu vị người Việt, thuê các công ty tư vấn hàng đầu thế giới làm marketing như Saatchi & Saatchi, O&M, Dentsu.

Sau 7 năm, một loạt sản phẩm như nước tăng lực Number 1, Trà Xanh Không độ, Trà Dr. Thanh,... đã đột phá thị trường, tạo ra trào lưu tiêu dùng mới, đưa THP vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 VN, vượt trên cả Coca Cola.

Đến nay chúng tôi luôn giữ vững vị trí số 2 ngành nước giải khát, đứng đầu ngành NGK có lợi cho sức khoẻ và là DN Việt Nam duy nhất trong TOP 5 DN nước giải khát lớn nhất nước.

Trải nghiệm thứ hai tôi muốn chia sẻ là khi đặt ra yêu cầu hiện đại hoá quản trị doanh nghiệp tại THP. Khi doanh nghiệp đã lớn mạnh, muốn phát triển ổn định, đi xa, cạnh tranh được với thế giới thì nhất định phải thay đổi cách quản trị theo hướng chuyên nghiệp. 

Năm 1997, THP quyết tâm thay đổi mạnh từ việc quản lý kiểm soát không có hệ thống (thậm chí tận dụng cả vé giữ xe đạp thay cho phiếu xuất hàng) chuyển sang quản lý theo chuẩn quốc tế ISO.

Đơn vị tư vấn cũng liên tục từ chối vì theo kinh nghiệm của họ, ngành bia quá khó để đạt chứng nhận ISO đối với doanh nghiệp VN lúc bấy giờ. Sau một vài dự án không thành công, họ tin ngành bia VN không thể đạt chứng nhận ISO. 

Nhưng chỉ sau 5 tháng 19 ngày, THP đạt chứng nhận ISO. Để đưa ISO vào THP, với trình độ toàn công ty chưa đến 20 nhân sự có được bằng đại học, trong hơn 5 tháng đó chúng tôi đã kiên trì làm việc mỗi ngày từ 8h sáng dến 5h sáng hôm sau.

Không dừng lại ở đó, năm 2002, THP tiếp tục nghiên cứu mô hình quản trị và tin học hoá. THP cũng là doanh nghiệp Việt đầu tiên của nghành hàng tiêu dùng nhanh triển khai ứng dụng giải pháp phần mềm ERP quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp, theo kịp các công ty đa quốc gia.

Đây là dự án nhiều triệu đô la, với giải pháp do công ty Baan (Hà Lan) thiết kế. Ứng dụng ERP thành công, giá trị đem lại là một hệ thống quản trị hiện đại hàng đầu thế giới, 1 hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế.

GD điều hành sản xuất của bia Carlsberg tại Anh sang hỗ trợ triển khai dự án tại THP đã phải thốt lên: THP đã chuyển từ đi xe đạp sang đi hoả tiễn khi dám triển khai hệ thống ERP.

Trải nghiệm thứ ba chính là câu chuyện của nữ giới trong kinh doanh, câu chuyện của thế hệ lãnh đạo trẻ - 8X, 9X.

Nhiều bạn nữ trẻ chia sẻ với tôi về những khó khăn khi họ là nữ giới. Và họ vật vã để làm những điều mà họ lo sợ là không thể: Thành công trong một xã hội mà lãnh đạo nam giới chiếm đa số.

Bản thân mình, tôi tự hào mình được là phụ nữ. Được mặc đầm, được xinh đẹp, và đặc biệt được toả sáng ở những nơi toàn nam giới. Theo tôi, điểm mạnh của phụ nữ cũng chính là sự nữ tính, sự nhẹ nhàng.

Tôi vẫn chia sẻ với các bạn nữ và nữ nhân viên của mình: Chúng ta không cần trở nên giống nam giới. Hãy để cho nam giới thể hiện điểm mạnh của họ.

Tôi vẫn luôn quan niệm, phụ nữ giống như dòng nước, rất uyển chuyển, nhẹ nhàng nhưng vẫn quyết đoán, mạnh liệt và bền bỉ. Ông bà ta không tự nhiên có câu: lạc mềm buộc chặt. Theo tôi đây chính là điểm mạnh của phụ nữ. Chúng ta nhìn vào điểm mạnh để phát huy và kết quả sẽ là sự xác nhận chứ không phải giới tính. 

Và #standtaller (vươn tới), chính là yếu tố mà tôi nhìn thấy điểm chung của các nữ doanh nhân thành công. Và cũng nhìn thấy từ mẹ tôi, một người đóng góp rất lớn trong sự thành công của THP ngày hôm nay.

Làm việc tại THP tôi cũng phải phấn đấu đi từ vị trí thấp đến cao, từ một thư ký giám đốc marketing kiêm nhân viên bán bia mỗi tối.

Không ngại bất cứ công việc gì, bất kể ngày dêm, ai kêu gì tôi cũng làm, từ phiên dịch đến dẫn các chuyên gia đi tìm hiểu về TP HCM. Miễn có cơ hội để được học thêm, hiểu thêm.

Dần dần tôi được giao các vị trí quản lí và nay là Phó TGĐ của tập đoàn. Tôi vẫn thường nói với nhân viên của mình, không chỉ là nhân viên nữ: "Đến mơ mà mình còn không dám thì nói gì đến thực hiện. Hãy nghĩ đến ngày bạn làm Giám Đốc Khối, TGĐ của công ty này, và nuôi dưỡng ước mơ đó từ khi bạn còn trong giai doạn thử việc". 

Tôi luôn truyền sức mạnh cho nhân viên và những người xung quanh để họ can đảm chấp nhận hiện tại và vượt lên để xây dựng tương lai. "Không phải chúng ta thì ai?". Tôi quan niệm vai trò kết nối và huấn luyện của lãnh đạo trở nên ngày càng quan trọng với sự phát triển của THP hiện nay.

Tôi tự hào khi có được lòng tin của nhân viên, của đồng nghiệp bằng chính năng lực, sự tận tuỵ và cống hiến của mình. Tôi nhìn thấy sự phát triển của nhân viên bằng chính sự quan tâm và làm gương của bản thân.

Một điều cực kì quan trọng giúp tôi đứng đây chia sẻ với tất cả quý vị đó chính là: tôi yêu công việc mình đang làm. Những gì tôi đang thực hiện hằng ngày chính là sứ mệnh của cá nhân tôi: tạo nên ảnh hưởng tích cực cho những người xung quanh.

HS (Lược ghi)

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.