Giọt nước mắt hiếm hoi của Dr Thanh và cuộc hôn nhân 40 năm giông gió
Mối tình từ sạp bán đường trong chợ Bà Chiểu
Để có thể nắm tay nhau đi qua chặng đường 40 năm, ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ đã cùng nhau vượt qua nhiều giông gió, biến cố trong cuộc đời (Ảnh tư liệu - THP)
Thuở thanh niên, bà Nụ có sạp bán đường ở chợ Bà Chiểu. Hàng đường bà Nụ bán rất chạy, đông nghịt người mua, cả người dân mua về dùng lẫn các nhà sản xuất nhỏ lẻ.
Trong đó, có không ít người đến mua đường chỉ vì cô chủ sạp đường… quá đẹp. Đẹp nhất cái chợ Bà Chiểu lúc đó. Trước đó, khi còn học trường luật, bà Nụ cũng là hoa khôi, và nhiều người còn nói bà 'đẹp nhất cái tỉnh Gia Định'.
"Tôi bán đắt hàng lắm. Nhiều người đến mua không phải vì có nhu cầu về đường, mà kiếm cớ đến thôi", bà Nụ hồi tưởng, đôi mắt của người phụ nữ đã trải qua nhiều thăng trầm vẫn ánh lên sự sắc sảo tinh anh như hồi còn thanh nữ.
Không chỉ nhiều người đến mua đường. Không ít người còn tình nguyện đến dọn dẹp, bê vác giúp bà những thùng đường nặng tới 50 – 60kg mà hàng ngày bà vẫn phải tự bê.
Trong đó có một người mà bà Nụ đánh giá là "lịch sự, ga lăng", tên là Thanh "râu". Cái tên này gắn liền với bộ ria mép xanh rậm của ông Thanh, đúng chất lãng tử Sài Gòn hồi đó.
Là người làm men, ông Thanh vừa là khách mua đường, vừa là người đến đều nhất để giúp đỡ bà Nụ các công việc hàng ngày tại sạp đường. Dọn hàng xong, vị khách từng trải không quên đèo cô hàng đường đi ăn kem, đi dạo trước khi về nhà.
Dần dà, anh hùng - thuyền quyên bén duyên và trở thành chồng vợ sau lời cầu hôn… kì cục đầy tính "răn đe" của Dr. Thanh: "Lấy anh, sau này nhỡ đường đời thất bại, tự lồm cồm mà bò dậy chứ không ai đỡ em đâu" và "Em nghĩ kĩ chưa? Gật đầu theo anh là không hối hận à nha".
Để có thể gật đầu "Anh đi đâu em cũng theo", cô gái bán đường đẹp nhất chợ Bà Chiểu đã trải qua nhiều đêm trằn trọc, bởi ngoài sự lịch lãm và tự tin, cái 'danh tiếng' của Thanh 'râu' trước đó không mấy tốt đẹp: ăn chơi hay như làm, con gái qua tay ông không biết bao nhiêu mà kể.
"Lúc quen tui, nghe nói ổng có nhiều bồ nữa. Nhưng tôi nghĩ, mình có tài, không có lo. Không phải ổng chọn mình hay không, mà mình có chọn ổng không nữa chứ", bà Nụ hồi tưởng khi trao đổi với phóng viên mới đây, ông Thanh không quên 'vun' thêm vào: "Ngu gì không chọn!".
40 năm sóng gió, mới hiểu hết lòng nhau
Quyết tâm đến với nhau với những lời hứa hẹn ngọt ngào, nhưng cuộc sống đầy những biến cố cả trong gia đình và thời cuộc mới thực sự tạo cơ hội cho đôi vợ chồng này kiểm chứng những lời ước hẹn. Và có những điều, mãi về sau họ mới thực sự hiểu nhau và củng cố cho những linh cảm của họ khi chọn nhau thuở đầu.
Cuốn Chuyện nhà Dr Thanh đã tiết lộ, biến cố đầu tiên đến với gia đình trẻ này ngay sau kì trăng mật. Khi hai người trở về nhà, tất cả những gì còn lại là hai bộ chén đũa, một chiếc giường cũ và chiếc đi-văng sờn rách. Mọi của nả trong nhà ông Tám (bố ruột ông Thanh) đã được người con nuôi mang đi hết.
