Phó Tổng Giám đốc Vinacomin: Chúng tôi vẫn đang chịu thiệt vì không tăng giá than cho nhiệt điện
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), 8 tháng đầu năm, sản xuất than nguyên khai của tập đoàn đạt gần 28 triệu tấn, tăng gân 4% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 71% kế hoạch năm.
Tại họp báo khai mạc triễn lãm quốc tế về công nghiệp khai thác, khôi phục tài nguyên khoáng sản và xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng giám đốc Vinacomin cho biết việc khai thác, sản xuất than của tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng xuống sâu, cung độ vận tải lớn và thời tiết diễn biến thất thường.
"Chi phí khai thác than ngày càng tăng khi giá than Vinacomin cung cấp cho nhiệt điện vẫn chưa tăng đồng nào. Trong khi đó, than cung cấp cho nhiệt điện chiếm tới 80% tổng lượng than khai thác.
Để đảm bảo an sinh xã hội và nhiệm vụ nhà nước giao, chúng tôi đang chịu phần thiệt khi giá bán than chưa tương xứng với giá thành sản xuất”, ông Cơ nói.
Dựa vào trữ lượng than và điều kiện khai thác, Vinacomin dự kiến duy trì sản xuất khoảng 40 triệu tấn than/năm. Nguồn than khai thác được cân đối gần 90% cho các ngành như nhiệt điện, sắt thép, xi măng, phân bón và phục vụ dân dụng; còn lại hơn 10% cho xuất khẩu.
Cũng bàn về tiêu thụ than của Việt Nam, Ông Tee Boon Teong, Tổng giám đốc, Informa Markets Việt Nam đánh giá tiêu thụ năng lượng của Việt Nam tăng trưởng khoảng 10%/năm, đây là con số tăng trưởng lớn và nhanh nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, Việt Nam phụ thuộc lớn vào năng lượng từ than. Tỷ trọng năng lượng từ than dự kiến chiếm tới 46% trong các nguồn năng lượng vào năm 2022 và có thể tăng lên 56% vào năm 2030.
“Trong tương lai, than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng, dù Việt Nam đã đồng bộ triển khai nhiều năng lượng khác. Nhu cầu tiêu thụ than đang đi lên theo sự phát triển của nền kinh tế.
Dự kiến các nhà máy than sẽ tăng lên từ con số 32 vào năm 2030 lên 51 vào năm 2050, sản lượng tiêu thụ than của Việt Nam rơi vào khoảng 129 triệu tấn/năm”, ông Tee Boon Teong nhận định.
Đây sẽ là một bài toán khó cho ngành năng lượng khi Chính phủ Việt Nam vừa cam kết giảm khí thải carbon bằng 0 tại hội nghị COP26, tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa phải xử lý khí thải carbon, tận dụng được công nghệ mới và xanh, vừa có thể tận dụng được cơ sở hạ tầng vốn được xây dựng cho nền công nghiệp carbon.
Đại diện Informa Markets cho rằng câu trả lời duy nhất cho bài toán hóc búa này chính là sáng tạo khoa học và câu nghệ. Công nghệ sẽ giúp việc khai thác than hiệu quả hơn, đồng thời có thể lưu giữ lại lượng khí thải, tách chiết, xử lý trước khi đưa ra môi trường.
Đây cũng là lĩnh vực được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến lĩnh vực than nói riêng, khai khoáng nói chung ở Việt Nam. Tổng mức đầu tư cho công nghệ khai thác than ở Việt Nam lên tới 17 tỷ USD, trong đó 50% đến từ Trung Quốc, 23% đến từ Nhật Bản…
Ông Tee Boon Teong cho rằng những nguồn đầu tư này rất phù hợp với nền kinh tế đang phát triển và thân thiện với môi trường như Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Cơ cho biết hiện Vinacomin có 21 Công ty thành viên sản xuất hầm lò và lộ thiên.
Các mỏ hầm lò của Vinacomin đã và đang áp dụng nhiều công nghệ khai thác hiện đại, đặc biệt là các hệ thống cơ giới hóa, tự động hoá trong các khâu đào lò, khai thực, thông gió và kiểm soát khí mỏ, thoát nước mở.
Tỷ lệ than khai thác bằng hệ thống cơ giới đồng bộ ngày càng tăng, tỷ lệ tổn thất than ngày một giảm làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm tài nguyên.
Với các mỏ lộ thiên, Vinacomin cũng đã và đang đầu tư các thiết bị bốc xúc, vận tài có tái trọng lớn để nâng năng lực bốc xúc, vận tài. Liên tục đổi mới công nghệ nổ mìn, liên thông hệ thống khai thác để tạo ra các khai trường lộ thiên công suất lớn và từng bước băng tải hóa công tác vận chuyển.