Nghe lại câu chuyện từ người hàng xóm, ông Thanh đã nghiến răng kèn kẹt trong cơn tức giận, nhưng bà Nụ đã nắm chặt tay ông với lời thì thầm: "Chúng ta tự làm được, và sẽ có lại tất cả".
Khó có thể đếm hết những giọt mồ hôi trên trán ông Thanh được vợ lau khô trong suốt 40 năm chung sống và tạo lập gia nghiệp (Ảnh tư liệu - THP)
Những khó khăn chưa dừng lại. Cuối những năm 70 và đầu 80, cuộc sống ở Sài Gòn có nhiều biến động. Kinh tế tư nhân không được khuyến khích, sạp đường của bà Nụ cũng chật vật hơn.
Mang thai đứa con đầu lòng (chính là cô con gái Trần Uyên Phương bây giờ), bà Nụ vẫn ngày ngày "cưỡi" chiếc xe Honda 67 đi Tây Ninh bán đường từ mờ sáng.
Có lần, vì quá mệt mỏi, bà lơ đễnh để chiếc xe lao xuống mương bên vệ đường và bà thiếp đi giữa cái hiện trường ngổn ngang đó cho đến khi sáng hẳn, rồi tự "lồm cồm bò dậy" nhờ sự hỗ trợ của những người đi đường.
Bà không nói với chồng, vì biết rằng ông Thanh sẽ cấm bà đi bán buôn đường xa. Trong khi đó, ông Thanh vẫn đang cặm cụi với những xưởng sản xuất đồ uống sơ khai, năm lần bảy lượt phá sản hoặc bị sở công an gọi lên gọi xuống vì làm kinh tế tư nhân.
Sự lãng mạn, ngọt ngào trở nên mờ nhạt trong một cuộc sống đẫm mồ hôi và nước mắt sinh tồn. Thay vào đó là sự cứng rắn, gồng mình ngày này qua tháng khác để thoát ra những khó khăn của giới làm ăn trong thời cuộc mới.
Sự hà khắc của cuộc sống cũng khiến ông Thanh có triết lí giáo dục con rất khắt khe, lấy roi để chỉnh thước ngắm cuộc đời những đứa con. Đó cũng là điểm mà bà Nụ không thể đồng thuận.
Ba đứa con của nhà Dr Thanh lớn lên trong những trận mưa roi mỗi khi làm trò nghịch dại, và không nhận được sự đặc quyền nào từ sự khá giả của bố mẹ, ngay cả khi vợ chồng Thanh – Nụ đã vượt qua những ngày cơ cực nhất và thay đổi được cuộc sống từ một dây chuyền phế liệu được ông Thanh mua lại và phục hồi.
Mỗi lần ông Thanh đánh con, là mỗi lần bà Nụ rơi nước mắt. Nhưng bà không cản, hoặc không thể cản, bởi quan điểm sắt đá của người chồng: chỉ có cuộc sống hà khắc mới tạo ra con người bản lĩnh.
Trong 40 năm chung sống, tạo dựng cơ đồ, nuôi dạy con cái, ông Thanh luôn là người làm chủ gia đình, hoặc là gia trưởng, tùy cách hiểu. Ông là người đưa ra mọi quyết định quan trọng, hoặc độc đoán, tùy cách đánh giá.
Bà Nụ luôn theo ông, dù ông "đi đâu", và cùng ông "lồm cồm bò dậy" trong nhiều thất bại, thăng trầm. Nhưng bà không âm thầm, hay cam chịu, đi theo. Bà thường xuất hiện những lúc ngọn lửa nóng giận của ông Thanh bốc lên cao nhất, hoặc những lúc ông đối mặt với thất bại thảm hại nhất.
Ngay cả khi Tân Hiệp Phát thực sự trở thành một đế chế sản xuất trong ngành nước giải khát với hàng nghìn công nhân, khi ông Thanh phải chiến đấu với thị trường đầy khắc nghiệt, và quản trị một công ty qui mô lớn với hàng nghìn qui trình phức tạp, bà Nụ biết tên từng nhân viên, gặp gỡ và hỗ trợ từng người khi họ hoặc gia đình họ có khó khăn, biến cố.
"Cô Nụ thường hỏi thăm từng người, tặng họ từ cục xà bông đến chai dầu gội, và không bao giờ quên câu 'cảm ơn' mỗi khi họ làm được điều gì đó có ích", một nhân viên kì cựu của Tân Hiệp Phát tiết lộ. Khả năng kết nối con người bằng cái tình và sự khéo léo của bà Nụ thậm chí khiến có người tin rằng: "Cô Nụ mạnh thì Tân Hiệp Phát mạnh. Cô Nụ yếu thì Tân Hiệp Phát yếu".
Suốt hơn 30 năm, ông Thanh vẫn vậy: hà khắc, kỷ luật, luôn không chấp nhận mọi giới hạn. Sự ngọt ngào, lãng mạn là điều xa xỉ trong một cuộc sống mà gia đình cũng chính là công ty và triết lí quản trị được áp lên cả mối quan hệ cật ruột.
Những đứa con ông, thậm chí đã từng khuyên mẹ bỏ quách người đàn ông gia trưởng ấy đi cho đỡ cực. Nhưng bà Nụ nói "tôi trân trọng những gì tôi có", còn ông Thanh, với cái máu tưng tửng vẫn còn từ thời còn là chàng trai Sài Gòn đào hoa, thường đùa rằng: "Ngu gì bỏ".
Không phải đến ngày kỷ niệm 40 năm, lần đầu tiên người Tân Hiệp Phát mới được thấy những cử chỉ ngọt ngào và một con người khác của Dr Thanh, khi ông ôm hôn vợ trước công chúng hay làm thơ tặng vợ.
Trước cột mốc đó ít năm, có một biến cố lớn khiến những đứa con thực sự hiểu ông, người cha mà vốn lâu nay làm các con rất tôn trọng, khâm phục nhưng cũng không kém phần sợ hãi, thậm chí bất mãn.
Lúc đó, cuộc khủng hoảng 'con ruồi' diễn ra. Giữa lúc công chúng đang tức giận và miếng bánh thị phần bị đánh phá tứ phía, bà Nụ gặp cơn đột quị và đối diện nguy cơ bán thân bất toại.
Cả gia đình tất tưởi, tràn ngập những ưu lo. Ông Thanh hàng ngày ngồi ở văn phòng, chủ trì hàng chục cuộc họp, nghe hàng chục báo cáo từ thị trường đến truyền thông, trực tiếp chỉ huy từng bước đi để vượt qua cơn khủng hoảng.
Nhưng chưa một ngày nào, ông trễ lịch hẹn đến với người phụ nữ gần 40 năm thực hiện trọn vẹn lời hẹn ước "Anh đi đâu em cũng theo anh". Lúc đó, dù không thể cất lời yêu thương với người vợ đang nằm trên giường bệnh, ông đã thú nhận với con gái rằng: "Nếu má con có mệnh hệ gì, ba không còn động lực gì để chiến đấu hay tạo dựng gì hết nữa".
Bà Nụ từng chia sẻ: "Trước lưỡi hái tử thần, tôi thấu hiểu và biết ơn chồng con tôi suốt đời (Ảnh tư liệu: THP).
Đó cũng là lần hiếm hoi, cô con gái trưởng Trần Uyên Phương chứng kiến người bố sắt đá của mình rơi nước mắt khi cầu nhờ các bác sĩ hãy làm hết những gì có thể để cứu lấy vợ ông.
Đến nay, những sóng gió đã ở lại phía sau và Tân Hiệp Phát đang hướng tới cột mốc 25 năm với những bước tiến mạnh mẽ trên thị trường. Mối tình 40 năm như tiểu thuyết của ông Thanh và bà Nụ đã được kiểm chứng bởi thời gian và những biến cố khiến mọi người trong gia đình có thể hiểu nhau một cách sâu sắc nhất.
Nhưng các thách thức vẫn chưa dừng lại với gia đình này, có lẽ vì đó là lựa chọn của họ, với một cột mốc khác: 100 năm, và trở thành nhà sản xuất nước giải khát có lợi cho sức khỏe hàng đầu châu Á.
Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát từng chia sẻ với người viết: "Một đời người có thể không đến 100 năm, nhưng một công ty có thể có sức sống trường tồn hơn thế rất nhiều. Và hiện nay, chúng tôi đang bắt tay xây dựng cho sự trường tồn đó".